| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Phá nát đất di sản

Thứ Sáu 10/06/2011 , 10:16 (GMT+7)

Nhiều dự án "triệu đô" tại Quảng Bình sau lễ khởi công lại “đắp chăn bông” yên vị, để hàng trăm hecta đất mặc cho mưa bay và gió thổi.

Mấy năm gần đây, tại Quảng Bình, hàng loạt dự án tổ chức khởi công khá rình rang với sự có mặt của gần như đầy đủ quan khách đầu tỉnh. Những dự án “triệu đô” đến với vùng đất Quảng Bình tưởng sẽ là “cứu cánh” để vùng đất khó khăn này cất cánh. Nào ngờ, nhiều dự án sau lễ khởi công lại “đắp chăn bông” yên vị, để hàng trăm hecta đất mặc cho mưa bay và gió thổi.

DN thi nhau “chia phần”

Các đây mấy năm, sau khi Quảng Bình tổ chức đón nhận Bằng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, hàng loạt nhà đầu tư đã ồ ạt vào xí phần đất trên miền di sản này. Trong vòng một năm, tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, được xem như “thánh địa” du lịch của Quảng Bình, đã có 15 dự án đăng ký đầu tư du lịch, với cam kết số vốn lên tới gần 18 triệu USD. Cả tỉnh mừng, người dân vùng nghèo Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, nơi có di sản) càng mừng hơn với hy vọng các dự án đầu tư này sẽ mang lại bộ mặt mới cho di sản, giúp người dân có thêm thu nhập.

Nhưng sau khi "xí" được đất, nhiều dự án án binh bất động. Điển hình là dự án du lịch sinh thái 50 ha của Cty TNHH Văn minh đô thị (Cividec) có trụ sở tại Hà Nội thực hiện với số vốn đầu tư dự kiến trên 300 tỷ đồng. Sau thời gian chuẩn bị, vào giữa năm 2004, nhà đầu tư Cividec rầm rộ làm lễ khởi công. Lãnh đạo Cty Cividec hùng hồn giới thiệu một khu du lịch sinh thái sẽ mọc lên tại đây. Nhiều hạng mục độc đáo như khu rừng mưa nhiệt đới, khu mê cung, công viên đá do kiến trúc sư người Pháp và nhà tư vấn Úc thực hiện. Lãnh đạo Cty cũng “hứa” là sau 2 năm khởi công, sự án sẽ đi vào hoạt động và các dịch vụ du lịch sinh thái sẽ đón nhận khách tham quan khi đến với di sản.

Nhưng rồi, sau 7 năm khởi công, người dân chỉ thấy một cái cột đá được lắp ghép dựng đứng, mang trên thân mình sự tích trầu cau nằm trơ trọi bên con đường dẫn lên trụ sở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Ngoài ra, dự án còn có ngôi nhà 2 tầng chưa hoàn thiện, trống huơ trống hoác (được cho là Trung tâm điều hành khu du lịch) đang xuống cáp nằm sát chân núi. Còn tất cả mọi kế hoạch về tiến độ xây dựng đã bị phá sản. Nghe đâu, phía Cty này đổ lỗi cho tỉnh giải phóng mặt bằng chậm; ngược lại tỉnh cho rằng nguyên nhân chính do Cty không triển khai thực hiện dự án như kế hoạch.

Hỏi chuyện dự án du lịch sinh thái, ông Nguyễn Văn Hoà- Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Trạch (Bố Trạch) lúc đó giữ chức Chủ tịch UBND xã cho hay: “Dự án này lấy khoảng 50 ha đất canh tác của hơn 110 hộ dân các thôn Trằm Mé, Phong Nha, Na... của xã. Thời điểm đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được ưu tiên hàng đầu. Tôi nhớ là tiền đền bù đã được chuyển cho hộ dân. Tuy nhiên, đến nay ngoài 5 ha đơn vị thi công san ủi mặt bằng là không làm gì được, số diện tích còn lại bà con đang tranh thủ trồng trọt lại từ năm ngoái”.

Đưa chúng tôi ra vùng đất vốn là ruộng lúa 2 vụ, bây giờ là bãi đất đá cấp phối cây cỏ mọc um tùm, nông dân Trần Đức Trọng (thôn Trằm Mé) chán chường: “Nhà tui có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất, gần 0,5 ha. Dù biết không còn đất ruộng để làm ăn, sinh sống nhưng vì cái chung và bên Cty cũng hứa tạo việc làm cho mọi người nên tui vui vẻ giao đất thôi. Vậy nhưng du lịch sinh thái chẳng thấy đâu, trong khi tui không có đất trồng ngô, trồng lạc”.

Sau Cty Cividec đến Cty Đông Dương vào cuộc với dự án Khu du lịch sinh thái Phong Nha- Kẻ Bàng. Dự án này được xây dựng trên diện tích hàng trăm ha, tại xã Sơn Trạch với các hạng mục lớn như khu ẩm thực, vui chơi giải trí; khu vườn nuôi thú hoang dã, vườn thực vật quý hiếm; khu nhà nghỉ dưỡng, khách sạn…để phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.  Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả vùng đất giao cho dự án vẫn lặng ngắt như tờ.

Không riêng gì 2 dự án trên. Hàng loạt nhà đầu tư khác vào ôm đất, khoanh dự án nhưng sau đó không đầu tư mà cũng chẳng thèm trả lại.

Băm nát rừng phi lao

Quảng Binh không chỉ có di sản Phong Nha-Kẻ Bàng mà còn có một dải bờ biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên tại rất nhiều bãi biển hiện nay, DN nhảy vào lấy đất rồi bỏ không hoặc thi công cho có xong lại để hoang hóa. Tập đoàn Vinashin được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận giao 60 ha đất ở vị trí đẹp nhất xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) để làm khu nghỉ dưỡng. Nhưng qua 4 năm, Vinashin không thi công như cam kết. Vinashin cũng "dọa" đầu tư một khách sạn tiêu chuẩn quốc tế bên bờ biển Nhật Lệ trên đường Trương Pháp tại TP Đồng Hới, hứa hẹn sau 2 năm đi vào hoạt động nhưng công trình này vẫn dở dang.

Theo kế hoạch vào cuối năm 2012 Khu du lịch Suối Tiên Quảng Bình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Ông Phạm Minh Thành, người dân xã Bảo Ninh nói như “kể tội”: “Lúc khởi công thì cán bộ tỉnh về dự đông lắm. Bà con ai cũng tưởng nay mai có dự án làm đẹp thêm quê hương. Ai ngờ đến giờ cũng chưa có cái chi. Tiếc cho mấy vạt dương (phi lao) mấy chục năm tuổi bị chặt trụi để lấy đất cho dự án”.

Một dự án khác, khu du lịch 9 triệu USD mang tên HTT Resort & Spa với diện tích 7 ha tại bãi biển xã Quang Phú (TP Đồng Hới) của Cty do kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự đầu tư với những hạng mục nghe rất kêu: khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao với 150 phòng; các biệt thự riêng biệt và khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí trên biển... Dự kiến tháng 6/2007 sẽ đưa vào sử dụng 100 phòng của khu nghỉ mát và đến cuối năm 2008 sẽ hoàn thành toàn bộ. Song le, chỉ sau ngày động thổ là tất cả như trôi vào sự lãng quên, chỉ còn lại vùng đất gió thổi ù ù.

Dự án Khu du lịch Suối Tiên Quảng Bình do Cty Khoang Xanh Suối Tiên (Hà Nội) đầu tư là một trong những dự án du lịch nằm trong quy hoạch, đã được phê duyệt thuộc Chương trình phát triển du lịch trọng điểm thời kỳ 2006 - 2010 của tỉnh và của TP Đồng Hới. Khu du lịch được xây dựng ở thôn Đồng Dương (xã Bảo Ninh- TP Đồng Hới) với diện tích 8 ha, có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, bao gồm các khu chức năng như khu nghỉ dưỡng với 150 phòng đạt tiêu chuẩn 2 sao, khu nhà hàng có thể chứa 500 khách, khu vui chơi giải trí và khu vực tắm bùn nóng...

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.

Bình luận mới nhất