| Hotline: 0983.970.780

Quê quán là chỉ có một và thiêng liêng

Thứ Hai 15/07/2019 , 08:55 (GMT+7)

Vợ cháu có thể không thuộc về thế giới giật lùi quê cháu. Nhưng cháu thì không thể cởi nó ra như cởi áo được.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là đứa con trai gánh vác sứ mệnh. Sứ mệnh đủ thứ, từ ông bà nội và ba mạ, cứ nhét nhét nhét vào đầu cháu từ khi cháu còn bé. Như mọi đứa con trai của đất học, đất cổ, đất một thời là đất thần kinh, cháu chỉ mỗi việc học học và học.

Hiện nay cháu đã đứng vững ở Sài Gòn, vợ cháu là người Sài Gòn, hai đứa con của cháu sinh ra ở Sài Gòn. Dù vậy, dù ông bà nội của cháu đã không còn, nhưng ba mạ cháu đã thay ông bà nhét nhét nhét vào đầu con trai cháu những nghĩa vụ và sứ mệnh. Nghe không đã kinh hoàng rồi cô.

Không biết cô có biết nhiều về quê của cháu không? Nếu cô có đi qua và cô nên đi qua rồi đi lại. Để chi? Để thấy ở đó có những khu lăng mộ mà cháu chỉ có thể nói là kinh hoàng.

Miền Trung đất hẹp, nổi tiếng vì đất hẹp, bão lũ lụt, cũng nổi tiếng luôn. Nhưng sao đất hẹp với người sống mà không hẹp với người chết? Cháu thấy ngược đời, cứ đua nhau xây thêm, xây lên, hoa văn rồng phượng ngê ngiếc. Có những gia tộc bỏ ra cả tỷ để làm khu lăng cho nổi bật đó cô.

Vợ cháu không muốn về quê chồng nhiều, cháu thông cảm. Quá xét nét câu nệ, bây giờ còn phong kiến hơn cả ngày xưa hay sao ấy. Bày vẽ quá đi. Còn con trai sứ mệnh dòng họ của cháu thì năm nay mới vào lớp 6, nó chưa biết gì mà chỉ biết ngán ngán ngán. Mạ cháu đổ thừa do mẹ nó nhồi nhét. Cháu vì chữ hiếu cháu không cãi nhưng nếu con của cháu đi du học và thành người nước khác thì sao?

Cội rễ là thiêng liêng. Nhưng để níu con người ta hướng về, quay về là phải thay đổi, làm cho con người văn minh lên chứ không đi giật lùi như thế. Cháu quan niệm không sai, nhưng cháu có quá nhiều chướng ngại phải vượt.

Cứ cái đà lăng tẩm buồn cười thế đó, cháu không hứa hẹn cháu sẽ trung thành với quê. Cháu có đáng trách không cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Cô đọc thấy sự bức xúc ghê gớm của cháu khi nói về chuyện đua đòi lăng tẩm nhà mồ ở quê cháu. Chừng như là cháu đang phẫn nộ.

Cô có đi qua nhiều miền quê trong cả nước. Ở miền Bắc chuyện mồ mả có đua chen, nhưng không lộ liễu phô phang khó chịu quá mức.Ở Nam bộ đất riêng tư rộng, phần lớn mồ mả trong vườn nhà ruộng nhà của người ta, có khang trang, có đắp điệm thêm nhưng cũng tạm coi được, không sốc.

Duy ở miền Trung, đi tàu hỏa qua những đồi cát màu kem, miên man mộ, buồn khôn tả. Và ở Huế, Huế là nơi có nhiều khu mộ hoành tráng hơn cả. Chắc bây giờ đã như cháu nói, phô phang kinh hoàng, tốn kém kinh hoàng, hả hê kinh hoàng và xin lỗi, cũng kệch cỡm kinh hoàng.

Cô nhớ một bà chị giáo viên họ hàng xa bên chồng cô, người Huế. Chị ấy bị ông chồng gia trưởng đến mức sang thế kỷ 21 rồi mà không được dùng gas, phải dùng bếp dầu và bếp củi (củi trong khu vườn rộng hàng ngàn m2).

Tưởng chị này sẽ âm thầm vùng vẫy để văn minh, không ngờ, khi con gái (đã có bằng đại học) tiễn người yêu đi làm cao học ở Úc, chị ấy phải vào Sài Gòn cùng con để canh nó, không cho đi qua đêm với người yêu. Chao ơi, thật là đôi lứa xứng đôi, chồng phong kiến vợ cũng phong kiến nốt. Đơn cử để cháu thấy, Huế là nơi người ta hay tự hào truyền thống nhưng không ít người sống một cách buồn cười vậy đó.

Cháu sẽ phải gánh vác dù không gánh nặng như ba mạ mong muốn. Về lăng mộ, người ta đua mình không đua, tội gì bỏ tiền để mang tiếng nọ kia. Ai kêu ca sao mặc, mình cứ quan niệm đúng đắn, văn minh, hướng tới văn minh và vận động, những người thế hệ của cháu rời bỏ hơn thua xét nét qua những thứ vô nghĩa ấy đi. Một thế hệ phục dựng quá khứ một cách cực đoan, đến cháu là phải khác, và đến con của cháu, chắc sẽ cân bằng.

Vợ cháu có thể không thuộc về thế giới giật lùi quê cháu. Nhưng cháu thì không thể cởi nó ra như cởi áo được. Bình tâm, đi và về, chăm sóc ba mạ, và vẫn chăm sóc mộ phần tổ tiên ông bà cha mạ theo cách của mình, túi tiền của mình.

Lâu dài, không ai bắt cháu thế nọ thế kia được, đừng quá chán nản, bức bối, vùng vằng. Yên tâm, rồi đâu sẽ vào đấy. Quê quán là chỉ có một và thiêng liêng, hãy dạy con, răn con, rằng ở đâu con vẫn là khách, con phải là người Việt Nam có cội nguồn thì mới được coi trọng.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm