| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Hiệu quả tổ đoàn kết khai thác trên biển

Thứ Hai 01/02/2010 , 11:54 (GMT+7)

Sau một năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 183 TĐK khai thác hải sản với gần 1.100 tàu thuyền chiếm 34% tổng số tàu trong tỉnh và hơn 8.000 lao động trực tiếp tham gia.

Những năm gần đây, nhiều cơn bão đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản đối với ngư dân đang khai thác hải sản trên các vùng biển. Trong đó, đáng chú ý là tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường tổ chức đánh bắt đơn lẻ, phân tán nên khi xảy ra các sự cố và gặp tai nạn thường gây nhiều khó khăn cho công tác phối hợp hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Để khắc phục tình trạng trên, cuối năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ thị về việc thành lập các tổ đoàn kết (TĐK) khai thác hải sản trên biển với mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân.

Sau một năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 183 TĐK khai thác hải sản với gần 1.100 tàu thuyền chiếm 34% tổng số tàu trong tỉnh và hơn 8.000 lao động trực tiếp tham gia. Điều kiện để thành lập TĐK là phải có ít nhất 3 tàu cá (có công suất máy từ 20 CV trở lên), có cùng địa bàn cư trú, cùng nghề và khai thác cùng ngư trường. Các chủ tàu đã tự nguyện gia nhập TĐK theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi.

Qua thực tế cho thấy, chủ tàu tham gia TĐK có nhiều ưu điểm trong khi đánh bắt trên biển. Điển hình như các TĐK khai thác hải sản ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới). Xã hiện có 43 TĐK với 280 tàu thuyền, trong đó riêng thôn Mỹ Cảnh có 11 TĐK. Trong những chuyến đi biển, các thành viên trong TĐK đã giúp đỡ nhau trong huy động vốn để cho nhau vay trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, các TĐK khai thác trên cùng một ngư trường đã tổ chức ứng cứu nhau khi gặp thiên tai, bão lốc. Cơn bão số 9 năm 2009, nhờ làm tốt thông tin liên lạc mà 100% tàu, thuyền của xã Bảo Ninh đã vào nơi neo đậu an toàn, không có thiệt hại.

Ngoài ra, các thành viên trong cùng một TĐK còn giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, các tàu đã thay phiên nhau vận chuyển sản phẩm gồm các loại: cá, mực, tôm... vào bờ. Như vậy, một số chủ tàu đã rút bớt số lần ra khơi và tăng thời gian bám biển thêm 4 đến 5 ngày so với trước đây nhằm tiết kiệm dầu, giảm chi phí đi lại. Một điều dễ nhận thấy là từ khi thành lập TĐK, chính quyền địa phương có thể dễ dàng biết được các thành viên trong tổ đang hoạt động ở vùng biển nào, tình trạng ngư dân như thế nào, dự ước sản lượng tàu thu được thông qua báo cáo của người tổ trưởng TĐK. Anh Nguyễn Hữu Thân, tổ trưởng của TĐK ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) cho hay: “Hiện các thuyền viên và chủ tàu đã thấy an tâm hơn bởi nếu không may gặp tai nạn rủi ro giữa biển sẽ có người trợ giúp, không còn cảnh lẻ loi như trước nữa vì trong quá trình khai thác các thành viên vẫn thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm...”.

Việc thành lập TĐK khai thác hải sản vẫn còn một số hạn chế, đó là tình trạng giữa các tàu, các tổ vẫn chưa tích cực thông báo cho nhau về những ngư trường có sản lượng hải sản lớn do chủ tàu muốn giấu ngư trường, không muốn bị điều động phương tiện tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, hiện tượng một số tàu thuyền không đăng ký tần số thực của máy thông tin hoặc thường xuyên thay đổi nên khi xảy ra các sự cố trên biển gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn.

Huyện Quảng Trạch có 43 TĐK với khoảng 344 tàu tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động với các nghề như: mành chụp, câu, giã, rập (lồng), rê. Riêng xã Cảnh Dương có 26 TĐK với 250 tàu thuyền. Theo ông Đồng Thanh Đắng, Chủ tịch Hội Ngư dân của xã Cảnh Dương thì: “Việc thành lập TĐK khai thác hải sản trên biển là đúng và cần thiết đối với ngư dân, vì những thành viên trong TĐK được phân định trách nhiệm rõ ràng khi có bão và khi có tai nạn nên xử lý tình huống nhanh và chủ động hơn, tính cộng đồng được nâng lên một cách rõ rệt...”.

Thời gian qua, nhiều TĐK khai thác hải sản của xã Cảnh Dương đã tăng cường công tác phối hợp trong đánh bắt và dịch vụ hậu cần. Các tàu thường đi theo nhóm nên khi gặp ngư trường có sản lượng thấp, các chủ tàu có thể dồn sản phẩm cho một tàu vận chuyển hải sản về tiêu thụ. Ngược lại nếu gặp ngư trường lớn thì gọi tàu đến khai thác. Do đó, chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo tươi, ngon và bán được giá. Khi chi phí sản xuất giảm, hiệu quả trong từng chuyến đi biển sẽ tăng lên, thời gian khai thác có thể kéo dài hơn.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, một chủ tàu ở Cảnh Dương (Quảng Trạch) tham gia TĐK bộc bạch: “Tổ chúng tôi có 6 tàu, thường xuyên khai thác tại vùng vịnh Bắc Bộ, mỗi tháng mỗi tàu đóng 100.000 đồng để gây quỹ hoạt động. Mặc dù có thời gian cuối năm thời tiết không mấy thuận lợi nhưng nhờ hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm ngư trường mà tổ của chúng tôi thu về gần 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn cho thu nhập 2 triệu đồng/người".

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.