| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Thịt lợn sẽ giảm giá chậm?

Thứ Năm 02/04/2020 , 20:05 (GMT+7)

Sáng 2/4, các chợ thịt ở Quảng Bình vẫn có giá không đổi so với những ngày trước: 150 ngàn đồng/kg…

Thịt lợn tại Quảng Bình vẫn giữ nguyên giá như trước đây, 150 ngàn đồng/kg. Ảnh T.P

Thịt lợn tại Quảng Bình vẫn giữ nguyên giá như trước đây, 150 ngàn đồng/kg. Ảnh T.P

Chợ Đồng Hới là nơi tập trung cũng như là chợ đầu mối về thịt lợn. Ở đây có trên 100 quầy, bàn bán thịt từ sáng đến tối. Bây giờ, lượng quầy mở bán chỉ còn lại phần ba.

Ít người mua…

Quầy thịt lợn của chị Võ Thị Hương nằm ở vị trí dãy đầu nên khá thuận lợi cho việc mua, bán. Trước đây, mỗi ngày chị bán sỉ và lẻ hơn tạ thịt, xương. Nay chị chỉ lấy một nửa vì sợ bán không hết.

“Trước thì vừa phục vụ cho người đi chợ, vừa cung ứng nguồn thịt lợn cho nhiều nhà hàng, trường học… Bữa nay học sinh nghỉ học tránh dịch Covid-19 nên cắt nguồn rồi. Chỉ còn bán cho khách hàng quen, nhưng số bạn hàng đi chợ mua thịt cũng giảm nhiều lắm”- chị Hương nói.

Tất cả các quầy ở đây đều bán đồng giá. Thịt ba chỉ, mông săn, vai, xương… có giá 150 ngàn đồng/kg. “Giá như vậy ổn định từ sau Tết đến chừ đó”- chị Hương cho hay.

Cách mấy quầy thịt lợn là quầy thịt bò của chị Lê Thị Hải. Quầy cũng vắng, chị Hải ngồi khoanh tay nói: “Trước thì mua mua, bán bán cũng được gần tạ xương thịt. Nay chỉ mong bán được hai, ba chục cân là mừng rồi. Giá thì 250 ngàn đồng/kg thịt ngon. So với tuần trước thì không tăng cũng nỏ (không) giảm cắc nào”.

Sức mua thịt lợn tại chợ Đồng Hới cũng giảm đáng kể. Thay vì lấy mỗi ngày cả tạ thịt xương thì các tiểu thương chỉ lấy 40-50 kg. Ảnh: T.P.

Sức mua thịt lợn tại chợ Đồng Hới cũng giảm đáng kể. Thay vì lấy mỗi ngày cả tạ thịt xương thì các tiểu thương chỉ lấy 40-50 kg. Ảnh: T.P.

Ở huyện Lệ Thủy, nơi đông dân của tỉnh cũng không có gì xáo trộn. Các chợ lớn như chợ Tréo, chợ Hôm, chợ Thùi… hàng thịt cũng vắng hơn ngày thường, nhưng giá cả thì cũng tầm tầm với chợ thịt ở TP Đồng Hới.

Chị Nguyễn Thị Thu bán quầy thịt cho hay: “Giá từ nông thôn đến dưới phố cũng giống nhau mà thôi. Bán cho người thân quen thì cũng chỉ bớt năm, bảy ngàn đồng/kg. Còn không thì cũng 150 ngàn đồng/kg thịt ngon mà”.

Tác động giảm giá thịt lợn chậm…

Ông Nguyễn Văn Kiên (ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) làm nghề mổ lợn từ lâu. Bẵng đi gần chục năm, ông sang Cộng hòa Séc làm thuê mong có thu nhập cao hơn.

Rồi lang bạt sang Ba Lan, Pháp rồi Anh… Rốt cuộc, khi về cũng chỉ mang theo được “trên răng dưới ca-tút”. Về nước, ông quay lại nghề mổ lợn. “Thu nhập ít ít nhưng đều đều bạn ạ”- ông bảo vậy.

Theo ông Kiên, mỗi ngày ông giết mổ chừng 10 con lợn, chủ yếu cung cấp thịt cho các quầy ở chợ Đồng Hới. Bây giờ, mỗi ngày chỉ mổ từ 3-4 con thôi.

Nguồn lợn được mua từ các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ là chính. Khi mua giá lợn hơi dao động từ 80-90 ngàn đồng/kg, tùy theo chất lượng lợn nạc hay nhiều mỡ. Nếu là lợn nuôi cho ăn rau và đồ thừa của bữa ăn, không sử dụng thức ăn công nghiệp thì giá cao hơn.

“Lợn nhà nuôi khoảng 6 tháng mà chỉ bằng “nắm đấm” (khoảng 40-50 kg) thì phải mua đến 100 ngàn đồng/kg. Bớt một ngàn, người ta cũng từ chối ngay”- ông Kiên nói.

Các quầy thịt không mở bán nên chợ thịt cũng khá vắng vẻ. Ảnh: T.P.

Các quầy thịt không mở bán nên chợ thịt cũng khá vắng vẻ. Ảnh: T.P.

Hiện ở Quảng Bình, tổng đàn lợn gần 240 ngàn con. Trong đó, lợn được chăn nuôi ở các trang trạng lớn, các doanh nghiệp… chiếm khoảng 60% tổng đàn. Số lượng lợn này chủ yếu xuất bán cho thị trường ngoài tỉnh.

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Bình thì thị trường thịt lợn nội tỉnh chủ yếu được cung cấp bởi lợn nuôi ở gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, tác động đến việc giảm giá thịt lợn trên thị trường sẽ rất chậm.

“Có thể vào tuần sau, thị trường thịt lợn ở Quảng Bình mới giảm giá”, ông Trần Công Tám nhận định...

Quầy thịt bò cũng ít khách và lượng thịt bán ra giảm mạnh so với trước. Ảnh: T.P.

Quầy thịt bò cũng ít khách và lượng thịt bán ra giảm mạnh so với trước. Ảnh: T.P.

Vùng nông thôn hiện đang có “dịch vụ” mổ lợn tại nhà. Nghĩa là lợn bà con nuôi “sạch” (thức ăn chủ yếu rau xanh và cám gạo), khi được khoảng trên 50 kg thì mổ. Bà con xóm giềng chia nhau thịt, xương để ăn dần hoặc gửi cho con, cháu ở thành phố.

Nhà ông Thịnh (ở xã Gia Ninh, Quảng Ninh) thường xuyên nuôi lợn. Ông thường thả nuôi gối lứa cách nhau chừng tháng nên có lợn “sạch” mổ liên tục bán cho bà con trong thôn. Cứ mổ con nào là bà con chia nhau lấy hết ráo con đó.

Buổi trưa, tôi gọi điện thoại cho cu Đệc (con nhà ông Thịnh) bảo: “Nghe nói nhà cháu vẫn mổ lợn, cháu vẫn tụ tập bạn bè đến ăn nhậu cháo lòng hả”.

Đầu bên kia, cu Đệc giải bày: “Dạ mổ lợn thì có, nhưng cháu không gọi bạn bè đến nhậu đâu. Cán bộ thôn mà biết thì phê bình trên loa ngay.

Mổ lợn xong, mang khẩu trang, cháu phóng xe máy chạy qua ngõ các nhà rồi ném vào bị thịt, xương cho người ta. Cháu chạy đi rồi họ mới ra lấy vào. Tiền nong rồi tính toán sau ạ”.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm