| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: “Cày làng” nuôi tôm

Thứ Tư 24/02/2010 , 10:06 (GMT+7)

Việc phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ồ ạt, thiếu định hướng đang khiến những hộ dân huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) đối mặt với vấn đề môi trường và dịch bệnh...

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã làm đổi đời hàng nghìn hộ dân ở các xã bãi ngang của huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị). Tuy nhiên, về lâu dài việc phát triển mô hình này một cách ồ ạt, thiếu định hướng đang khiến những hộ dân này đối mặt với vấn đề môi trường và dịch bệnh. Đặc biệt, tuyến rừng phòng hộ ven biển nhiều nơi đang bị xâu xé hàng ngày! 

Xe ủi, múc hoạt động suốt ngày tại “công trường tôm”

Xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), trước đây là một xã bãi ngang nghèo của tỉnh Quảng Trị. Bao đời nay, người dân chỉ biết sống dựa vào biển, thuyền nhỏ, ngư cụ lạc hậu đã khiến những hộ dân bám biển mấy chục đời nay không khấm khá lên được. Năm 2008, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, hàng trăm hộ dân ở xã Triệu Lăng đã vay vốn đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Tính đến nay, 6 thôn trên toàn xã đã có hơn 53 ha nuôi tôm với 277 hộ dân tham gia. Việc lợi nhuận “bạc triệu” trong những mùa vụ vừa qua đã khiến hàng trăm hộ dân phát triển mô hình nuôi tôm một cách ồ ạt, tự phát, diện tích nuôi tôm trên toàn xã tăng chóng mặt!  

Vào xã Triệu Lăng, hai bên con đường Quốc phòng (đường chiến lược nối các xã vùng biển bãi ngang) ngổn ngang hàng chục hồ tôm đang cày dở. Từ đầu thôn 1, hàng chục chiếc xe tải thi nhau chở đất, cát, bụi tung mịt mù. Cả xã Triệu Lăng như một “công trường tôm” đang vào mùa xây dựng. Cạnh nhà dân, những hồ tôm mới mọc lên nằm san sát. Trên con đường vào xã Triệu Lăng, hàng chục bà con nông dân đang chuẩn bị thiết bị, máy móc san ủi đất. Theo thống kê của UBND xã Triệu Lăng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua trên địa bàn xã đã có thêm 50 hộ nuôi tôm, nâng tổng số hồ nuôi lên 150 hồ. Đứng trước những lợi nhuận trước mắt, người dân xã đã bất chấp những hậu quả ảnh hưởng về môi trường cũng như vấn đề bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Cho đến nay, vấn đề quy hoạch nuôi tôm ở xã Triệu Lăng cũng như các xã bãi ngang khác vẫn còn nằm trên… giấy!

Trong các “công trường tôm”, hàng chục ha đất rừng phòng hộ bị cày lên nham nhở. Những gốc cây dương, tràm chắn cát bị cày xới bật gốc vứt ngổn ngang trên đường. Anh Nguyễn Luyến - một người dân ở thôn 1, nói: “Thấy ai cũng làm tôm nên mình cũng đi vay nhà bà con đầu tư 2 hồ để nuôi thử. Mấy xã khác năm ngoái nuôi tôm trúng đậm lắm”. Còn nhớ, trận lũ lụt cuối năm 2009 vừa qua, hàng chục ha tôm, hàng trăm nhà cửa, tính mạng của người dân của xã đã “thoát nạn” nhờ vào hệ thống cây chắn sóng, chắn gió này.

Thế nhưng, theo sự ghi nhận của chúng tôi, tại các “công trường tôm”, hàng trăm cây dương, tràm chắn cát đang bị bới móc một cách không thương tiếc! Liệu ai có dám đảm bảo rằng, những mùa mưa lũ sắp tới, hàng trăm ha nuôi tôm và tính mạng của những hộ dân ở đây sẽ an toàn khi diện tích của tuyến rừng phòng hộ bị thu nhỏ? Bên cạnh đó, tuyến đường chiến lược Quốc phòng nối các xã bãi ngang - đoạn đi qua huyện Triệu Lăng nhiều đoạn cũng đang xuống cấp nghiêm trọng do hàng ngày có hàng trăm tuyến xe tải cày xới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt bảo vệ toàn bộ diện tích 10 ha tuyến rừng phòng hộ ven biển của xã. Số diện tích mà người dân chuẩn bị nuôi chủ yếu lấy từ quỹ đất trồng khoai, hoa màu của xã. Chỉ có một số hộ dân có chặt ít cây để giải phóng mặt bằng dựng hồ tôm mà thôi”. Khi chúng tôi “trưng” những hình ảnh vừa chụp được ngay tại “công trường tôm” thì ông Bình thừa nhận: “Việc nuôi tôm ảnh hưởng đến tuyến rừng phòng hộ và tuyến đường Quốc phòng chạy qua xã là có thật. Tuy nhiên, UBND huyện Triệu Phong đã cử cán bộ về xã làm việc và có chỉ đạo dừng các công trình nuôi tôm sát tuyến rừng phòng hộ. Về phía chính quyền xã chúng tôi đã nhận những khuyết điểm và sẽ cho khắc phục trong thời gian tới”.

Được biết, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có thêm 200 ha hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ cho những người tham gia nuôi tôm về môi trường cũng như dịch bệnh.

Theo lời ông Bình thì hiện nay xã đã cho ngừng thi công, nạo đất xây dựng một số hồ tôm trên địa bàn xã, tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt ở “công trường tôm” Triệu Lăng, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, thậm chí, bên đường người dân còn cưa cả những cây gỗ dương, tràm làm kè chắn, làm củi. Về vấn đề quy hoạch chi tiết các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã, ông Bình cho biết thêm: “Trước đây, vấn đề quy hoạch được xã thực hiện nhưng khi đưa vào áp dụng rất khó khăn. Bởi diện tích đất của người dân chuyển qua nuôi tôm phân giới không rõ ràng, có sự nhập nhằng giữa các hộ nên hiện nay, diện tích nuôi tôm phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng”.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Sở đã cho đoàn về kiểm tra và đã có chỉ đạo cụ thể. Hiện nay, đã có quy hoạch chung nhưng vấn đề là cần quy hoạch chi tiết từng vùng. Trong đó phải làm sao đảm bảo vấn đề môi sinh, môi trường, an toàn dịch bệnh, phát triển nuôi tôm bền vững, tránh không để xảy ra những sự việc đáng tiếc như đã từng xảy ra ở những vùng người dân nuôi tôm ồ ạt.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm