| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh linh hoạt bảo vệ môi trường biển

Thứ Tư 06/05/2020 , 09:51 (GMT+7)

Quản lý diện tích bờ biển dài, Quảng Ninh đã kịp thời tăng cường giám sát hoạt động khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trước tác động của nhiều tàu, thuyền.

Thả giống thủy sản để cân bằng sinh thái

Hoạt động khai thác thuỷ sản ngày càng tăng là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn lợi thủy sản suy giảm. Cùng với đó, khu vực vùng ven biển của tỉnh Quảng Ninh đang chịu một sức ép khá lớn về ô nhiễm môi trường do tác động của các nguồn thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, hoạt động vận tải thuỷ, cảng biển và hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ven biển làm giảm khả năng tự phục hồi tự nhiên của các quần thể sinh vật.

Trước tình hình trên, Quảng Ninh thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, một trong số đó phải kể đến hoạt động thả giống thủy sản hàng năm. Đây là phương án quan trọng để tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản, đảm bảo môi trường sinh thái biển phát triển bền vững.

Thả giống thủy sản góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo môi trường sinh thái biển phát triển bền vững. Ảnh: Anh Thắng.

Thả giống thủy sản góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo môi trường sinh thái biển phát triển bền vững. Ảnh: Anh Thắng.

Số liệu thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2019, địa phương đã tổ chức thả gần 9 triệu con giống thủy sản các loại, đến nay theo ước tính sơ bộ, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của tỉnh hiện đạt khoảng 82.000 tấn (ven bờ khoảng 38.000 tấn, còn lại là ở vùng lộng).

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thả bổ sung giống thủy sản kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại vùng nước tự nhiên có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì cân bằng môi trường sinh thái, đa dạng các giống loài thủy sản. Thông qua các dịp thả giống còn góp phần tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức về lợi ích to lớn của việc tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tham gia các hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã có quy hoạch riêng đối với vùng biển Quảng Ninh giai đoạn 2018-2030. Theo đó, do chuyển mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, nên diện tích nuôi trồng thủy sản giảm bình quân là 4,3%/năm. Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh chỉ còn trên 10.000ha nuôi trồng thủy sản (giảm gần 50% so với năm 2018). Do đó, việc thả giống trong những năm tới vẫn là một giải pháp cấp thiết để tái tạo nguồn lợi thủy sản và sẽ tiếp tục được triển khai theo hướng đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Mục tiêu trong năm 2020, lượng giống thủy sản được xã hội hóa đạt từ 80-90% tổng lượng giống thả của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ninh, từ năm 2015 đến nay, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các hộ dân về tầm quan trọng của việc thả giống, các hình thức nghiêm cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương thực hiện công tác này. Số lượng con giống thủy sản các loại được các doanh nghiệp trong lĩnh vực ủng hộ và đầu tư.

“Đồng thời, phối hợp và làm việc với các đơn vị, ngành liên quan thực hiện quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, rà soát, thống kê các nguồn thải ven biển, trên biển. Từ đó, các cấp, ngành chức năng đã triển khai rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN-MT để theo dõi, giám sát. Quan trắc và đánh giá định kỳ hiện trạng chất lượng nước của các khu vực biển, hải đảo, khắc phục sự cố môi trường biển”, ông Công nói.

Nhiều đơn vị chung tay bảo vệ môi trường biển

Trong bảo vệ môi trường biển, các ngành liên quan trong Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. Nếu không phòng ngừa tốt, khi xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến cả vùng rộng lớn, gây thiệt hại về kinh tế, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra còn có quá trình quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân trong các vùng biển thuộc vùng quản lý.

Để kiểm soát chặt chẽ môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường tự động, trong đó có 6 trạm quan trắc môi trường nước biển tại các vị trí đặc biệt nhạy cảm trên địa bàn tỉnh, các số liệu thu thập của hệ thống quan trắc tự động được cung cấp thông tin công khai để nhân dân biết, giám sát nhằm kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) thường xuyên giám sát chất lượng nước vùng nuôi trồng thủy sản, các đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển và ven biển thực hiện quan trắc định kỳ môi trường theo đúng quy định và gửi kết quả về Sở TN-MT. Lập quy hoạch đồng bộ, đưa ra chỉ dẫn, hướng dẫn giúp bà con ngư dân có phương pháp nuôi trồng thủy sản phù hợp, không để cách làm, vật liệu nuôi trồng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.

Quản lý quá trình nuôi trồng thủy sản của người dân tránh gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Anh Thắng.

Quản lý quá trình nuôi trồng thủy sản của người dân tránh gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Anh Thắng.

Đối với các khu bảo tồn biển tại Tiên Yên, Cô Tô, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3207/QĐ-UBND (ngày 20/8/2018) phê duyệt kết quả triển khai dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên); quy hoạch và triển khai các vùng bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; thực hiện cải tạo trồng mới rạn san hô khu vực Hồng Vàn, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô).

Bên cạnh kiểm soát bằng những quy định bắt buộc, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo được các ngành, các cấp đặc biệt coi trọng. Lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra liên tỉnh, liên ngành, yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.