| Hotline: 0983.970.780

Quê hương thời hội nhập bốn phương

Thứ Tư 02/10/2019 , 08:33 (GMT+7)

Phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) thay đổi nổi bật trong vùng với nhiều nhà cao tầng, đường đi lối lại khang trang mát bóng cây.

Đó là kết quả của quá trình hội nhập bốn phương, nay phường có 5.700 người mà khoảng 20% sống xa quê với gần 13% sống ở nước ngoài, nhiều nhất là Đức và Anh.
 

Day dứt

Chị đầu của tôi là Phạm Thị Đam năm nay 83 tuổi, có đông con cháu nhưng hơn năm nay nằm liệt giường phải nhờ xóm giềng chăm sóc, bởi con cháu sinh sống bốn phương. Bệnh thoái hóa xương chứ đầu óc chị còn minh mẫn, chị vanh vách kể tên 14 đứa con và cháu đang sống ở Đức, Anh. Trong đó, con gái Thái Thị Điệp sang Đức hơn chục năm trước, lấy chồng và sinh 3 đứa con ở bên.

1108191122024190
Người thân đến thăm chị Phạm Thị Đam.

Con trai duy nhất Thái Tuệ, kỹ sư điện có công việc làm ăn ổn định cũng bỏ để sang Anh đã 5 năm. Chị nói, con cháu gửi tiền về thuê người chăm sóc chị chu đáo, có sâm uống và nệm hơi nằm điều chỉnh căng xẹp phù hợp thời tiết, “thương chúng ở quê nghèo phải đi xa tìm kiếm tương lai”.

Em út tôi là Phạm Duy Liên con cháu cũng sinh sống bốn phương nên nghỉ hưu chỉ có hai vợ chồng trong căn nhà mới xây rộng rãi. Một con rể đi Anh 3 năm vừa về, con rể khác ở Anh đã 5 năm sau 11 năm đi Đài Loan. Con gái út đang ở Nhật Bản còn con trai duy nhất đi Singapore. “Mấy đứa sống trong nước thì Bắc, Trung, Nam đủ cả, đi ra không nơi nương tựa phải bươn chải vất vả lắm”, Liên nói.

Tôi đến nhà anh nuôi là cán bộ hưu trí Lê Khắc Thạnh 75 tuổi, thấy hai đứa cháu nội lên 3 và 4 tuổi đang giành nhau chiếc điện thoại, khóc inh ỏi. Vợ anh 67 tuổi vừa dỗ cháu vừa kể, chúng giành nhau cái điện thoại có trò chơi Nàng Tiên Cá.

Còn anh than khổ nuôi con rồi nuôi cháu vì cha mẹ chúng long đong xứ người. Anh Thạnh kể, con trai đi Đài Loan 3 năm được 300 triệu đồng về cất căn nhà, đi tiếp sang Singapore 4 tháng lỗ 100 triệu đồng về bán ruộng trả nợ, đi Malaysia gần năm được 30 triệu đồng về làm mái che sân; lại theo bạn bè đi Đức làm nghề sơn móng tay nhưng vụng về nên đi tiếp sang Anh chẳng may gặp bọn cướp trấn lột.

Con dâu đi Đài Loan chăm người già, công việc khá ổn nhưng nghe bạn bè trốn ra ngoài nên bị bắt và nay vẫn lận đận. “Vợ chồng tôi tuổi già phải nuôi con cho chúng đi chăm người già xứ người, giờ chỉ mong trả được 700 triệu đồng vay lo cho chúng khi đi”, anh Thạnh nở nụ cười buồn.

1108192122024423
Vợ chồng anh Lê Khắc Thạnh và hai cháu nội mê điện thoại di động.

Buồn không kém là anh con cậu của tôi, thương binh Nguyễn Đình Yên 80 tuổi, ngồi xe lăn 9 năm nay nhưng đang phải cùng vợ 75 tuổi nuôi đứa cháu ngoại, vì mẹ nó bỏ chồng và đi Đài Loan. Anh chị cũng đông con cháu nhưng hầu hết ở xứ người. Con gái đầu đi Đài Loan 3 năm mới về; trai út thì vợ ở Hàn Quốc, 2 con ở Đài Loan.

Vất vả nhất là con trai đầu Nguyễn Đình Sơn, hồi đi Đài Loan bị tai nạn cháy mặt nhăn nhúm, ngón tay co quắp nhưng vẫn phải long đong xứ người kiếm sống để nuôi vợ với 2 con ở nhà. “Lương thương binh của anh một tháng được 1,1 triệu đồng, chị phải lo rau khoai trong vườn mới đủ qua ngày. Anh ngồi một chỗ, ngày đêm cầu mong con cháu phương xa chân cứng đá mềm”, anh Yên rơm rớm nước mắt.

Thái Hường là bạn bộ đội với tôi mấy mươi năm trước. Đi bộ đội lúc chưa giải phóng miền Nam, rồi làm quân tình nguyện giúp bạn Campuchia, về quê Hường sống với vợ con trong ngôi nhà nhỏ.

Hôm nay tôi đến, ngôi nhà nhỏ không còn, mọc lên hai ngôi nhà tầng cao lớn. Đây là nhà của con trai, còn nhà vợ chồng Hường đã cất nơi khác. Hường kể, ngôi nhà đang ngồi xây năm 2016 bằng tiền của vợ chồng con trai thứ hai ở Anh: “Chúng ở bên đó 9 năm rồi, cả hai vợ chồng và 3 đứa con”.

Còn nhà bên cạnh của đứa con trai đầu, làm Phường đội trưởng Đậu Liêu nhưng vợ cũng ở Anh 5 năm nay. “Thành ra, 3 căn nhà thì 3 người lớn ở quê chia nhau trông coi, mong có dịp gia đình đông đủ như hồi chỉ có căn nhà nhỏ”, Hường nói.

 

Tôi hỏi, con cháu có định ngày trở về? “Khó quá. Hồi trước đi bộ đội thì hẹn giải phóng miền Nam hoặc từ Campchia rút quân về nước sẽ về quê, bây giờ chúng nó đi lo tương lai lại không hẹn trước được”, Hường nở nụ cười nửa vui nửa buồn.
 

Lo toan

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ tổng hợp Đậu Liêu-Thái Danh Khởi cho biết, ở quê bây giờ xây nhà to chủ yếu nhờ tiền nước ngoài gửi về, còn làm lúa chỉ đủ ăn.

Hợp tác xã có 1.006 hộ thành viên, vụ xuân là vụ chính vừa rồi cấy 412 ha, mỗi héc ta lãi chừng 16 triệu đồng. Vụ khác thường lỗ nên nỗi lo lớn nhất của Ban giám đốc Hợp tác xã là ruộng bị bỏ hoang. “Lương cháu một tháng 1,7 – 1,8 triệu đồng thì có thể hình dung quy mô kinh tế của phường”, Khởi nói rồi vội vàng đi đặt bẫy chuột để giữ lúa.

1108193122024611
Ông Phạm Duy Ngụ (giữa) và anh Bùi Văn Chương (trái), Phạm Duy Quỳnh ở nơi chuẩn bị mở rộng chùa Tép.

Chủ tịch UBND phường Bùi Chiến Thắng cho biết thêm: “Kinh tế của phường còn có các trang trại, đáng kể có một trại nuôi 7.000 con vịt trời và một trại nuôi 1.000 con lợn. Phường bây giờ chỉ nhiều người già nên tính làm gì cũng khó. Có nhà đầu tư Hàn Quốc xây dựng nhà máy may Haivina Hồng Lĩnh, thông báo tuyển 2.000 công nhân mà Đậu Liêu hầu như không có”. Người già ở phường từ 60 tuổi trở lên hiện có 910 người, chiếm gần 1/5 dân số tại quê.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 của phường có đoạn đáng chú ý: “Phối hợp với UBND thị xã tổ chức thành công Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương (10/3 Kỷ Hợi) tại chùa Đại Hùng; người dân trong và ngoài địa phương, du khách và các phật tử về dự trên 5.000 người”. Chùa Đại Hùng trên núi Gióng trong dãy Hồng Lĩnh, theo truyền thuyết nay ghi trong tấm bảng dựng ở sân chùa là nơi đặt Kinh Đô Ngàn Hống của Việt Thường Thị thời Lạc Long Quân. Hồi tôi còn nhỏ thấy chùa thấp thoáng trong rừng xanh nhưng chiến tranh đã tàn phá.

Chừng ba mươi năm trước, chú ruột tôi là Phạm Duy Ngụ (nay 95 tuổi, 73 năm tuổi Đảng) đi đầu dân làng dựng lại chùa Đại Hùng. Chú kể, lúc mới dựng, có người đi tắm sông Cài chảy bên làng, đụng cái chuông đồng của chùa ngày trước dưới lòng sông. Dân làng hò nhau trục vớt khiêng lên chùa. Nay chuông đồng còn giữ và chùa đang mở rộng.

Chú Ngụ cho biết, các chùa ở Đậu Liêu có gốc tích cổ xưa qua trăm năm biến động thảy bị tàn phá, nay phục dựng để con cháu đi xa biết nguồn cội vọng về. Chú dẫn tôi ra cánh đồng cạnh sông Cài có ao sen chuẩn bị xây lại chùa Tép. Đây là ngôi chùa gắn với truyền thuyết hùng vĩ mà thơ mộng, 100 con phượng hoàng bay về dãy Hồng Lĩnh có 99 đỉnh chỉ đủ chỗ cho 99 con đậu, còn một con bay mỏi cánh sa xuống chỗ này. Dân làng bắt tép sông Cài nuôi phượng hoàng rồi hình thành chùa, hương khói cho vong linh trên sông và trong ruộng đồng quây quần, không vào làng quấy nhiễu.

Đất quanh chùa rộng 1,5 ha được dành cày cấy hàng năm cúng giỗ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ (1390-1483), người cho đào kênh đưa nước trên núi Hồng Lĩnh về tưới tắm ruộng đồng, còn lừng danh cả nước khi xử vụ án phân biệt con lươn với mãng xà để cứu một phụ nữ thương chồng mà suýt bị chém đầu, nay đền thờ Ngài là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Chùa Tép cũng đã bị phá từ lâu, năm 2015 mới xây lại một gian nhỏ theo hướng dẫn của chú Ngụ, với công sức của anh Phạm Duy Quỳnh hơn 60 tuổi và tiền bạc của anh Bùi Văn Chương gần 50 tuổi. Anh Quỳnh kể, mình anh vừa trộn hồ vừa xây, còn anh Chương bỏ ra hơn 40 triệu đồng cả đào ao trồng sen và đắp đường đi. Nay dựng ngôi chùa khang trang hơn, tốn chừng 300 triệu đồng vẫn chủ yếu của anh Chương, tiết kiệm từ nghề buôn bán phế liệu và nuôi bò.

Các cụ cao tuổi còn lập Tổ tình nguyện trồng cây, cần mẫn chục năm đã trồng được 19 cây đa tỏa bóng mát các góc đường. Tổ trưởng Phan Đa 81 tuổi, một nhà giáo nghỉ hưu bộc bạch: “Mái chùa, cây đa là hình ảnh ngàn đời quê Việt, qua chiến tranh loạn lạc và đô thị hóa hầu như mất hết, chúng tôi quyết dựng lại”. Ông nói “quyết” bởi đầy khó khăn, nhiều năm đầu trồng lên nhưng không dưỡng được, về sau các ông đề nghị chính quyền cấp sổ đỏ cho mỗi địa điểm trồng cây trăm mét vuông đất, góp tiền tổ chức tôn cao, rào dậu bảo vệ cẩn thận.

1108194122024859
Ông Phan Đa bên một cây đa tỏa bóng đầu làng.

Vài địa điểm trồng cây còn có lịch sử đáng nhớ như Điếm Mõ. Theo ông Phan Đa, đó là nơi ngày xưa dân làng lập điếm canh có mõ tre báo động mỗi khi cướp từ rừng sâu tràn ra. Năm 1945, ông Phan Đa lên 7 tuổi được chứng kiến ông Trần Huy Liệu dẫn đầu đoàn đại diện Chính phủ từ Hà Nội vào Huế nhận ấn kiếm của Vua Bảo Đại, dừng chân ở Điếm Mõ diễn thuyết, dân vỗ tay vang rền.

Ông Phan Đa say sưa kể nhiều người già trong làng nhiệt tình góp công, nhiều người con đi xa hăng hái góp của, cán bộ phường và thị xã các nhiệm kỳ đều ủng hộ nên trồng cây thành công. Mong ước của các ông hiện nay, đặt ghế đá quanh các gốc đa cho dân làng và bộ hành qua lại nghỉ chân bóng mát có chỗ ngồi, tạo cảnh đẹp văn minh. “Chúng tôi đã đặt được ghế đá quanh 4 gốc cây rồi”, ông Đa nở nụ cười trẻ trung bên gốc đa tỏa bóng mát rượi đầu làng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất