| Hotline: 0983.970.780

Quảng Phú Cầu: “Đầu hàng” trước ung thư!

Thứ Năm 29/11/2012 , 09:50 (GMT+7)

Năm 2011, trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) có 68 người chết thì có đến quá nửa chết vì mắc các căn bệnh ung thư.

Ao biến thành nơi ngâm nứa, vầu khiến nước đen quánh, hôi thối

Năm 2011, trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) có 68 người chết thì có đến quá nửa chết vì mắc các căn bệnh ung thư như: Ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng… Ngoài ra, 80% chị em phụ nữ khám phụ khoa bị bệnh viêm nhiễm tử cung; gần 50% bệnh nhân đến khám bị bệnh liên quan đến đường hô hấp… Những con số đáng báo động trên là do đâu?

>> Những phận đời... yểu mệnh!
>> Nỗi đau một bác sỹ

Chấp nhận bệnh tật

“Bệnh tật nhiều như thế, không do môi trường bị ô nhiễm thì còn gì nữa”, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Quảng Phú Cầu khẳng định.

Xã Quảng Phú Cầu là nơi có nghề làm tăm hương truyền thống hàng trăm năm nay. Làng nghề truyền thống chia thành 6 làng nhỏ đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp bằng chứng nhận làng nghề trong đó 5 làng chẻ tăm hương, 1 làng làm tăm hương đen và chế biến phế liệu. Xã có khoảng 3.100 hộ thì gần như 100% hộ dân tham gia làm nghề truyền thống. Trong đó 200 hộ sản xuất đã bỏ cách làm thủ công thay bằng sử dụng công nghệ máy móc nhập từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Phúc Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Với 1kg nứa, tre, vầu tươi thì loại bỏ đến 75% số lượng là rác. Với tổng lượng tiêu thụ mỗi ngày của các hộ làm tăm hương 200 đến 300 tấn nứa, tre, vầu tươi thì lượng rác thải ra môi trường vào khoảng 150 đến 225 tấn. Bên cạnh đó, việc ngâm nguyên liệu làm tăm hương ở các mương nước ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe của các hộ dân ở đây, đó là chưa kể ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp”.

Đi một vòng quanh xã Quảng Phú Cầu, chỉ bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy môi trường đang bị ô nhiễm vô cùng khủng khiếp. Mùn, vỏ của vầu, nứa được người dân đổ thẳng xuống mương, hồ tạo thành nhiều ao tù nước đọng. Nguồn nước đâu đâu cũng bốc mùi hôi thối, đen sánh lại như bát bùn. Nhiều hộ khác thì tập kết phế thải vào một góc rồi đốt. Khói và bụi bay mù mịt cả một vùng. Chỉ đứng quan sát có một lúc thôi là chúng tôi phải “chạy làng” vì không thể thở được. Là một người dân hàng ngày phải “chịu trận”, ông Nguyễn Phúc Hữu thừa nhận cả nguồn đất, nước, không khí… ở đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những người bị chết do căn bệnh ung thư cứ thế ngày một tăng lên.

Chúng tôi đã ghé thăm thôn Xà Cầu, nơi được mệnh danh là mảnh đất của những “vua phế liệu”. Thôn có 655 hộ với khoảng 2.400 nhân khẩu, trong đó có 182 hộ tham gia nghề này. Người dân Xà Cầu thực sự đổi đời nhờ nghề thu mua và tái chế phế liệu. Nhưng hệ quả đáng buồn mà nó đem lại thì vẫn đã và đang tiếp diễn. Phế liệu sau khi mua về được người dân dùng nước rửa qua và cho vào lò tái chế. Tuy nhiên, khâu xử lí nước thải và rác thải… đều được bỏ qua. Ngay tại thôn đang tồn tại một cụm công nghiệp rộng hơn 2 ha gồm có 26 hộ tập trung tái chế ni lông, bao tải và sắt vụn. Tuy nhiên cả 26 hộ dân này vẫn hồn nhiên xả thải nước bẩn, không khí độc hại ra môi trường. “Cụm công nghiệp do tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) chứng nhận nhưng chưa có quy định về xử lý rác và nước thải”, ông Nguyễn Bá Huê, trưởng thôn Xà Cầu cho biết. Cả thôn có 4 xóm nhưng chỉ có xóm 3 và 4 là đã có nước sạch để dùng. Người dân xóm 1 và xóm 2 hiện tại đang sử dụng nước giếng khoan từ mạch nước ngầm.

Dửng dưng trước “tử thần”

Khi được hỏi về việc có thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra và có biện pháp gì để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường trong xã thì ông Nguyễn Phúc Hữu than thở: “Xã thường xuyên tổ chức các đợt đi kiểm tra tại cơ sở sản xuất nhưng cũng chỉ kiểm tra bằng mắt thôi chứ không có kinh nghiệm hay kỹ năng gì để đánh giá việc sản xuất của các hộ tại đây có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sống”. Ngoài ra xã cũng tổ chức cuộc họp cuối năm xem xét cơ sở nào gây ảnh hưởng để nhắc nhở. Việc cấm hoạt động là nằm ngoài thẩm quyền của xã, với lại đây là làng nghề truyền thống lâu đời không thể cấm được. Dăm chừng bảy họa mới có đội cảnh sát kinh tế - môi trường huyện Ứng Hòa xuống tận nơi phạt hành chính các cơ sở vi phạm. Theo ông Hữu, trách nhiệm của chính quyền xã hiện tại chỉ là vận động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân mà thôi.

Được biết, trong thời gian tới đã có một số đơn vị chịu bắt tay với xã để giải quyết hậu quả môi trường làng nghề. Theo đó xã sẽ đồng ý cắt cho công ty Ngôi Sao Xanh một quỹ đất để xử lý rác thải tăm hương thành than hữu cơ xuất ra thị trường. Bên cạnh đó là kết hợp với Viện Khoa học Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội làm lò đốt rác thải hàng ngày. Vấn đề này đã được Viện chấp nhận và chờ vốn đầu tư.

Kế hoạch thì vẫn còn nằm trên giấy tờ, và tính mạng của người dân tại xã Quảng Phú Cầu vẫn bị đe dọa. Hàng ngày, hàng giờ trôi qua, người dân Quảng Phú Cầu đang phải uống nước bẩn, hít khí bẩn…

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trạm trưởng Y tế xã Quảng Phú Cầu: “Bệnh viêm nhiễm tử cung ở phụ nữ, bệnh liên quan đến đường hô hấp khi trở thành mãn tính sẽ dẫn đến khả năng bị ung thư là rất cao. Theo tôi nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các căn bệnh này ở đây là do nguồn nước, không khí bị ô nhiễm nặng nề từ việc sản xuất kinh doanh của các hộ tại xã, từ đó, số người chết do ung thư tăng dần theo từng năm”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.