| Hotline: 0983.970.780

Quảng Phú phát huy nội lực

Thứ Tư 19/01/2011 , 10:16 (GMT+7)

Về xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền, TT- Huế) những ngày áp tết, những ruộng mía Cẩm Tân đang vào vụ trải ra một màu xanh ngút mắt.

Về xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền, TT- Huế) những ngày áp tết, những ruộng mía Cẩm Tân đang vào vụ trải ra một màu xanh ngút mắt. Ra thăm ruộng trong tiết trời se lạnh, người nông dân mang theo niềm vui thắng lợi của những mùa vụ mới…

Đầu tư cho giáo dục

Bí thư Đảng ủy Lê Quang Dựng, Trưởng Ban quản lý xây dựng NTM xã Quảng Phú cho hay: "Điểm nhấn của Quảng Phú là sự đầu tư tập trung cho giáo dục, đây là yếu tố quan trọng để địa phương được chọn làm điểm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Ven các con đường làng được nhựa hóa, bê tông hóa thênh thang là những ngôi trường được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy tốt, học tốt cho hàng trăm giáo viên và học sinh của xã. Với 1 trường THCS, 3 trường tiểu học và 2 mầm non, hệ thống giáo dục của xã Quảng Phú, trong nhiều năm qua luôn là niềm “mơ ước” của những xã thuần nông khác của huyện Quảng Điền. Ngay từ trước khi triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Quảng Phú đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Với hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh như vậy nên trong nhiều năm qua, học sinh là con em nông dân xã Quảng Phú luôn được tạo điều kiện thuận lợi được đến trường, góp phần tạo ra một thế hệ lớp trẻ mới bổ sung cho nguồn nhân lực của xã. Trường THCS Quảng Phú với 18 lớp học, gần 700 học sinh, các cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học được trang bị khá đầy đủ. Đặc biệt, trường có gần 50 giáo viên với đội ngủ dồi dào đã trở thành một điển hình của ngành giáo dục đào tạo của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Trong 5 năm qua, trường luôn đạt danh hiệu là trường tiên tiến của tỉnh, được Bộ GD- ĐT tặng bằng khen...

Đến nay, cơ sở vật chất đang dần được hoàn thiện để phấn đấu đến năm 2011, Trường THCS Quảng Phú sẽ đạt chuẩn Quốc gia. “Một trong những tiêu chí quan trọng của mô hình xây dựng NTM đó là có 80% trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Vì thế, việc đầu tư cho giáo dục ngay từ đầu xã đã chú trọng. Vấn đề đặt ra trước mắt là không ngừng hoàn thiện các cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục, dần đưa các trường đạt chuẩn Quốc gia trong những năm tới”, ông Lê Quang Dựng khẳng định.

Đột phá về cây trồng

Năm nay, nhờ hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cơ bản đã hoàn chỉnh nên nông dân Quảng Phú rất phấn khởi bắt tay vào sản xuất. Những năm trước, lũ lụt luôn là niềm "ác mộng" của những xã vùng thấp trũng như Quảng Phú. Từ khi thủy điện Hương Điền được xây dựng, việc điều tiết nước phù hợp không chỉ giúp nông dân Quảng Phú bớt cơ cực trong mùa mưa lũ mà còn bảo vệ được hệ thống kênh mương thủy lợi, kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp khi bước vào mùa vụ.

 Với hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã được nhựa hóa, bê tông hóa gần 80%, trong đó có 3/13 thôn có 100% tuyến đường được bê tông hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán các mặt hàng nông sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, đến nay Quảng Phú đã có 100% số hộ dân dùng điện sinh hoạt và nước sạch. Nhờ vào sự đột phá trong cây trồng nên Quảng Phú là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của huyện Quảng Điền. Trong đó, việc phát triển mạnh cây mía Cẩm Tân đã tạo ra thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân nơi đây.

Ông Lê Quang Dựng cho hay: “Nhận thấy cây mía Cẩm Tân là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, trong những năm qua, địa phương đã mạnh dạn dần chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng loại cây này. Theo tính toán, trồng mía Cẩm Tân lãi gấp 3,5 lần trồng lúa, người dân lại không phải vất vả chăm bón và sợ tác động của thời tiết. Hiện tại, xã đã có hơn 100 ha mía Cẩm Tân với 800 hộ dân trồng. Trong thời gian tới, phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên ha canh tác đạt 70 triệu đồng và nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2015 khoảng 365 tỷ đồng".

Hiện tại, Quảng Phú đã đạt 6/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đã có 16/18 làng, thôn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã đạt chuẩn văn hóa, phấn đấu đến năm 2015, 100% làng, thôn, cơ quan, đơn vị của xã Quảng Phú đạt chuẩn văn hóa cấp huyện.
Ông Lê Quang Mạnh, một hộ nông dân trồng mía phấn khởi: "Trước đây, gia đình tui chủ yếu trồng lúa, rau màu, cũng không đến nỗi thiếu cái ăn nhưng quanh năm chân lấm tay bùn, không khá lên được. Từ khi được xã vận động, gia đình chuyển sang trồng 4 sào mía Cẩm Tân, đến vụ thu hoạch mỗi cây bán với từ 3 - 4 nghìn đồng, tui thu được 50 triệu, từ chi phí chi nấy lãi 40 triệu. Nhờ cây mía mà gia đình cho con cái học hành đầy đủ".

 Cây mía Cẩm Tân là cây trồng chủ lực của Quảng Phú. Mặt hàng nông sản này đã có mặt khắp trong ngoài tỉnh: từ Lao Bảo (Quảng Trị) cho đến Đà Nẵng, Quảng Nam. Cứ đến mùa vụ, thương lái về tận chân ruộng đặt mua với số lượng lớn. Đặc biệt, mía Cẩm Tân là “mối quen” của các tàu thuyền đi biển, mỗi lần đặt mua số lượng lên đến vài chục tấn.

Bên cạnh đó, định hướng của Quảng Phú là mở rộng mô hình kinh tế 3 tầng sinh thái, quy hoạch trang trại ở vùng đất thuộc HTX Phú Hòa. Đồng thời vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, với mô hình trồng hoa và cây kiểng. Ngành chăn nuôi, Quảng Phú sẽ đẩy mạnh phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm và chuyển dần theo hướng nuôi công nghiệp bằng hình thức trang trại và gia trại.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất