| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Chủ động vụ nuôi tôm mới

Thứ Sáu 09/04/2010 , 10:26 (GMT+7)

Tính đến thời điểm này, các hộ nuôi trên địa bàn toàn tỉnh đã cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, đắp lại đê bao... trên 90% tổng diện tích ao nuôi để bắt đầu một vụ nuôi mới.

Hiện nay nông dân trong tỉnh Quảng Bình đang bước vào vụ nuôi tôm chính của năm 2010. Tính đến thời điểm này, các hộ nuôi trên địa bàn toàn tỉnh đã cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, đắp lại đê bao... trên 90% tổng diện tích ao nuôi để bắt đầu một vụ nuôi mới. Bên cạnh những động thái tích cực của các hộ nuôi trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa vụ thì các cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống cũng đã có những giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân có một vụ nuôi đạt hiệu quả cao.

Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản mặn lợ của toàn tỉnh Quảng Bình là 1.622 ha, với sản lượng nuôi 3.320 tấn (trong đó tôm nuôi chiếm khoảng 92% sản lượng), còn lại là các loại thủy sản khác như: cua, rô phi, cá mú, cá chẽm. Trong đó diện tích nuôi vụ 1 gần 1.200 ha (nuôi tôm sú 600ha, nuôi tôm chân trắng 600 ha), tập trung chủ yếu ở huyện Quảng Trạch (466 ha), Bố Trạch (440 ha), TP Đồng Hới (200 ha), Quảng Ninh (120 ha). Tại các vùng nuôi tôm trọng điểm như: vùng nuôi Phúc - Thuận (xã Quảng Phong - Quảng Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới), Võ Ninh, Hàm Ninh (Quảng Ninh)... hầu hết bà con đã thực hiện xong công tác cải tạo ao hồ, kênh mương để tạo sự thông thoáng, lưu thông nguồn nước phục vụ sản xuất của địa phương.

Tại các địa phương như Đồng Trạch (Bố Trạch), Quảng Phong (Quảng Trạch), Hà Thiệp (Quảng Ninh)... bà con nông dân đã cùng tổ chức cải tạo ao nuôi đồng loạt bằng cách tiến hành loại bỏ lớp mùn bã tầng hữu cơ ra khỏi đáy ao nuôi, bỏ vôi trắng và phơi nắng đáy hồ trong thời gian khoảng 1 tuần, bồi đắp những nơi bờ ao bị sạt lở, tu bổ mương. Đối với những vùng nuôi trên cát như: Bảo Ninh (Đồng Hới), Nhân Trạch (Bố Trạch), Hồng Thủy (Lệ Thủy)... do có đặc thù riêng (thả nuôi 3-4 vụ/năm) nên các hộ và đơn vị tham gia nuôi thường sau mỗi vụ thu hoạch đã dành thời gian cải tạo ao ít nhất là 20 ngày nhằm hạn chế mầm bệnh lây truyền từ vụ trước sang vụ sau. Mặt khác, các hộ nuôi hạn chế tối đa việc đưa chất thải ra ngoài môi trường làm ô nhiễm vùng nuôi.

Trước vụ nuôi tôm năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích nuôi tôm sú hiệu quả thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng dưới hình thức thâm canh và bán thâm canh nhằm tránh tổn thất do dịch bệnh. Ngoài ra, do tôm chân trắng đang có nhiều ưu điểm nổi trội về thời gian nuôi ngắn hơn nên cơ hội nhiễm bệnh do môi trường thấp hơn, có thể nuôi đuợc nhiều vụ trong năm, thị trường tiêu thụ của tôm thẻ rộng và dễ tiêu thụ hơn tôm sú (kể cả nội địa và xuất khẩu) nên diện tích tôm thẻ ngày càng được mở rộng và được khuyến cáo đưa vào nuôi thương phẩm đại trà.

Năm 2009, các hộ nuôi và các đơn vị tham gia đã thả khoảng 550 triệu con tôm giống (cả 3 vụ) gồm: 63 triệu con tôm sú loại P15 và 487 triệu con tôm thẻ tôm trắng, nhưng 6 trại tôm giống trên địa bàn tỉnh chỉ có khả năng sản xuất và dịch vụ được khoảng 65 triệu con (trong đó sản xuất được 17,7 triệu con PL15 tôm sú), chiếm 24,5% lượng tôm giống cung ứng trên địa bàn, dẫn đến tình trạng giống tôm khan hiếm.

Năm nay, để tạo được nguồn tôm giống có chất lượng, Trung tâm giống thuỷ sản tỉnh nhập khẩu tôm sú bố mẹ từ Singapore và cho đẻ thành công theo quy trình công nghệ sinh học với chất lượng tôm giống được nâng cao. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc trung tâm giống thủy sản Quảng Bình cho hay: “Trung tâm cũng đã thành công trong quy trình sản xuất tôm thẻ chân trắng. Nhờ vậy, bước vào vụ nuôi chính này, Trung tâm đã chủ động sản xuất và dịch vụ trên 30 triệu con giống tôm sú và 70 triệu con giống tôm thẻ nhằm đáp ứng khoảng 30-35% nhu cầu giống thủy sản mặn lợ trong toàn tỉnh. Đây cũng chính là nét mới trong việc tạo địa chỉ cung cấp nguồn con giống tin cậy cho bà con nông dân".

Được biết, năm 2009, nhiều hộ và đơn vị nuôi tôm trong tỉnh Quảng Bình nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, chú trọng chất lượng con giống và đảm bảo kỹ thuật nuôi mà sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh đạt gần 3.000 tấn. Đây chính là tiền đề để bà con nông dân tự tin bước vào một vụ nuôi mới.

Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phụ trách mảng thủy sản cho biết: “Ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn và phát triển các giải pháp đồng bộ về lịch thời vụ, mở các lớp tập huấn các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ, chọn con giống, quản lý môi trường và dịch bệnh trong quá trình nuôi ngay từ đầu năm để giúp bà con nông dân chủ động cho một vụ nuôi thắng lợi. Theo đó, vụ nuôi năm nay bà con cần thả rải giống từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5 dương lịch và áp dụng quy trình nuôi sạch để phòng ngừa thiệt hại do diễn biến của thời tiết và tránh tình trạng mất trắng tôm.

Đây cũng chính là biện pháp nhằm không gây áp lực cho việc tiêu thụ sản phẩm và hoạt động thu mua chế biến thủy sản xuất khẩu khi đến vụ thu hoạch tôm...”. Cũng theo ông Du thì bà con nông dân cần chú trọng thả giống với mật độ thích hợp và sử dụng hóa chất, kháng sinh một cách hợp lý. Cụ thể, đối với tôm sú nuôi theo phương thức bán thâm canh chỉ nên nuôi với mật độ 10-15 con/m2, còn nuôi theo phương thức thâm canh thì thả với mật độ 25-30 con/m2. Riêng với nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất thì thả mật độ 40-70 con/m2 và 120-140 con/m2 nếu nuôi thâm canh trên cát.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.