| Hotline: 0983.970.780

Quê hương no ấm

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:55 (GMT+7)

Muà xuân lại về trên quê hương phía nam sông Kinh Thầy của tôi. Đất đồng đã vào vụ rau màu, đang thu hoạch để đón tết, chuẩn bị cho vụ lúa xuân.

Muà xuân lại về trên quê hương phía nam sông Kinh Thầy của tôi. Đất đồng đã vào vụ rau màu, đang thu hoạch để đón tết, chuẩn bị cho vụ lúa xuân.

Người nông dân luôn mải mê với việc đồng áng, và do cải tiến được nhiều công cụ sản xuất, nên không vất vả như xưa. Nhớ những năm tôi còn ở làng, chỉ riêng cái việc dậy từ nửa đêm, tranh nong tát nước vào ruộng ải, cày bừa khi thời vụ bắt đầu và gánh lúa về, đập thì thụp từng lượm lúa một trên cái cối đá thủng, khi thu hoạch, đã thấy khiếp. Vì sức lực bỏ ra quá nhiều mà năng suất lại rất thấp. Nay thì đã có máy, máy cày bừa, máy gặt đập, thóc đầy ở sân nhà; nước tưới thì có máy bơm, nước từ các kênh mương, gần như tự nhiên chảy vào ruộng. Ruộng ít hơn mà năng suất lúa lại cao hơn nhiều. Làng xóm đã đổi mới từ đấy. Dân làng cũng no ấm từ đấy.

Đối với các bạn trẻ bây giờ, hai chữ NO ẤM chắc chả gợi lên một ấn tượng đáng kể gì, bởi dĩ nhiên là như vậy rồi. Làng xóm quê tôi bây giờ, nhiều nhà đã giầu, không chỉ có nhà ngói cây mít như ước mơ xưa của các vị tiền bối, mà còn có nhà gác 3 - 4 tầng, tiện nghi trong nhà khá hiện đại, nhiều nhà đã có đến hai cái xe máy, có nhà đã có ô tô. Ngay cả người đi làm đồng đã đi bằng xe máy và trong lao động vẫn mặc rất đẹp.

 Mới chỉ có hơn 20 năm đổi mới, quê hương đã thay đổi hoàn toàn như thế, khiến những người con quê hương, từng lưu lạc ở xứ người về thăm quê, đứng trước ngõ nhà mình mà còn phải hỏi thăm. Bác Hồ xưa từng nói rằng: Mơ ước tột bậc của Người là nhân dân ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc. Ai cũng được học hành. Điều mơ ước tột bậc ấy, các bạn trẻ bây giờ không dễ mà cảm nhận được. Người nước ngoài có câu ngạn ngữ: "Nếu anh muốn hiểu thế nào là thiên đường, thì ít nhất anh cũng phải có 15 phút ngồi dưới địa ngục".

Tôi hiểu sâu sắc điều đó, bởi với cá nhân tôi, nỗi ám ảnh đáng sợ nhất của tuổi thơ tôi là đói. Đói là cái tận cùng của cái khổ, cái thấp nhất của cái khổ và cũng là cái quan trọng nhất để làm thành cái khổ. Không phải ngẫu nhiên mà nói đến cái khổ, cha ông ta thường nói đến đói rét. Rét thì còn có mùa, trong mùa còn có ngày, chứ đói thì quanh năm, suốt tháng. Tôi đã chịu những cơn đói ghê gớm, những cơn đói mà ranh giới giữa con vật và con người trở nên rất mong manh.

Đó là thời kì cả làng tôi cấy lúa 5 x 5 hoặc 5 x 10, kết quả biến ruộng lúa thành bãi cỏ. Dạo ấy, 13 tuổi, tôi đã làm thơ cho tổ tuyên truyền của huyện và thơ tôi đã được duyệt, rồi cho kẻ vẽ lên nhiều tường vách nhà trong huyện, để động viên toàn dân cấy lúa theo kĩ thuật mới ấy: Ai ơi, cấy lúa năm, năm (5 x 5)/ Tháng ba ngày tám cứ nằm cũng no/ Đến khi mà lúa chín vàng/ Trải chiếu bốn chàng ngồi cũng không xiêu.... Tôi viết ý ấy, vì người ta đưa cho tôi tờ hoạ báo Trung Quốc, chụp ảnh bốn chàng thanh niên lực lưỡng ngồi trên bốn góc chiếu trải trên những cây lúa vàng rực. Rồi cho lợn ăn phân trâu, lợn chảy bụng ra lõng bõng như cái túi lủng lẳng, mắt toét nhoèn. Rồi trồng khoai ụ, đất màu mỡ thì hót lên làm thành cái ụ, cao ngang đầu người, dây khoai đặt vào xung quanh… cuối cùng, khoai chết, ụ đất thành một cái lô cốt rắn như đá, tôi phải dùng xà beng mới bẩy ra được, mà ruộng thì bạc hết màu…

Xóm tôi đã có người chết đói vào năm đó, chính tôi đã xem các bác nhà bên bó người chết trong cái chiếu đem chôn, mồm người chết cứ mở to ra như mồm con cá ngão. Lúc ấy tôi mới biết rằng, không ai khép cái mồm người chết đói vào được. Sở dĩ có người chết đói vì không ai dám báo cáo lên cấp trên là có người đói để cứu đói, và khi chết đều, chết vì tả, đói quá cái gì cũng ăn, nên mắc bệnh tả, ví dụ như cây đu đủ, ăn hết quả rồi ăn thân cây, bỏ cái vỏ ngoài và cạo sạch cái lòng trắng bên trong, luộc đổ nước đầu đi, rồi nấu là ăn được, ăn lá, nấu như nấu canh, rồi đào ăn cả rễ. Lần đầu ăn nôn nao như say, sau chỉ cồn ruột thôi, nhưng chịu được. Tôi đã làm và ăn những thứ ấy.

 Nhà tôi có cái ao thả bè muống, nên khá hơn, còn gốc rau muống già, ăn xen vào, gốc muống thái nhỏ phơi khô, thổi lên như thổi xôi, vật ra giá, trông đen như phân trâu. Tôi đã ăn đến 4 - 5 bát một bữa. Vì gặp cái gì cũng ăn, nên cả làng đi tả, tức là chết vì bệnh tả, chứ không phải vì đói, nhưng thực ra là chết đói… Vì chết do tả, nên người ta chôn vội chôn vàng, sợ lây nhiễm. Có một trường hợp rất đau lòng, khi cải cát (cát táng) mở quan tài của một bà, là mẹ cô em họ tôi, thấy con dao thường bổ cau (bà ăn trầu), rất sắc nhọn, buộc cái quai vào giải rút quần, cắm chặt vào mép tấm ván thiên ngang ngực người chết. Mọi người bật khóc, vì nghĩ rằng, sau khi chôn, bà đã sống lại và bằng cách đó, bà báo cho con cháu sau này biết…

Năm chú Khoa (Trần Đăng Khoa) một tuổi, cũng bị đói rồi đi tả, anh Luận, người hàng xóm, khoảng hơn 40 tuổi, đã bó chú Khoa trong cái chiếu võng, buộc 3 nút lạt pha ra từ một cây tre non, chuẩn bị đem chôn vội, may mà tôi gọi được cậu ruột tôi, một thày lang, đến kịp thời, đã cứu sống được…

Cách đây mấy năm, tôi phải đáp máy bay vào Sài Gòn, rồi thuê xe tắc xi đến một thị trấn nhỏ ở tỉnh Bình Dương, để viếng một bà hàng xóm, chỉ vì năm đó, khoảng 10, 11 giờ đêm khuya khoắt, bà ấy thường gọi một tiếng rất nhỏ ở bờ tre, để tôi ra nhận một bát cơm mà bà xới bớt lại, giấu không cho chồng con biết, bà gọi cho tôi, gói trong lá khoai nước. Tôi phải san cho mẹ và cho em, nhưng mẹ tôi thường không ăn, rồi tôi mới ăn mấy miếng phần của mình… Tất nhiên, không phải vì những miếng cơm ấy mà mình sống, nhưng hương vị của nó thì suốt đời tôi không quên, nhớ đến tận bây giờ…

Tôi chợt hiểu vì sao, cụ tổ tôi, tiến sĩ thời Lê là Trần Cảnh, làm quan đến chức Thượng thư (bộ trưởng) rồi Tham tụng (tể tướng), vẫn kiên quyết xin vua Lê Hiển Tông cho mình về hưu bằng được, để về làng, chiêu mộ dân li tán ở các huyện, khai hoang lập ấp ở một số làng xã dọc triền sông Kinh Thầy, từ Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương) đến Đông Triều (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) hiện nay, thời ấy đều thuộc đạo Hải Dương, được vua Lê phong chức Hải Dương khuyến nông sứ.

 Trên cơ sở hướng dẫn dân trồng cấy, cụ đã soạn ra bộ sách Minh nông chiêm phả, dâng vua Lê Hiển Tông năm Kỉ Tị (1749), được coi là bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của nước ta. Trong ghi chép của con cụ, Tiến sĩ - Thượng thư, Phó đô Ngự sử Trần Tiến (tập kí sự Niên phả lục, 1764), có một câu làm tôi giật mình: Đi đến làng xã nào cũng thấy dân đói. Vì đói thì họ phải làm “càn”, phải nổi lên chống lại triều đình thôi, chứ họ đều là con dân cả. Đem sức ấy mà cày ruộng, để có cơm ăn, áo mặc (chứ không phải đi làm “loạn”, tức khởi nghĩa - hoặc đi đánh nhau - kể cả đánh giặc) thì hay biết bao nhiêu.

 Cả đời Cụ chỉ lo sao cho nước yên, dân no. Cụ đã đặt cái điều thiết cốt ấy của dân cao hơn cái chức tể tướng, đứng đầu triều của mình. Điều ấy đáng làm ta suy ngẫm lắm chứ. Bây giờ thì cái ước mơ ấy của Cụ đã thành hiện thực trên quê hương cụ, nơi Cụ nằm yên nghỉ dưới những giọt mưa xuân lất phất bay, làm cây cỏ xung quanh xanh rờn.

Cách đây ít ngày, về thăm quê, đúng lúc những chiếc xe con về làng, trông số xe, ngoài một chiếc có biển đăng kí 34 Hải Dương, có cả xe của một hai tỉnh khác. Các anh chị về thăm Từ Đường họ Trần Điền Trì, di tích lịch sử và văn hoá của địa phương và nơi yên nghỉ của nhà nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam, Tham tụng - Thượng thư, Tiến sĩ Trần Cảnh. Đoàn cho biết là đã thắp hương trước tượng thờ Cụ ở Văn chỉ Linh Khê (thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách).

Nhìn lại cả chặng đường dài như thế, mới thấy cái ăn cái mặc, trước hết là cái ăn, nghĩa là hạt gạo, có vị trí như thế nào trong đời sống của người Việt Nam, từ xưa đến nay, mới thấy quyết tâm diệt giặc đói được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, có tầm nhìn xa rộng và chủ nghĩa nhân văn cao cả như thế nào. Cho đến bây giờ, về cơ bản và trên đại bộ phận, cái đói đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Đó là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thời đại ta, của chế độ ta.

Sau thành công Đại hội đảng bộ xã, làng quê tôi như trẻ thêm ra trong một quyết tâm làm giầu. Từ no ấm, quê tôi đang bước lên trên một chặng đường phát triển mới, đó là làm giầu, cái giầu của cả cộng đồng, không chỉ giầu về kinh tế, dĩ nhiên rồi, mà còn giầu về văn hoá, văn minh, giầu về lòng nhân ái, về đạo lí, để tầm vóc của mỗi công dân, cũng như tầm vóc cuả một địa phương, vươn cao, xứng đáng với tuyền thống văn hoá đã từng được ghi trong các trang sử quốc gia, hay trong các bia đá, đặt ở các đình làng, từ đường và Văn Miếu Quốc Tử Giám một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm