| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 07/12/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 07/12/2017

Quanh chuyện tăng phí thuê lòng đường, vỉa hè Hà Nội

Việc tăng phí thuê lòng đường, vỉa hè và tăng giá gửi xe, thực ra là hợp lý. Vì lẽ sự chênh lệnh giữa phí và giá chính thức, với giá cả thực tế - là quá lớn, mà ai cũng biết, và ai cũng đã bị thu hơn giá chính thức nhiều lần. 

Nhưng vấn đề của chuyện này thì vẫn thế, lặp đi lặp lại đã từ lâu lắm rồi, và chưa được giải quyết rốt ráo: Ai sẽ hưởng lợi từ những khoản thu chênh lệch đó? Có những vấn đề bị coi là “bất biến”, vì sự lặp đi lặp lại như điệp khúc, năm nào cũng như năm nào….

17-49-24_chieu_512_hdnd_tph_noi_d_thong_qu_de_xut_tng_muc_phi_thue_long_duong_vi_he

Nhưng có những chuyện thì diễn ra hàng ngày, hằng tuần, cả 365 ngày trong năm. Như chuyện thuê lòng đường, vỉa hè để buôn bán, để chăng dây trông giữ xe cộ, thì phí thuê chính thức để nộp cho nhà nước thì rất rẻ. Điều mà nhiều người biết - khi hỏi và nhận được câu trả lời từ những người bán hàng và trông giữ xe ở lòng đường, vỉa hè: “Phí nộp nhà nước có đáng mấy đâu. “Phí” gửi các anh chị ở phường, ở quận mới là chính chứ?” Và cả chuyện giá dịch vụ trông giữ xe cộ cũng thế. Giá chính thức ghi trên vé xe và giá thực thu của khách chả bao giờ là một (!). Điều này thì rõ như ban ngày, già trẻ, gái trai, ai ai cũng biết cả.

Chiều 5/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè. UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt tăng mức giá trông giữ phương tiện, áp dụng chính thức từ 1/1/2018.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, phát biểu: “Tiếp cận Nghị quyết lần này tôi nghĩ chúng ta không đặt vấn đề thu thêm được bao nhiêu tiền. Thực tế, chúng ta không cần một vài trăm tỷ thu từ vỉa hè để trông giữ xe ô tô và xe máy, mà nhằm tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông”.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cũng giải trình rằng: “Thành phố tăng giá trông giữ phương tiện giao thông không lấy mục tiêu thu tiền về ngân sách là chính. Việc tăng giá để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân". Các vị nói đều có phần đúng. Nhưng trọn vẹn thì chưa.

Vấn đề Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nhắc về “180 quán bia vỉa hè, hơn 150 quán có công an đứng sau” - thì cũng y hệt về bản chất đối với việc thu phí lòng đường, vỉa hè và chuyện giá trông giữ xe. Cốt lõi của vấn đề là cần xác định được, ai là những người thu lợi bất chính từ những việc cho thuê và trông giữ này?

Khoản thu mà Nhà nước - chính quyền thành phố, quận huyện, xã phường - thu được, là rất ít so với những kẻ “giấu mặt” kia. Tiền sẽ chảy vào túi họ. Còn quần chúng nhân dân không hề được hưởng lợi. Không xác định và giải quyết được vấn đề trên, thì câu chuyện tăng phí và tăng giá này, cũng sẽ chỉ làm tăng nguồn thu cho nguồn thu vốn đã khổng lồ và bất chính của những kẻ “đứng sau” kia mà thôi.

Bình luận mới nhất