| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi: Đảo điên vì hạn hán

Thứ Năm 27/05/2010 , 11:47 (GMT+7)

Mọi kế hoạch sản xuất trong vụ hè thu của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phá sản chỉ vì hạn hán.

Đang trong giai đoạn cao điểm xuống giống lúa vụ hè thu, thế nhưng trên những cánh đồng của Quảng Ngãi thật vắng lặng. Mọi kế hoạch sản xuất trong vụ hè thu của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phá sản chỉ vì hạn hán.

Mặc dù đã cuối tháng 5, tức là lịch xuống giống theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã được gần 10 ngày, thế nhưng cánh đồng Cây Sung và Cửa Chuông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh vẫn bất động. Trên những cánh đồng này, chỉ có đất khô trắng và gốc rạ từ vụ trước còn sót lại, tịnh không thấy một bóng người. Lẽ nào người nông dân bỏ ruộng?

Ông Vương Tấn Thành, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hà Giang, xã Tịnh Hà mếu máo cho biết: Không phải bà con bỏ ruộng mà đang chờ nước về làm đất xuống giống. Những cánh đồng này được lấy nước từ kênh Bắc do hệ thống thuỷ nông Thạch Nham cung cấp, thế nhưng đến tận bây giờ nước vẫn chưa về tới ruộng. Theo ông Thành, mọi năm đến thời điểm này, bà con xã viên đã xuống giống xong toàn bộ trên 50ha lúa hè thu. Còn năm nay, do thiếu nước, HTX mới xuống giống được khoảng 20ha, còn lại 30ha nước về tới đâu, chúng tôi chỉ đạo bà con xuống giống tới đó.

Chúng tôi men theo tỉnh lộ DT623 ngược lên các xã phía thượng nguồn của huyện Sơn Tịnh, dọc hai bên đường, thời điểm này những cánh đồng lúa vẫn im ắng, chưa có gì biểu hiện là thời vụ đã đến. Giữa trưa cái nắng như đổ lửa, nhưng anh Hoàng Thế Vinh, Chủ nhiệm HTX NN Hoài Mỹ, xã Tịnh Bắc vẫn ra đồng kiểm tra xem có nước về không để huy động xã viên làm đất, tranh thủ xuống giống kịp thời vụ. Anh Vinh cho hay: Hàng chục năm qua, chưa có năm nào lại hạn hán khủng khiếp như năm nay, đến giờ chúng tôi mới xuống giống được 25ha trong tổng số 150ha lúa hè thu mà bà con đăng ký xuống giống. Thế nhưng những diện tích đã xuống giống cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì không có nước tưới dưỡng, bởi những diện tích lúa của HTX nông nghiệp Hoài Mỹ nằm ở thượng nguồn, mực nước trong kênh lại thấp, nếu nước xuống thấp nữa thì không thể tháo vào ruộng. Chính vì vậy HTX đang khuyến cáo bà con nông dân phải bình tĩnh khi nào đảm bảo được cung cấp nước đầy đủ thì mới xuống giống.

Tình trạng không xuống giống được do hạn hán không chỉ ở Sơn Tịnh mà diễn ra gay gắt trên toàn địa bàn Quảng Ngãi. Trao đổi với NNVN, ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho hay: Tiến độ xuống giống của Quảng Ngãi vụ hè thu này quá chậm, đến nay đã được một tuần rồi mà toàn tỉnh mới sạ được 3.500ha, trong khi đó những năm trước đã có 20 - 30% diện tích được xuống giống. Thông thường từ ngày 25 – 30/5 là thời gian hầu như toàn bộ diện tích lúa được xuống giống, tuy nhiên hiện nay, diện tích đất lúa có nước đổ ải cũng chỉ khoảng 7.500ha. Do vậy những ngày tới diện tích xuống giống không nhiều, khả năng trong tháng 5 toàn tỉnh chỉ xuống giống được 10.000ha lúa hè thu.

Ông Nguyễn Lập, Phó giám đốc Cty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi cho biết, hiện nay các hồ chứa nước chỉ còn khoảng 50 – 60% lượng nước so với thiết kế. Nhưng nguy cấp nhất là công trình thuỷ nông đập dâng Thạch Nham, công trình này tưới cho khoảng 16.000ha lúa, chiếm 50% diện tích lúa hè thu toàn tỉnh. Tuy nhiên trong những ngày qua mực nước tụt rất nhanh, tính đến ngày 24/5 mực nước chỉ còn 18,4m thấp hơn tràn 1,1m, đây là mực nước thấp kỷ lục, do vậy cho dù chúng tôi đã xả hết công suất nhưng lượng nước cũng chỉ đạt trên 20m3/s, trong khi nhu cầu nước là 55m3/s. Nước về ít nên mực nước trong hệ thống kênh Nam và kênh Bắc chỉ đạt 50%, do vậy nhiều vùng cao sẽ không thể tháo nước vào ruộng được.

Không thiếu giống ngắn ngày

Trước tình trạng chuyển đổi cơ cấu giống, nhiều người lo ngại tỉnh Quảng Ngãi sẽ không có đủ giống ngắn ngày phục vụ sản xuất. Ông Đoàn Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi cho biết: Hiện chúng tôi có khoảng 500 tấn lúa giống ngắn và trung ngày đáp ứng đủ nhu cầu của bà con nông dân, nếu thiếu chúng tôi có thể huy động lượng giống từ các đơn vị cung ứng giống khác đảm bảo đầy đủ lượng giống cũng như chất lượng, quyết không để tình trạng “sốt” giống xảy ra.

Trước thực trạng này nếu không có mưa thì từ ngày 1/6, Cty sẽ thực hiện đóng nước luân phiên, tức là mở kênh Bắc 6 ngày cung cấp nước cho bà con nông dân (huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn) xuống giống thì đóng kênh Nam (tưới cho huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi, Nghĩa Hành) và ngược lại.

Hiện nay thời vụ xuống giống theo kế hoạch ban đầu sắp kết thúc, nhưng do thiếu nước nên diện tích xuống giống được không đáng kể. Do vậy, Sở NN & PTNT Quảng Ngãi đã kéo dài thời vụ xuống giống đến ngày 15/6 mới kết thúc, tức là kéo dài thêm 10 ngày. Tuy nhiên nếu xuống giống muộn mà sử dụng những giống lúa dài ngày theo kế hoạch ban đầu như NX30, Xi23, BM9855… sẽ rất bấp bênh do cuối vụ có thể gặp mưa lũ. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo người nông dân chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa chưa xuống giống sang sử dụng các giống trung và ngắn ngày như ĐB6, ĐV108, ML48, ĐH815-6, Q5… để người dân thu hoạch trước mùa mưa lũ.

Nếu mực nước trong hệ thống thuỷ nông Thạch Nham trong những ngày tới tiếp tục giảm thì sẽ có khoảng 6.500ha lúa hè thu của Quảng Ngãi phải ngưng sản xuất và phải chuyển sang vụ mùa. Đối với diện tích này rất bấp bênh do có thể gặp mưa lũ cuối vụ nhưng cũng phải làm bởi không thể chuyển đổi cả chục ngàn ha lúa sang cây trồng cạn được.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất