Ngày 11/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc "Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh".
Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan đến việc chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Khu kinh tế Vân Đồn có toàn bộ diện tích nằm trong diện tích huyện Vân Đồn, có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược, có nhiều điều kiện để xây dựng, phát triển trở thành vùng kinh tế động lực của Quảng Ninh và khu vực.
Tính từ tháng 5/2020 đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đã triển khai lập, phê duyệt được 12 đồ án quy hoạch phân khu (QHPK), trong đó có 9 đồ án được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở quan trọng triển khai các quy hoạch chi tiết và kêu gọi dự án đầu tư, cụ thể: Điều chỉnh QHPK Khu vực Cái Rồng; QHPK Khu vực sân bay; QHPK khu vực Bắc Cái Bầu; QHPK Khu vực Đông Bắc Cái Bầu; QHPK Khu vực đảo Đống Chén; QHPK Khu dịch vụ hỗ trợ sân bay; Điều chỉnh QHPK Khu vực đảo Minh Châu - Quan Lạn; Điều chỉnh QHPK Khu vực đảo Ngọc Vừng; QHPK Khu vực đảo Vạn Cảnh.
3 đồ án QHPK còn lại là QHPK Khu vực đồi núi đảo Cái Bầu, đảo Thẻ Vàng, đảo Trà Bản đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, đang triển khai lập đồ án QHPK. Đến nay, 3 đồ án QHPK này đã được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các đồ án QHPK của Khu kinh tế Vân Đồn đã bám sát định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dựa trên những tiềm năng, lợi thế khác biệt, nổi trội để khai thác tối đa những ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, mỗi một đồ án quy hoạch đều được xây dựng chặt chẽ gắn với đặc thù khu vực, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái; không tạo nên xung đột giữa các ngành, lĩnh vực phát triển.
Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn đã có 64 dự án đăng ký đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn 62.900 tỷ đồng (trong đó có 61 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 62.683 tỷ đồng; 3 dự án FDI với số vốn 226 tỷ đồng).
Tính riêng từ khi triển khai thành lập thí điểm Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đến nay, Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút thêm được 37.403 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, tương đương 146,6% tổng số vốn đã thu hút trong giai đoạn trước. Trong đó, đã thu hút mới 9 dự án, với số vốn đăng ký 35.669 tỷ đồng; điều chỉnh 10 dự án, với số vốn đăng ký tăng thêm 1.734 tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu, như: Bến cảng cao cấp Ao Tiên vốn đầu tư 613,3 tỷ đồng; Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbor Vân Đồn vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; Khu đô thị mới phía Đông Bắc cảng Cái Rồng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; hồ chứa nước Đồng Dọng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng.
Cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cảng biển, đường cao tốc, sân bay) đã được đầu tư đồng bộ, kết hợp với các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại đang từng bước hoàn thành, Khu kinh tế Vân Đồn hiện hữu trở thành Khu kinh tế biển hiện đại, năng động, hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như địa điểm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng với những dịch vụ đẳng cấp quốc tế.