| Hotline: 0983.970.780

Quảng Hiệp: Đạt tiêu chí 'Vệ sinh toàn xã'

Thứ Sáu 14/02/2020 , 09:18 (GMT+7)

Nhà tiêu tạm bợ được dựng bằng ván, tôn sơ sài, gây rất nhiều bất tiện như ứ đọng nước thải, hôi thối, ruồi muỗi và côn trùng sinh sản, trú ngụ....

Cán bộ thôn Hiệp Hưng (phải) hướng dẫn người dân cách sử dụng và vệ sinh đối với nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: Trung Dũng.

Cán bộ thôn Hiệp Hưng (phải) hướng dẫn người dân cách sử dụng và vệ sinh đối với nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: Trung Dũng.

Sau hơn 03 năm thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar (ĐăkLăk) đã làm chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trên địa bàn về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Do điều kiện khó khăn, khi xây được ngôi nhà anh T.Đ.M ở thôn Hiệp Hưng (xã Quảng Hiệp) không còn tiền để làm công trình phụ. Cả gia đình sử dụng nhà tiêu tạm bợ được dựng bằng ván, tôn sơ sài, gây rất nhiều bất tiện như ứ đọng nước thải, hôi thối, ruồi muỗi và côn trùng sinh sản, trú ngụ....

Được cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động anh M đã dần hiểu ra tầm quan trọng của việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với sức khỏe cả gia đình nên khi được nguồn hỗ trợ của chương trình, anh đã cố gắng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Để tiết kiệm chi phí, anh chỉ mua vật liệu gạch, cát, xi măng,... còn khi xây thì tự làm. Anh M chia sẻ: “Số tiền được hỗ trợ từ chương trình, cộng với của người thân giúp đỡ gia đình tôi đã làm được công trình phụ kiên cố, kết hợp với phòng tắm ở ngày trong nhà, với diện tích sử dụng hơn 4m2, tổng trị giá hơn 3 triệu đồng. Từ khi có nhà tiêu này, tôi thấy sinh hoạt rất thuận tiện, sạch sẽ và không còn mùi hôi như trước nữa”.

Tương tự gia đình anh M, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn xã Quảng Hiệp có 99 hộ gia đình khác cũng được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, với mức hỗ trợ 50 USD/hộ, tương đương khoảng 1,1 triệu đồng, tổng kinh phí khoảng 110  triệu đồng.

Ngoài ra, còn có hàng chục hộ gia đình cũng đã tự đầu tư kinh phí để cải tạo, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ chỗ xã Quảng Hiệp có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 67,1% năm 2017, đến nay đã nâng lên 75,8%. Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ đạt cao như Thôn Hiệp Thịnh 91,3%, Hiệp Thắng (89,4%), Hiệp Hưng (89,3%), Hiệp Nhất (83,7%)…

Cùng với đó, tỷ lệ hộ gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng ở xã Quảng Hiệp cũng được nâng lên đáng kể. Riêng trong 02 năm 2018 – 2019, nhân dân trên địa bàn xã đã cải tạo và làm mới 294 điểm rửa tay bằng xà phòng, nâng tổng số lên 2.300 hộ, tỷ lệ 90,6%. Con số này, không chỉ đạt mà còn vượt 10,6% so với chỉ tiêu yêu cầu.

Quảng Hiệp là 01 trong 02 xã ở huyện Cư M’gar được chọn tham gia Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn từ năm 2017, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh để cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn, giảm tỷ lệ mắc các bệnh có liên quan đến vệ sinh trong cộng đồng. Hiện xã đã có trên 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% hộ gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng…

Để đạt được tiêu chí trên, xã đã đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp ở thôn, hộ gia đình, nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là những thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; khảo sát nhu cầu làm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của nhân dân để có biện pháp hỗ trợ…

Qua đó, ý thức của người dân được nâng cao, nhiều hộ đã đăng ký xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…

Ông Lê Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết: “Khi mới triển khai, nhiều thôn có tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, có thôn chỉ đạt hơn 40%, chủ yếu tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Việc vận động người dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh không hề dễ, vì nhiều hộ có điều kiện rất khó khăn, không quan tâm tới vấn đề nhà tiêu hợp vệ sinh hay không và tìm đủ cớ để thoái thác…

Còn hiện nay nhiều gia đình đã dần thay đổi nhận thức, thậm chí vay mượn thêm tiền để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh”.

Theo kết quả thẩm định năm 2019, xã Quảng Hiệp đã đạt được tiêu chí “Vệ sinh toàn xã” của Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm