Tôi chưa được đi học, mặc dù bố tôi là một bác Khóa nổi tiếng cả vùng.
Tôi nhớ, hồi nhỏ tôi là một cậu bé rất ham chơi, nghịch ngợm. Mà thực ra cũng chả biết nghịch ngợm kiểu gì cho ra hồn: Đứa lớn bắt nạt đứa bé. Nghịch đất nghịch cát, nghịch nước ruộng nước ao rồi đuổi bắt nhau, tắm ao tắm hồ tắm sông tắm đầm được một lúc là thế nào cũng chí chóe.
Lúc đi chăn trâu, thế nào cũng thả cho trâu ăn lúa nhà người ta. Mùa hè nắng nóng lúc nào cũng đánh trần trùng trục, xuống đầm xuống ruộng bắt cua bắt cá, bắt cà ra, cáy, rạm chán rồi thì rủ nhau chia hai bên ném nhau, gọi là chiến đấu. Hết đánh Khăng lại kéo nhau về sân đình làng đánh đáo, chơi không lúc nào ngưng nghỉ.
Bọn tôi hay kéo nhau đi đẵn tre dọc bờ đê lấy những cây già về làm diều. Quê tôi nổi tiếng có nhiều đội diều. Mỗi tổ mỗi đội hợp tác có một đội dăm ba tay diều. Các tay nghiện chơi thường kết nhau thành đội. Đội nào chơi diều gì diều gì theo sở thích đội ấy.
Những người lớn, có kinh nghiệm nhiều năm rủ nhau làm diều to, chơi thứ diều đeo cả chục ống sáo. Cánh diều dài cả chục sải. Dây diều vót bằng tre, khoanh thành từng bó.
Mỗi lần thả diều là cả một công trình. Hơn chục trai làng được huy động khiêng diều ra đồng, rồi khiêng diều lên “bệ phóng”. Những người phụ trách là mấy lão nông chỉ huy.
Nào cọc, nào dây kích rích lắm. Cánh choai choai vác cuộn dây chạy theo, khi diều được các bô lão chằng buộc đúng kiểu rồi thì ba bốn chàng trai xúm lại một hai ba nào, cùng lúc đẩy diều lên trời.
Thả diều lớn phải chọn ngày giờ, đúng lúc gió lộng, diều mới ăn no gió căng, sáo kêu ù ù oa oa oa khiến cả làng reo hò. Diều “đại tướng” ấy hôm nào thả là cả một sự kiện lớn của xã của cả vùng.
Thú thả diều ở đồng bằng Bắc Bộ có phong trào rất lâu đời. Những năm sau thập kỷ 1950 trở đi, trong cái khoảnh khắc thời bình của thế kỷ trước mới thực sự là nổi trội hơn cả. Năm nào cũng vậy, làng xã quê tôi chơi pháo đất, đèn giời, thả diều, mùa nào trò ấy.
Thời bình, quê tôi lễ hội nhiều, mặc dù hồi ấy còn thiếu đói, nhưng làng tôi rất xôm trò. Nhưng trò chơi vật có lẽ sôi nổi nhất. Các trai tráng tối tối rủ nhau ra sân kho hợp tác tập luyện. Tôi thường hay đầu têu bọn trẻ con, chia nhau từng nhóm lập thành các “đô vật” như người lớn.
Tôi thấp bé nhẹ cân nên nhận vai trọng tài. Trọng tài tất nhiên thế nào chả có màn thiên vị. Vì thiên vị nên kết cục là cãi cọ ẩu đả. Ẩu đả loạn xị ngầu xong là tự giải tán, không thì cũng phải có đứa nào đó nghĩ cách chơi trò khác.
Tôi lại nghĩ ra trò chạy “việt giã” . Thực ra chúng tôi chả hiểu chạy việt giã là gì. Nhưng cứ gọi thế cho oai. Vì trong đám bạn, tôi có thằng Khang thân nhất. Nó cao kều, tôi chỉ cao tới nách nó. Nhưng tính nó hiền, thậm chí hơi tồ. Nó hay nhường nhịn tôi. Làm gì nó cũng nhìn tôi xong rồi mới vào việc.
Chạy đua thì thôi rồi, nó vốn chân dài, một bước nó bằng hai ba bước tôi. Tôi bảo nó trước, hôm nay tao phải thắng. Nó cười cười giả chạy được một tí là kêu đau đầu gối. Tôi phất cờ hô cho nó tạt vào lề đường, còn tất cả ào lên.
Từ khi tôi hô “xuất phát”, thế là cả lũ cắm đầu chạy. Thằng Khang khuỵu xuống lần nữa nhăn nhó. Tôi đã bảo tôi sẽ phải thắng mới được mà. Tôi vượt lên và tất nhiên tôi thắng! Tôi vừa là người đua vừa là kẻ phất cờ trọng tài. Tất nhiên thắng phải thuộc về tôi!
Đa số các cuộc đua khác, chúng tôi cứ chạy được chừng mươi mười lăm mét là bắt đầu gào thét, đẩy nhau ngã. Riêng thằng Khang thằng Thướng chạy một mạch. Chúng nó cắm cổ chạy ào qua các vật cản mà tôi lấy cành cây đặt dọc đường đua. Tôi biết thằng Khang ghét thằng Thướng nhưng tôi về phe Khang. Thế là thằng Thướng bẹo tai tôi rồi nó “phong” cho tôi cái biệt danh là “thằng Xồm”.
Ở làng tôi, mấy năm trước đó hồi còn Tây, được gọi là làng tề. Làng tề có cái bốt Tây giữa cánh đồng, thằng Tây đồn trưởng có bộ râu rất gớm ghiếc.
Nó hay cùng bọn lính người địa phương vào làng gây sự, bắt gà, vịt, ngan ngỗng. Dân làng ghét và sợ, sau đó hắn và cái đồn của hắn bị du kích đánh một trận chạy tóe khói. Chạy sang tít bên kia sông Hóa, đất Thái Bình. Thằng Tây râu xồm ấy để lại cái tiếng xấu, mà ai cũng ghét.
Cứ ghét ai người ta đều gọi người đó là xồm. Tôi bị gán cho cái tên “Xồm” của hắn. Tôi phải mang cái tên ấy, oan to mà không ai giải cho tôi. Mãi đến khi đi học, cái tên cu Xồm thường gọi mới được xóa, được thay vào đó là tên tôi mang bây giờ!
Tôi và các bạn cùng trang lứa lớn lên trong ngôi làng Sưa trù phú, nhỏ bé bên dòng sông với trăm ngàn niềm vui, trăm ngàn sự cố của cái khoảnh khắc hòa bình đầu tiên sau khi quân Pháp cuốn gói. Một đất nước không có tiếng súng, không có bóng giặc.
Ngoài chuyện toàn dân ta buổi đầu hưởng hòa bình háo hức của một chế độ Việt Nam - dân chủ - cộng- hòa còn non trẻ, nhưng trên toàn cõi thôn quê miền Bắc đến đâu ta cũng gặp cảnh sinh hoạt rộn ràng.
Đội thiêu niên, tức bọn trẻ con như tôi, tối nào cũng đàn đàn lũ lũ xếp hàng một đi vòng quanh làng, đánh trống ếch, gõ thanh la, hô khẩu hiệu, hát tập thể, ngợi ca cuộc sống mới tưng bừng. Ở sân kho hợp tác các ông các bà nam phụ lão ấu thảy đều nắm tay nhau múa hát “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa… hay dân Trung hoa hát ca hòa bình…”. Chúng tôi cứ thế hát, ào ào không thấy mệt.
Đặc biệt ở thôn quê hồi ấy có phong trào tổ đổi công rồi tiến lên hợp tác xã bắt đầu với niềm vui cuồng nhiệt của những người nông dân bần cố bao đời nay đói nghèo, đa số chưa hiểu gì làm chủ, chưa có mấy ai biết tập thể, tập đoàn. Đến khi được làm ăn tập thể tập đoàn, rất háo hức.
Từ cảnh hai bàn tay trắng không có ruộng vườn, đất đai nhà cửa được chia từ chỗ của những nhà bị quy là địa chủ, phú nông. Họ được nhiều thứ mà xưa nay không thể hình dung được và thế là các bài hát ca ngợi cuộc sống mới rộn ràng. “Ai ơi bưng bát cơm đầy” rồi “Từ nay có độc lập có ruộng có trâu…” là có thật.
Cũng trong thời gian đó, các nhà bị quy là địa chủ phú nông đều bị bắt bớ, đấu tố, thậm chí bị rủa xả thậm tệ. Bọn trẻ nhóc như tôi cũng chả biết gì, cứ như đàn cá mương, người lớn hô khẩu hiệu gì là hua húa hô theo.
Cảnh ông T, bị truy là địa chủ, trẫm mình, xác nổi trên sông, được người ta kéo vào bờ, rồi cảnh ông Y, em ông T nhảy từ trên đầu chái nhà tầng ba căn lầu của ông ta xuống đúng giữa cái chiếu hoa, nơi vợ con ông ngồi khóc trước khi ông ta leo lên để chết!
Chuyện thật kinh hoàng ấy ám ảnh tôi mãi sau này. Rồi chuyện ông địa chủ K đã bị bắt, đã có lệnh của “đội” trưa mai sẽ bị đưa ra xử bắn thì tối hôm nay, có ông em là cán bộ gì to của một đơn vị bộ đội rất to về giải cứu… thoát chết. Chuyện ấy cũng thật nhiều, đến giờ vẫn còn có nhiều người nhắc lại…
Những chuyện tôi vừa kể ra là vào nửa cuối những năm 50 thế kỷ trước.