| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: Nhà 167 như... răng sắp rụng

Thứ Tư 13/01/2010 , 10:59 (GMT+7)

Có tới 15 trụ bê tông nhưng việc chôn cột rất hời hợt. Thêm vào đó, vật liệu trộn không đều khiến nhà rất dễ sụp.

Toàn huyện Đakrông có 492 ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình 167 (chương trình xây dựng nhà cho hộ nghèo theo quyết định của Chính phủ), theo kế hoạch sẽ hoàn thành trước Tết  Canh Dần để đồng bào Vân Kiều, Pa Cô có nhà mới đón Tết. Nhưng đến nay, nhiều hộ dân đang hết sức hoang mang lo lắng về tiến độ và chất lượng công trình.

Chúng tôi có mặt ở thôn Xa Lăng (xã Đakrông, huyện Đakrông), người dân chưa kịp vui mừng vì sắp có căn nhà mới khang trang, mơ ước cả đời họ thì hơn một tháng nay, trên nét người dân hiện rõ nỗi lo âu, bởi căn nhà theo Chương trình 167 (người dân gọi tắt là nhà 167) với giá trị 20 triệu đồng của họ được xây như… răng  sắp rụng! Tại xã Đakrông, có 95 ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng, trong đó có 85 căn đang đổ mống, số còn lại đang chuẩn bị.

Bà Hồ Thị Nứt, mẹ của anh Hồ Văn Thái - một chủ hộ ở đây than thở: “Nhà như thế này thì cử (tôi) không dám ở mô. Chưa xây xong mà cái cột đã lúc lắc như thế ni rồi. Cả tháng nay gia đình tui chỉ mong nhà xây xong để vào ở chứ ở tạm trong nhà sàn đã hư hỏng tui không an tâm nhưng giờ chộ (thấy) như ri thì buồn lắm!”

Được biết, kinh phí xây dựng một ngôi nhà hỗ trợ cho đồng bào miền núi huyện Đakrông có giá 20 triệu đồng. Trong đó Chính phủ hỗ trợ 12 triệu đồng, 8 triệu đồng còn lại được người dân vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn này do UBND huyện Đakrông phân bổ về cho các xã. 95 ngôi nhà ở xã Đakrông được chính quyền xã hợp đồng với DNTN Thanh Bảy xây dựng.

Bà Nứt cho biết thêm: “Giờ tiền vay vốn ngân hàng gia đình tui đang chắt chiu từng đồng để mai này có mà trả. Vừa rồi, đứa cháu bị bệnh phải nhập viện nên cũng không còn đồng mô hết, giờ chưa biết tính răng đây”.

Trả lời về vấn đề chất lượng nhà ở cho hộ nghèo ở xã Đakrông, ông Hồ Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết: “Trước khi ký kết hợp đồng với DNTN Thanh Bảy chúng tôi đã tiến hành họp dân lấy ý kiến. Người dân chủ trương bàn giao cho xã hợp đồng xây dựng. Tuần trước, chúng tôi đã kiểm tra chất lượng công trình thấy không đảm bảo nên đã có yêu cầu DNTN Thanh Bảy khắc phục, nhưng đến nay không biết lý do gì mà vẫn chưa tiến hành làm”.

Đồng bào miền núi huyện Đakrông - một trong những huyện khó khăn nhất cả nước, xưa nay đời sống chỉ biết dựa vào hạt lúa, hạt ngô trên rẫy. Nhà xây dựng theo Chương trình 167 được xây dựng khang trang là mơ ước cả đời của họ. Nhưng hiện nay, chất lượng công trình không đảm bảo đã khiến nhiều hộ dân hoang mang, lo lắng. Bên cạnh hộ anh Thái là căn nhà của gia đình anh Hồ Văn Phương cũng đang xây dựng. Anh Phương cho biết: “Không biết răng mà họ nghỉ làm cả 10 ngày ni rồi. Khi họ đến làm cả nhà tui cũng có ra đây kiểm tra nhưng khi cột trụ dựng lên thì như… răng rụng. Anh thấy đó, chỉ cẩn lấy tay lay nhẹ thôi là đổ rồi”.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngôi nhà cho hộ nghèo được xây dựng với 15 trụ đúc bằng bê tông cốt thép. Phần lớn các trụ được chôn khá hời hợt, chỉ cần một lực tác động nhẹ cũng có thể sập bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, chất lượng của các trụ cũng không đảm bảo vì có nhiều chỗ trộn các vật liệu xây dựng không đều, làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của mố trụ. Hơn thế, đa số những ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình 167 đều nằm trên các địa hình khá cheo leo, chỉ cần có mưa lớn thì rất dễ sập đổ.

Ngoài ra, tiến độ công trình nhà cho hộ nghèo nhiều xã ở huyện Đakrông cũng không đảm bảo do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, trên toàn huyện mới chỉ có 105/492 ngôi nhà hộ nghèo được hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện tại, hàng trăm đồng bồng bào Pa Cô, Vân Kiều vẫn đang hoang mang, lo lắng do chất lượng và công trình nhà ở không đảm bảo.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất