| Hotline: 0983.970.780

“Quay lưng” nghề biển

Thứ Ba 24/12/2013 , 10:17 (GMT+7)

Nghề biển một thời mang lại đời sống ấm no cho ngư dân các huyện Quảng Điền, Phong Điền (TT-Huế). Thế nhưng, những năm trở lại đây nhiều nơi bỏ biển, chuyển nghề vì không theo nổi…

Nghề biển một thời mang lại đời sống ấm no cho ngư dân các huyện Quảng Điền, Phong Điền (TT-Huế). Thế nhưng, những năm trở lại đây nhiều nơi bỏ biển, chuyển nghề vì không theo nổi…

Trong ký ức của nhiều ngư phủ dày dạn kinh nghiệm một thời ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), đi biển là một nghề mang lại cuộc sống ấm no cho hàng vạn hộ dân.

Ông Nguyễn Lộc, 60 tuổi, một ngư dân thôn Tân Thành (xã Quảng Công) cho biết: “Hồi xưa cá tôm phong phú, chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ, loại máy D12, đánh bắt trong lộng cũng cho tôm cá đầy thuyền. Tôm cá nhiều đến nỗi cả gia đình gần chục lao động, sau mỗi chuyến biển trở về, cá nhiều bán, ăn không hết thì làm nước mắm, phơi khô dự trữ làm thức ăn. Giờ tài nguyên ngày một khan hiếm, ra biển cần thuyền lớn nên bọn tui phải tìm nghề khác mưu sinh". Những ngư phủ một đời theo đuôi cá, tôm như ông Lộc bỏ biển không phải là hiếm. 


Thuyền thô sơ thường xuyên nằm bờ như thế này
 

Trước đây, gần 600 hộ dân các thôn Cương Gián, Tân Thành, An Lộc, Hải Thành của xã Quảng Công một thời bám biển, giờ con số còn lại chỉ phân nửa mà thôi. Những ngư dân bỏ biển chuyển nghề hoặc đi lao động phụ nhiều nơi nên cuộc sống đa phần bấp bênh.

Mấy chục năm trước, thuyền không chỉ đánh bắt xa bờ, mà các loại hình đánh bắt gần bờ, cách chỉ vài trăm mét cũng như “kéo dạ”, “kéo rùng” hay câu mực cũng phát triển do nguồn lợi hải sản nhiều, một chuyến đi đánh bắt khá dễ dàng. Nhưng đến nay, phần lớn những ngư dân đánh bắt theo các loại hình này đều bỏ biển, bởi không trụ nổi với nghề. Họ bán ngư lưới cụ, thuyền bè để mưu sinh bằng nghề khác.

Không chỉ ngư dân Quảng Điền, cả vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) vốn trù phú nhờ biển cũng “quay lưng” với nghề. Ông Nguyễn Quynh (thôn 8, xã Điền Hòa) cho biết: “Đi biển vốn là nghề truyền thống, cả nhà có 5 anh em cùng làm. Những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, chi phí ra khơi cao, đi biển liên tục thua lỗ nên anh em tui bán ghe, bán máy, bỏ nghề đi làm thuê cho các công ty nuôi tôm đóng trên địa bàn”.

Tình cảnh gia đình ông Quynh cũng là thực trạng chung của hàng trăm hộ dân vùng Ngũ Điền. Giữa những ngày biển êm sóng lặng, hiếm hoi lắm chỉ thấy vài thuyền cập bến, còn lại bãi biển vắng hoe. Cũng đã lâu lắm rồi ông Quynh không ra với biển, xem bà con cùng “đi bạn” với mình một thời làm ăn thế nào. Chỉ tay về bãi đậu tàu thuyền, ông Quynh nói như tiếc rẻ: “Ngày trước, trong thôn có mấy chục chiếc thuyền ngày đêm ra khơi. Hồi đó cá nhiều vô kể, mỗi chuyến cập bến trừ chi phí bọn tui cũng đủ ăn. Đi biển giờ là lỗ to nên bà con bán thuyền, ngư lưới cụ hết để chuyển sang lao động nghề khác”.

Trước những khó khăn của nghề biển, ngư dân chuyển sang các nghề như làm nước mắm, làm mắm. Tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền) có doanh nghiệp chế biến nước mắm xuất khẩu Đảnh Vân mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; tại xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) có cơ sở chế biến nước mắm Tân Thành. Các cơ sở trên tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhưng đó chỉ là con số nhỏ, phần lớn ngư dân bỏ biển đều chuyển sang lao động bằng các nghề phụ hoặc phiêu dạt nhiều nơi kiếm sống.


Ngư dân cần cải hoán tàu thuyền, bám biển bền vững

Nói về ngư dân chuyển nghề, ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho hay, nguyên nhân bỏ biển là do thua lỗ, phương tiện đánh bắt không còn phù hợp. Để giải quyết tình trạng trên, cần gắn đánh bắt thủy sản với chế biến. Đây là một hướng đi mới và hiệu quả đối với ngư dân. Nếu có chính sách đầu tư, hỗ trợ khôi phục và phát triển nghề truyền thống chế biến nước mắm sẽ tạo công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế ổn định. 

Ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho rằng: “Sở dĩ nguồn lợi thủy sản gần bờ cạn kiệt là do các phương tiện đánh bắt tận diệt ngày càng nhiều. Mật độ đánh bắt dày, các hình thức đánh bắt không chỉ tận diệt cá tôm mà còn phá hủy tầng môi sinh khiến cá, tôm không kịp sinh sôi”.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Đính, do nghề biển liên tục mất mùa khiến ngư dân không mặn mà. Thời gian trước, họ góp vốn mua sắm một số phương tiện, ngư cụ đánh bắt xa bờ nhưng vẫn không hiệu quả. Do kỹ thuật, phương tiện đánh bắt chưa phù hợp, một phần là xã bãi ngang nên các tàu công suất lớn không thể neo đậu ngay tại bờ, phải vượt hàng chục cây số đến neo đậu nơi khác dẫn đến chi phí xăng dầu tăng cao. Các phương tiện đánh bắt xa bờ dù được đầu tư nhưng chỉ hoạt động chưa đầy một năm đã bị phá sản. 

Tỉnh TT-Huế cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ các hộ cá nhân, doanh nghiệp mở rộng SXKD các ngành nghề truyền thống, trong đó đánh bắt thủy sản cần gắn với chế biến nhằm giải quyết lượng lớn lao động vùng ven biển, đầm phá. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ phù hợp để ngư dân cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ… bám biển lâu dài, bền vững.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm