| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: Ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc

Thứ Năm 11/06/2020 , 17:47 (GMT+7)

Hàng trăm hecta lúa vụ hè thu của nông dân Quảng Trị đang bị nạn ốc bươu vàng đe dọa khiến nông dân rất lo lắng.

Nhiều nông dân lựa chọn hình thức bắt ốc thủ công để hạn chế loài này gây hại. Ảnh: CĐ.

Nhiều nông dân lựa chọn hình thức bắt ốc thủ công để hạn chế loài này gây hại. Ảnh: CĐ.

Vụ hè thu 2020, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được trên 22.300ha lúa. Hiện nay, hầu hết diện tích lúa đang bước vào giai đoạn lên cây non. Trên khắp những cánh đồng, nông dân tích cực ra đồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa.

Có mặt trên cánh đồng của thị trấn Diên Sanh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) chúng tôi chứng kiến nhiều nông dân tích cực ra đồng chăm sóc lúa giữa cái nắng như thiêu đốt. Nông dân cho biết, đây là thời điểm bà con phải đưa nước vào ruộng cho cây lúa sinh trưởng và phát triển sau khi gieo sạ. Việc cung cấp đủ nước cho cây lúa có yếu tố khá quan trọng trong việc quyết định thành bại của vụ lúa bởi theo dự báo vụ hè thu năm nay nguy cơ thiếu nước trên diện rộng sẽ rất cao.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, cùng với nhiều địa phương khác ở tỉnh Quảng Trị, ốc bươu vàng xuất hiện ở địa phương này với mật độ khá dày đặc khoảng từ 5 – 7 con/m2, ảnh hưởng rất lớn đến chăm sóc lúa. Do lo ngại ốc bươu vàng sẽ gây hại lúa khi chưa kịp thực hiện các biện pháp diệt trừ nên bà con đành để ruộng khô, chưa dám đưa nước vào. Ông Trần Côn ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng cho biết: “Ốc bươu vàng rất nguy hại, lúa mới lên từ một đến ba bốn lá nếu không phun thuốc kịp thời thì khi đưa nước vào nó ăn rất nhanh. Vì thế mà bà con chưa cho nước vô ruộng”.

Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có khoảng 150 ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại, trong đó có một số diện tích thiệt hại nặng phải tiến hành gieo cấy lại. Địa bàn bị ốc bươu vàng gây hại nhiều nhất là ở Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà. 

Nông dân tích cực xuống đồng chăm sóc lúa. Ảnh: CĐ.

Nông dân tích cực xuống đồng chăm sóc lúa. Ảnh: CĐ.

Ốc bươu vàng thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ ngay sau khi gieo cấy cho đến khi cây lúa được 30 ngày, chúng hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm. Lúa non bị ốc bươu vàng ăn nhiều không thể phục hồi được vì khi cắn ngang thân cây lúa ốc còn tiết ra loại chất nhờn bám vào vết cắn khiến cây lúa không thể tiếp tục sinh trưởng. Đối với ốc bươu vàng, cần ưu tiên biện pháp thủ công như tiến hành bắt ốc và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy, tuy nhiên ở những nơi có mật độ cao, nhiều ốc non thì dùng thuốc là hiệu quả nhất.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Quảng Trị cho biết: “Khi dùng thuốc để diệt ốc ở giai đoạn lúa từ 7 đến 10 ngày, bà con nên cho nước vào ruộng, lúc đó ốc sẽ trồi lên. Lưu ý là nên cho nước vào từ 5 đến 7 cm và giữ mực nước này từ 5 đến 7 ngày. Nếu không cho nước vào ruộng mà phun thuốc sẽ không hiệu quả, vì lúc này con ốc đã chui xuống sâu”.

Để hạn chế nạn ốc bươu vàng gây hại, Chi cục TT&BVTV tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân nên phun thuốc lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi ốc hoạt động mạnh nhất để tăng hiệu quả của thuốc. Thuốc diệt ốc bươu vàng độc với động vật thủy sinh nên cần thận trọng khi sử dụng gần khu vực nuôi trồng thủy sản.

Vụ hè thu 2020 toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy trên 22.300ha lúa. Hiện hầu hết lúa đang giai đoạn lên cây non. Đến thời điểm này đã có khoảng 150ha lúa bị nạn ốc bươu vàng gây hại. 

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.