| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Thứ Ba 13/08/2019 , 13:10 (GMT+7)

Tại Quảng Bình, chỉ chưa đầy một tuần của kỳ nghỉ hè, đã có 9 em học sinh bị đuối nước thương tâm và đến cuối kỳ hè, đã có 14 em học sinh không bao giờ tựu trường được nữa.

14-01-19_nnvn__2-_mo_hinh
Mô hình vận dụng một đoạn bờ sông làm nơi dạy bơi cho học sinh.

Gần đây nhất là vụ 3 em nhỏ đuối nước khi rủ nhau đi tắm hồ. Đây là những hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý học sinh trong mỗi dịp hè.
 

Những chuyện đau lòng

Ngay trong tuần đầu tiên của ngày kết thúc năm học, trên địa bàn Quảng Bình đã dồn dập xảy ra các vụ đuối nước của học sinh các cấp. Theo đó, khoảng 9 giờ ngày 23/5, sau buổi lễ tổng kết năm học, một nhóm có 8 học sinh của trường THCS Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa) rủ nhau ra sông Gianh (đoạn qua thôn 2, xã Thanh Thạch) để tắm. Trong lúc tắm, 3 nữ (học sinh lớp 6) bị nước cuốn ra chỗ sâu. Khi lực lượng cứu hộ phát hiện, tìm thấy các em thì đã quá muộn.

Cũng trong ngày đó, vào buổi chiều, tại xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) hai em Hồ Thị Ánh T. (9 tuổi) và Hồ Thị Kim Y. (6 tuổi, cùng trú trú bản La Trọng - học sinh THCS và Tiểu học xã Trọng Hóa), cùng người lớn lên rẫy. Khi người lớn làm việc thì các em rủ nhau xuống suối tắm. Trong lúc tắm, 2 em nhỏ đã bị đuối nước dẫn đến tử vong.

Chỉ một ngày sau, khoảng 15 giờ 30 ngày 24/5, em Phạm Ngọc K. (14 tuổi, học sinh lớp 8, Trường THCS xã Xuân Trạch, Bố Trạch) cùng 2 người bạn đi cào hến tại con suối gần nhà. Chẳng may em K. hẫng chân trôi vào vùng nước sâu. Hai em còn lại đã vội chạy báo người lớn đến cứu. Tuy nhiên, khi người nhà và lực lượng cứu hộ đến nơi và tìm được em K. thì đã quá muộn.

Tối ngày 28/5, 3 em học sinh (1 học sinh học lớp 7 và 2 em học sinh học lớp 4 đều trú tại xã Tân Hóa, Minh Hóa) rủ nhau đi bắt cua tại một khe suối gần nhà và bị đuối nước tử vong. Chỉ trong vòng một tuần lễ sau ngày nghỉ của năm học, đã có 9 em học sinh đuối nước.

Thương tâm nhất là trường hợp 3 chị em ruột (lớn nhất 10 tuổi và nhỏ nhất 6 tuổi), con anh Hoàng Văn L. (trú tại xã Châu Hóa, Tuyên Hóa) đuối nước trên sông Gianh. Chiều ngày 24/6, 3 chị em cùng nhau ra sông để tắm mát vì trời nắng nóng. Không may, cả 3 chị em bị sụp xuống hố sâu dẫn đến đuối nước. Người dân trong thôn phát hiện sự việc đã lao xuống sông cứu, vớt cả 3 chị em lên và cố gắng cấp cứu tại chỗ. Tuy nhiên, vì thời gian đuối nước quá lâu, cả 3 chị em đều không thể qua khỏi.

Gần đây nhất, đã xảy ra 2 vụ đuối nước liên tiếp. Vào ngày 5/8, cháu Đinh Minh Đ. (4 tuổi ở xã Hương Hóa, Tuyên Hóa) cùng đi theo người anh 8 tuổi ra suối tìm bà ngoại. Chẳng may cháu bị trượt chân ngã xuống vùng nước sâu và tử vong.

Một ngày sau, 4 em nhỏ ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) rủ nhau ra hồ nước cách khu dân cư khoảng 1km để tắm. Tắm được một lúc thì 1 em về trước, 3 em còn lại vẫn tiếp tục. Không may sau đó, các em bị trượt chân vào vùng nước sâu và bị tử vong. Trong 3 em thì có 2 em là anh em ruột.
 

Làm gì cho con trẻ?

Một thống kê nhỏ cho thấy các địa phương thuộc vùng sông nước nhiều như Quảng Ninh, Lệ Thủy, Đồng Hới… vụ việc trẻ đuối nước ít khi xảy ra. Những địa phương vùng cao lại xảy ra nhiều. Bà Đinh Thị Vân (giáo viên ở huyện Minh Hóa) cho rằng ở vùng miền núi, do điều kinh tế còn khó khăn nên việc mưu sinh của người nghèo cũng đầy lo âu cho con trẻ. Thông thường, người lớn làm việc lớn, trẻ nhỏ giúp bố mẹ đi mò cua, bắt ốc ở khe suối gần nhà. “Các em tự đi, nếu có sơ sẩy gì thì người lớn cũng khó biết mà trợ giúp được”, bà Vân nói.

Những vụ đuối nước liên tiếp xảy ra và tất cả các nạn nhân đều là những em học sinh sống ở vùng nông thôn nên hạn chế về ý thức phòng chống đuối nước. Nhiều em học sinh do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tranh thủ kỳ nghỉ hè để mưu sinh kiếm thêm thu nhập.

Trong năm học qua, một số địa phương trong tỉnh cũng đã quan tâm đến dạy bơi cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Một số trường được đầu tư hàng trăm triệu đồng để tập bơi. Tuy nhiên, việc có kinh phí để duy trì hoạt động cũng rất khó.

“Sau khi nhận bàn giao thì chúng tôi cũng bó tay vì không có kinh phí để bơm nước, xã nước, làm vệ sinh, thuê giáo viên dạy. Nếu kêu hội phụ huynh đóng góp thì sợ bị đưa vào lạm thu…”, lãnh đạo một trường học bộc bệch như vậy.

Trong khó khăn, nhiều địa phương cũng chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền. Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, Minh Hóa, cho hay: “Chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch, tích cực tuyên truyền. Những điểm thường xảy ra tai nạn thì có những biển báo và có đội thanh niên xung kích kiểm tra và tuyên truyền. Chủ yếu là nhận thức thôi, còn quản lý con em tại hộ gia đình thì chính quyền rất là khó”.

Một điều dễ thấy là sau hàng loạt vụ học sinh đuối nước, nhiều địa phương phát động phong trào dạy bơi cho trẻ trong dịp hè. Tuy nhiên, chỉ sau ngày phát động lấy hình ảnh xong là không còn lớp, không còn chương trình...

Cũng đã xuất hiện một vài điểm sáng trong cái khó khăn. Cty Oxalis Tuvs Quảng Bình đã mở lớp dạy bơi ở khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng để thu hút khách đến. Một số tổ chức tình nguyện khác đã chọn một đoạn sông, suối, hồ… rồi cắm dọc, chăng lưới khoanh vùng an toàn mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Anh Lê Phước Thành, một thanh niên tình nguyện chia sẻ: “Nếu địa phương nào cũng quan tâm và biết vận dụng sông, suối, ao hồ, đập ở tại chỗ và làm như chúng tôi đang triển khai thì hiệu quả sẽ rất cao và chi phí cũng rất thấp. Làm được như vậy sẽ tạo được cho các em tự tin khi chẳng may ngã xuống hồ, sông”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.