| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam vấp hàng loạt khó khăn

Thứ Tư 07/03/2012 , 09:16 (GMT+7)

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn Quảng Nam còn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn Quảng Nam còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đi từ con số 0

Ông Võ Thanh Anh, Chủ tịch UBND xã Tam Phước (Phú Ninh) cho biết, trước khi được Ban Bí thư chọn là 1 trong 11 xã của cả nước triển khai xây dựng thí điểm mô hình NTM, địa phương này chưa đạt tiêu chí nào trong Bộ 19 tiêu chí về NTM mà Trung ương quy định. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành liên quan và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, sau 3 năm thực hiện, đến cuối năm 2011 Tam Phước đã đạt 18/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn giờ đây đã có một diện mạo mới.  

Năm 2012 tại Quảng Nam sẽ có khoảng 7.000 - 12.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề

Theo ông Anh, riêng tiêu chí về tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 72% đến nay giảm xuống còn 57%, địa phương phấn đấu đạt tiêu chí này (quy định là 35%) vào cuối năm 2013. Được biết, đến cuối tháng 2/2012, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM tại Tam Phước là gần 172 tỷ đồng, đạt 114,4% so với đề án được duyệt.

Sau thành công ở Tam Phước, tháng 10/2010 UBND tỉnh Quảng Nam có chỉ thị đồng loạt triển khai xây dựng mô hình NTM tại 213 xã trên toàn địa bàn Quảng Nam, trong đó chọn ra 50 xã điểm để tập trung đầu tư, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2015.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được tốt, cuối năm 2010 Quảng Nam nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo, Văn phòng điều phối xây dựng NTM từ tỉnh đến huyện. Đặc biệt, tất cả 213 xã triển khai xây dựng mô hình NTM đều thành lập Ban quản lý. Ngoài Ban quản lý, trong tổng số xã nêu trên thì có 138 xã thành lập Ban chỉ đạo và 99 xã hình thành Ban phát triển thôn.

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, cho biết, trong số 13 xã triển khai xây dựng mô hình NTM thì địa phương chọn 3 xã để thực hiện điểm, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2015 là Quế Xuân 1, Hương An, Quế Long. Để tránh xảy ra sự chồng chéo trong quá trình thực hiện, nhất là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, thời gian qua Quế Sơn rất đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng quy hoạch. Theo ông Nghĩa, ngay sau khi đề án được phê duyệt, chính quyền 3 xã vừa nêu khẩn trương liên hệ với Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quảng Nam nhờ khảo sát thực trạng và lập quy hoạch tổng thể với phương châm dân biết, dân bàn. Nhờ vậy, mặc dù mới tổ chức lễ phát động xây dựng xã NTM cách đây hơn nửa năm nhưng đến thời điểm này 3 địa phương trên đã hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết.

Theo Sở Xây dựng Quảng Nam, tính đến nay toàn tỉnh đã có 173 xã triển khai công tác lập quy hoạch xây dựng mô hình NTM, trong đó 102 xã đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và 9 xã phê duyệt đồ án quy hoạch

Hàng loạt khó khăn

Thực tế cho thấy, hiện công tác xây dựng mô hình NTM trên địa bàn tỉnh đang gặp phải không ít khó khăn. Bởi, qua đánh giá thực trạng thì Quảng Nam có điểm xuất phát rất thấp khi bước vào xây dựng NTM (số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 182 xã, chiếm 85,40%) rồi nguồn lực đầu tư hạn chế, hạ tầng cơ sở yếu kém, thu nhập của người dân thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở các xã miền núi. Đặc biệt, trình độ, năng lực cán bộ cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh những khó khăn ấy, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ rất nhiều tồn tại. Rõ nhất là công tác thông tin tuyên truyền của các cấp chưa được thường xuyên, rộng khắp nên một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa, nội dung của việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Tiến độ triển khai ở nhiều xã còn chậm. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam còn 75 xã chưa thành lập Ban Chỉ đạo, 114 xã chưa thành lập Ban phát triển thôn, 114 xã chưa phê duyệt đề án, 204 xã chưa phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, thời gian qua tuy đã được phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách của từng thành viên, nhưng một số ngành của tỉnh, huyện chưa xây dựng chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn những nội dung liên quan đến các tiêu chí xây dựng xã NTM thuộc lĩnh vực của ngành, đoàn thể mình quản lý khiến nhiều xã lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp triển khai chương trình ở các cấp chưa đồng bộ, thiếu gắn kết.

Theo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung công tác tập huấn lập quy hoạch xây dựng NTM vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, do nội dung đa phần đề cập đến lý thuyết, bỏ qua bước lập nhiệm vụ quy hoạch khiến một số huyện, xã bị “mù mờ” dẫn đến hồ sơ phải làm lại nhiều lần. Đáng nói hơn, các xã thuộc huyện Núi Thành, Thăng Bình, TP. Tam Kỳ nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai và thuộc quy hoạch vùng đông của tỉnh nên quá trình lập quy hoạch xây dựng xã NTM gặp rất nhiều trở ngại, thậm chí có nơi bị chồng chéo.

Kiến nghị thay đổi tiêu chí

Sau 1 năm triển khai trên diện rộng, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam sớm đề xuất với Trung ương xem xét sửa đổi, điều chỉnh bổ sung một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cho phù hợp với điều kiện của từng vùng miền. Chẳng hạn, việc xây dựng mỗi xã một chợ theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng sẽ là thừa nếu không nghiên cứu kỹ. Bởi, hiện nay có rất nhiều xã giáp với chợ huyện. Vì vậy, tiêu chí chợ không thể mang tính phổ biến, làm hàng loạt ở tất cả các xã được.

Hay như, tiêu chí 12 quy định tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chỉ bằng 35% tổng số lao động của tất cả các ngành. Muốn đạt được tiêu chí này thì đòi hỏi việc chuyển dịch cơ cấu lao động phải phụ thuộc nhiều vào tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ đô thị hóa, trong khi đó hơn 80% lao động ở Quảng Nam sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.