| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh giỏi kéo DN vào cuộc

Thứ Sáu 03/01/2014 , 09:08 (GMT+7)

Ở Quảng Ninh, phong trào xây dựng NTM đã không còn xa lạ, bởi được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tâm, hiệp lực của người dân cũng như DN.

Ở Quảng Ninh, phong trào xây dựng NTM đã không còn xa lạ, bởi được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tâm, hiệp lực của người dân. Nhưng, có được kết quả như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Những đồng vốn thoát nghèo

Ông Nguyễn Xuân Hòa, GĐ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Những năm trước đây, đơn vị chủ yếu tập trung cho các hộ nghèo vay để sản xuất (SX), kinh doanh, nhưng nay đã bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH cấp trên và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia trực tiếp vào Chương trình xây dựng NTM.

Từ đầu năm 2013, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ tích cực các loại hình nghề nghiệp quy mô nhỏ của hộ gia đình làm kinh tế vườn, rừng, nuôi trồng thuỷ sản. Song song đó, ngân hàng cũng tập trung nguồn vốn của Chương trình giải quyết việc làm và hộ gia đình SX, kinh doanh vùng khó khăn đầu tư các mô hình SX hàng hóa quy mô lớn như SX lúa Đông Triều, trồng rau sạch ở Quảng Yên, thâm canh chè trên đất đồi Hải Hà, na dai Hoành Bồ, nuôi trồng thủy sản tại cửa biển Vân Đồn…



Những đồng vốn trong Chương trình NTM đã giúp nhiều hộ vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu

Tham gia đầu tư vốn ưu đãi cho Chương trình xây dựng NTM, đội ngũ cán bộ NHCSXH từ huyện miền núi Ba Chẽ, Tiên Yên đến vùng đồng bằng, từ Bình Liêu, Uông Bí đến huyện đảo Cô Tô… đều nỗ lực hết mình vì nhiệm vụ. Mặc dù còn gặp khó khăn do khối lượng triển khai các chương trình tín dụng cho bà con vay xóa nghèo tại 13 huyện khá lớn nhưng NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ đồng hành xây dựng NTM.

Ngày nay người dân ở khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ninh có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX, chăn nuôi, trồng trọt, chủ động tham gia phong trào xóa nghèo, xây dựng NTM. Điển hình là gia đình chị Trạc Thị Chiều ở thôn Sác Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên. Từ 20 triệu đồng vốn vay của Chương trình giải quyết việc làm để khởi nghiệp, giờ đây chị đã có 300 con gà đẻ trứng, 1 ha cây keo, 100 gốc bưởi… thu lãi mỗi năm tới 30 triệu đồng.

Cũng ở huyện Tiên Yên, anh Nguyễn Văn Biển ở thôn Đồi Mây, xã Hải Lăng đang là một trong những điển hình chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn, với 100 triệu đồng vốn vay và số tiền tích cóp được, anh thuê đất của địa phương, cải tạo, xây dựng hệ thống ao đầm nuôi tôm sú và trồng cây ăn quả, cây chắn gió có giá trị kinh tế cao. Trong diện tích 3 ha ao đầm của anh thường xuyên có hơn chục vạn con tôm và cá nước lợ, được chăn nuôi tốt các điều kiện về kỹ thuật, phòng dịch bệnh.

Năm 2012, từ nuôi tôm, cá, anh đã có lãi tới hơn 200 triệu đồng, không chỉ giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, tổng số tiền cho vay đầu tư Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh Quảng Ninh của NHCSXH là 312 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng lên 1.428 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần phát triển SX, thực hiện 450 dự án mô hình kinh tế ở những xã xây dựng NTM. Điều quan trọng hơn cả là đã giúp nhiều người dân ở các xã này giảm được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Hỗ trợ hạ tầng và liên kết SX

Không chỉ ưu đãi vốn vay cho các xã NTM, phong trào “Chung sức xây dựng NTM” được triển khai sâu rộng đến các DN trên địa bàn, bởi thế, mỗi DN đều có cách làm riêng để đóng góp, ủng hộ bằng tinh thần và trách nhiệm của mình.

Tại huyện Đông Triều, theo thống kê của huyện, từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực huy động từ DN để đầu tư xây dựng NTM đạt gần 40 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng về phần hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng, tính đến thời điểm này đã đạt hàng trăm tấn xi măng, hàng nghìn viên gạch xây dựng và gạch lát nền phục vụ xây dựng các công trình NTM.


Nhờ sự hỗ trợ vật liệu của các DN, Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh

Chính từ nguồn vật liệu này, huyện Đông Triều đã tiến hành lát nền và xây tường bao cho 17 nhà văn hóa thôn trên địa bàn 7 xã vùng lõi của huyện. Nhờ vậy đến thời điểm này Đông Triều là một trong những địa phương được đánh giá là đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.

Từ Đông Triều, phong trào hỗ trợ vật liệu xây dựng đã lan ra khắp tỉnh. Một trong những minh chứng cụ thể là tính chung đến thời điểm này, các DN xây dựng đã hỗ trợ hơn 1.000 tấn xi măng; gần 3 triệu viên gạch. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều công trình hạ tầng ở vùng nông thôn được hiện hữu từ sự góp sức của DN như Vinacomin đầu tư xây dựng trường mầm non ở xã Yên Thọ (Đông Triều); Viettel Quảng Ninh giúp xây dựng cầu treo, Viễn thông Quảng Ninh hỗ trợ kết nối Internet đến các nhà văn hoá thôn, bản...

Ngoài việc gián tiếp xây dựng NTM bằng hỗ trợ vật liệu, các DN  ở Quảng Ninh còn “xắn tay” vào làm trực tiếp bằng cách tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có thể khẳng định, điểm sáng nổi bật của Quảng Ninh trong phong trào thi đua xây dựng NTM chính là việc các DN ngành Than đã có thỏa thuận với các địa phương về việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Đó là, Cty CP Than Mông Dương tiêu thụ sản phẩm cho nông dân xã Quảng Tân (Đầm Hà), Cty CP Than Hà Lầm tiêu thụ miến dong cho nông dân Bình Liêu...


Vùng rau an toàn Quảng Yên của Cty CP Việt Long

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM do Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức mới đây, Cty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (Cty Việt Long) là một trong những đơn vị báo cáo điển hình về liên kết tiêu thụ nông sản. Hiện Cty đang thực hiện dự án xây dựng vùng rau an toàn (RAT) trên diện tích 31,78 ha tại phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên. Dự án được đầu tư theo mô hình 4 nhà: Nhà nông - Nhà quản lý - Nhà DN - Nhà khoa học, và được kỳ vọng sẽ trở thành vùng SX RAT lớn nhất miền Bắc.

Để thực hiện dự án trồng RAT ở Quảng Yên, Cty Việt Long phải tiến hành xây dựng nhà sơ chế và khu SX giống rau, xây dựng khoảng 1.500 m đường giao thông nội đồng, xây dựng và nâng cấp khoảng 1.000 m kênh tưới, xây dựng khoảng 3 ha nhà lưới và hệ thống điện, hệ thống tưới phun sương trong nhà lưới, tập huấn phương pháp, kỹ thuật trồng và chăm sóc rau cho nông dân ...

Ông Lê Quang Thắng, TGĐ Cty CP Việt Long, cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng một vùng chuyên canh RAT trên những cánh đồng mẫu lớn. Trước mắt, thực hiện thí điểm tại khu vực phường Cộng Hoà, sau đó sẽ nhân rộng diện tích trên địa bàn Quảng Yên và một số địa phương khác.

Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh có 26 xã cơ bản đạt tiêu chí, so với kế hoạch tăng 10 xã (bình quân các xã đạt 17,46 tiêu chí; 37,38 chỉ tiêu/xã). Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM các tỉnh miền núi khu vực phía Bắc vừa qua đánh giá, trong số 10 xã thuộc 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn xã NTM, thì Quảng Ninh có tới 8 xã.

Với số tiêu chí đạt được là 12,37/19 tiêu chí (cả nước đạt được là 8,06/19, khu vực miền núi phía Bắc đạt 6,3/19 tiêu chí) và Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu. Không chỉ dẫn đầu về số xã đã chạm đích mà Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước khẳng định sẽ về đích trước chương trình chung của cả nước 5 năm.     

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất