| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Năm 10/10/2013 , 10:21 (GMT+7)

Thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Quảng Nam đã ký hợp đồng giao khoán cho người dân bảo vệ rừng.

Thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR), tỉnh Quảng Nam đã ký hợp đồng giao khoán cho người dân bảo vệ rừng (BVR).  Mặc dù mới triển khai hơn 1 năm nhưng việc quản lý, BVR đem lại hiệu quả tích cực.

LỢI ÍCH KÉP

Thực hiện chính sách trên, tỉnh tiến hành thực hiện thí điểm tại Ma Cooi, huyện Đông Giang và kết quả là những cánh rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, chủ rừng có tiền. Từ đây, Quảng Nam đã triển khai rộng rãi chính sách chi trả dịch vụ MTR ra nhiều địa phương khác trên địa bàn, thông qua 7 đề án BVR theo lưu vực được lập nên bởi Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng Quảng Nam.

Theo đó, 7 lưu vực gồm: Lưu vực Thủy điện A Vương - Za Hung (huyện Đông Giang và Tây Giang); lưu vực Thủy điện Khe Diên (huyện Đại Lộc và Nông Sơn); lưu vực Thủy điện Sông Tranh 2 - Trà Linh 3 - Tà Vy (huyện Nam Trà My và Bắc Trà My); lưu vực Thủy điện và nước sạch Phú Ninh (huyện Núi Thành và Phú Ninh); Lưu vực Thủy điện An Điềm 1 - An Điềm 2 (huyện Đông Giang và Đại Lộc); lưu vực Thủy điện Đăk My 4 (huyện Phước Sơn) và lưu vực Thủy điện Sông Kôn 2 (huyện Đông Giang). Rừng trong 7 lưu vực này có trữ lượng gỗ lớn và có tính quan trọng.

Tổng diện tích tự nhiên cả 7 lưu vực là 316.000 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 182.000 ha được chi trả dịch vụ MTR. Số diện tích này, sẽ giao khoán cho 19.000 hộ dân và nhóm hộ.


Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, chủ rừng có thêm thu nhập

Ông Huỳnh Đức, GĐ Quỹ BV&PRT Quảng Nam cho biết: Tính đến nay tỉnh Quảng Nam đã tiến hành ký hợp đồng giao 80.000 ha rừng, đến cuối năm nay sẽ hoàn thành giao khoán cho hết diện tích nói trên.

“Việc giao khoán chi trả dịch vụ MTR tại tỉnh Quảng Nam chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi, nơi mà bà con đang còn gặp nhiều khó khăn giúp họ mỗi năm thu được một ít tiền; đặc biệt rừng được bảo vệ chặt chẽ”, ông Đức chia sẻ.

Ông Đức hạch toán: “Như năm 2012, các NM thủy điện chi trả dịch vụ MTR với số tiền trên 35 tỷ đồng, tính ra mua được 4.000 - 5.000 tấn gạo, như thế là không phải nhỏ. Thực tế, cuộc sống người dân vùng núi khó khăn, từng ấy góp phần bà con mua được lương thực, thực phẩm. Không những thế, trên diện tích rừng bảo vệ, người dân còn tận thu lâm sản phụ mà không ảnh hướng đến rừng”.

Anh Alăng Giắp (xã Ma Cooi, Đông Giang) người đầu nhóm hộ đã nhận giao khoán hơn 19 ha BVR tự nhiên. Trong năm đầu nhóm hộ BVR của anh đã được Quỹ BV&PTR Quảng Nam chi trả với 1 ha là 274.000 đồng. Ngoài ra, nhóm hộ còn khai thác lâm sản phụ như mây, song, măng…

“Ngày trước rừng kiểm lâm, chính quyền xã quản lý nhưng tình trạng phá rừng vẫn xảy ra. Rứa mà từ khi giao khoán cho chúng tôi, rừng được bảo vệ chặt chẽ lắm. Như khu vực của chúng tôi bảo vệ, ai mà đụng đến một cây nào thì bị xử liền”, anh Giắp tâm sự.

KHÔNG ĐỂ RỪNG CÔ ĐƠN

Để công tác BVR ngày càng có hiệu quả, Quỹ BV&PTR Quảng Nam đã mở hàng chục lớp tập huấn, mang kiến thức đến cho bà con. Đặc biệt là để người giữ rừng, kiếm tiền từ rừng mà không gây hại cho rừng. Quỹ đang nghiên cứu những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp đưa vào một số loài lâm sản phụ như mây, song, tre lấy măng cho bà con trồng để cải thiện kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chi trả dịch vụ MTR, Quảng Nam đang còn một số vướng mắc. Đơn cử khu vực NM thủy điện A Vương được hưởng 274.000 đ/ha, trong khi khu vực NM thủy điện Sông Tranh 2 lại được 180.000 đ. Số tiền chi trả có sự chênh lệch, khiến bà con thắc mắc. Nguyên nhân do NM thủy điện quyết định, chẳng hạn như thủy điện A Vương nguồn thu bán điện được nhiều thì tiền chi trả dịch vụ lớn, còn Sông Tranh 2 nguồn thu ít hơn, do đó chi trả ít hơn (?).

“Trong quá trình thực hiện dự án, kinh phí giao rừng hiện đang còn thiếu kinh phí, bởi Quảng Nam là tỉnh nghèo, trong khi Trung ương chưa hỗ trợ. Nguồn kinh phí hoạt động trông chờ vào cắt phần của thủy điện trả”, ông Đức nói.

Liên quan đến việc giao khoán rừng ở một số nơi thường xảy ra tình trạng chủ rừng “ăn bớt” bằng các thủ đoạn chặt phá lén lút hoặc làm cho cây chết để tận thu. Ông Đức cho hay: “Trước tình hình này, trước khi ký hợp đồng với người dân, buộc người dân cam kết. Bởi sau 1 năm tổ công tác sẽ đánh giá kết quả khu rừng các hộ dân quản lý có đạt không, sau đó mới chi trả. Nếu mất rừng, chủ rừng phải gánh chịu hậu quả. Nhẹ thì cắt tiền, nặng thì xử lý theo pháp luật”.

Trong 400.000 ha rừng tự nhiên của Quảng Nam thì đến năm 2014 sẽ có 270.000 ha được chi trả dịch vụ MTR. Toàn bộ diện tích rừng này đều thật sự có chủ để quản lý, bảo vệ. Và một thực tế rằng tình trạng phá rừng sẽ hạn chế, những cánh rừng ngày thêm xanh.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.