| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Nuôi đà điểu - hướng đi triển vọng

Thứ Ba 09/02/2010 , 08:56 (GMT+7)

Thị trường quốc tế cần khoảng 10 triệu con đà điểu/năm nhưng thực tế còn có sự cách biệt lớn giữa cung và cầu. Hầu hết các bộ phận từ đà điểu đều được tận dụng triệt để.

Từ 12 con đà điểu được nuôi thí điểm ở trang trại chị Hoàng Thị Minh (xã Hải Trạch - Bố Trạch) vào năm 2004, đến nay, Quảng Bình đã có 5 trang trại lớn với số lượng xuất chuồng mỗi năm xấp xỉ 500 con. Điều đáng mừng là nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm đà điểu rất lớn, mặt khác chúng là vật nuôi ít bị dịch bệnh nên nuôi đà điểu được xem là hướng đi đầy triển vọng.

Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Bình đã xây dựng mô hình chăn nuôi đà điểu với mục đích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hy vọng đặt nền móng cho sự phát triển chăn nuôi đà điểu. Mô hình được thực hiện với số lượng 12 con 3 tháng tuổi tại trang trại của chị Hoàng Thị Minh ở xã Hải Trạch từ tháng 6/2004. Đà điểu là đối tượng chăn nuôi mới lạ đối với nông dân lẫn cán bộ kỹ thuật trong ngành nên Trung tâm trong khi thực hiện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyển giao giống và kỹ thuật để thẩm định lựa chọn hộ chăn nuôi có đủ yêu cầu về chăn nuôi đà điểu như: diện tích đất phù hợp, có năng lực kinh tế xây dựng chuồng trại.

Vượt qua nhiều ứng cử viên khác, chị Hoàng Thị Minh với trang trại chăn nuôi được thiết kế xây dựng rộng rãi, khá bài bản đã được chọn nuôi thí điểm đà điểu của tỉnh. Sau khi tham gia lớp tập huấn, chị Minh đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để san ủi cả đồi cát trong phần diện tích trang trại của mình làm chuồng nuôi đà điểu. Trang trại của chị được nhận nuôi đà điểu giống chuyển từ trại thực nghiệm chăn nuôi đà điểu ở Ba Vì - Hà Tây cũ. Sau 12 tháng nuôi có thể thu hoạch được sản phẩm.

Từ thành công mô hình, nhiều trại nuôi đà điểu theo đó mọc lên. Trang trại nuôi đà điểu của Cty TNHH thuỷ sản Hưng Biển (trên vùng cát xã Bảo Ninh - Đồng Hới), với quy mô gần 2 ha, số lượng được nuôi lên đến vài trăm con. Đà điểu có tốc độ tăng trọng rất cao, sau 12 tháng nuôi có trọng lượng bình quân từ 100 đến 120kg. Con trống trưởng thành cao 2,1 – 2,75m, nặng 120 – 150kg. Con mái cao 1,75 – 1,9m, nặng 90 – 110kg.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Cty TNHH thuỷ sản Hưng Biển thì: “Vùng đất cát ven biển rất thích hợp để xây dựng trang trại nuôi đà điểu. Việc đầu tư chuồng trại và khu vực khoanh nuôi trên cát khá đơn giản và đầu tư ban đầu không cao nên có thể nhân rộng thêm các mô hình...”. Có thể đây là tiền đề quan trọng để người nông dân trên vùng cát Quảng Bình hình thành một nghề chăn nuôi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Một con đà điểu mái đẻ 40 – 50 trứng/năm, ấp nở ra 20 – 25 con đà điểu giống, sau 10 – 12 tháng nuôi đạt 100kg/con. Thịt đà điểu có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng cholesterol rất thấp. Da đà điểu là nguyên liệu đắt tiền dùng sản xuất các mặt hàng cao cấp. Mỡ, lông, vỏ trứng và móng vuốt là nguyên liệu quý dùng chế mỹ phẩm, đồ trang sức có giá trị. Hiện nay các nước như: Anh, Pháp, Israel, Trung Quốc... là những nước có ngành chăn nuôi đà điểu phát triển. Thị trường quốc tế cần khoảng 10 triệu con/năm nhưng thực tế còn có sự cách biệt lớn giữa cung và cầu.

Ở Quảng Bình cũng vậy, như đã nói các trang trại mỗi năm xuất chuồng khoảng 500 con, chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Một thuận lợi khi nuôi đà điểu là loài vật này có sức đề kháng tốt, ít khi mắc phải dịch bệnh. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xẩy ra nhiều đợt dịch cúm gia cầm nhưng các trang trại nuôi đà điểu không hề bị dịch bệnh lây lan. Thức ăn cho đà điểu rất đơn giản, bao gồm các loại thức ăn xanh và tinh bột (giống như thức ăn của gà, vịt).

Tốc độ tăng trọng của đà điểu khá cao bình quân từ 8,5 – 9kg/tháng và sau 12 tháng nuôi có thể xuất chuồng được. Một số trang trại ở Quảng Bình đã kết hợp nuôi đà điểu lấy thịt với đà điểu sinh sản lấy giống. Mỗi quả trứng đà điểu có trọng lượng tương đương với 24 quả trứng vịt và có giá bán tương đương với 50 quả trứng vịt. Mỗi con đà điểu có trọng lượng xuất chuồng trên 100kg, sau khi trừ các chi phí (giống, thức ăn) cho lãi khoảng 1 triệu đồng.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.