| Hotline: 0983.970.780

Quên - một kỹ năng cần thiết để hạnh phúc

Thứ Bảy 31/08/2019 , 09:10 (GMT+7)

Hầu hết các nhà bác học đều mắc bệnh “đãng trí bác học”. Chính vì họ dành tất cả tâm trí cho công việc sáng tạo nên quên đi những cái nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Hình mang tính minh họa.

Một lần, Edison, người phát minh ra bóng đèn điện đầu tiên bị mời đến cục thuế. Khi người ta hỏi: "Tên ông là gì?”, ông ngẩn người nghĩ mãi không ra tên mình. Không ít vĩ nhân thường đãng trí như thế. Bởi vì bộ não người cũng như "ổ cứng" máy tính chỉ có dung lượng nhất định. Đã nhớ cái này, tất phải quên bớt cái kia.

Chúng ta chẳng phải vĩ nhân nhưng đôi khi cũng cần phải biết quên. Nhất là với đàn ông, càng không nên nhớ những cái nhỏ nhặt, không cần thiết. Không thì đầu anh sẽ thành cái thùng rác đựng mọi thứ tả-pí-lù. Đàn ông nhớ dai những cái đó thường bị chê là đầu óc “tủn mủn”. Vì thế người đàn ông cần phải có thao tác quên một cách chủ động, nghĩa là quên một cách có ý thức, giúp ta tiết kiệm được năng lượng trí tuệ, giảm bớt gánh nặng cho bộ não.

Có như thế mới giúp ta tập trung tinh lực vào những việc trong đại để làm nên sự nghiệp. Cho nên nhiều người đàn ông hay bị vợ chê là “vô tâm vô tính”, là “nói trước quên sau”, có khi lại chính là những người đang dồn hết tâm lực vào một việc lớn nào đó và dĩ nhiên anh ta quên khuấy những việc khác, quên cả ngày cưới hay ngày sinh nhật vợ. Bởi thế đừng thấy những anh hay quên mà coi thường. Có khi đó chính là những gã “tầm cỡ" đấy!

Tại sao có những người lúc nào cũng ủ rũ với bộ mặt mà bạn bè gọi là “thần đau khổ”? Chính vì anh đó nhớ quá dai những điều buồn phiền trong quá khứ. Có anh không sao quên được thất bại trong tình yêu từ thuở đầu đời, đến hàng chục năm sau vẫn dị ứng với phụ nữ. Có anh trong đầu chứa toàn những mưu mô “đấu đá” ở cơ quan, những nỗi buồn phiền muôn thuở về gia đình, những tình đời đen bạc, những phản trắc lọc lừa... Người như thế rất khó có thể sống hạnh phúc được. Đó là chưa kể đầu óc anh ta luôn bị chi phối bởi những cái lặt vặt đó, khiến cho lúc nào cũng khó đăm đăm, làm cho người chung sống với anh ta cũng chẳng thể thanh thản được.

Tôi biết một ông có vợ ngoại tình cách đây đã gần hai mươi năm. Hồi đó, bất chợt anh ta ở cơ quan về nhà giữa buổi, bắt gặp một người bạn đang hôn vợ mình trong phòng khách. Lần ấy, anh tức giận lắm nhất quyết đòi ly hôn. Nhưng sau nhờ có bạn bè hoà giải, cô vợ cũng biết lỗi đã thực sự hối cải và từ đó cắt đứt hoàn toàn quan hệ vói người kia vậy mà sau bao nhiêu năm, anh ta không thể nào quên được chuyện đó, sống hững hờ với vợ cho đến tận bây giờ. Chẳng những thế, bất cứ có thời cơ nào, nhân một tình tiết trong phim ảnh gì đó, anh ta cũng tận dụng để đay nghiến vợ. Tuy họ không ly hôn nhưng sống với nhau để hành hạ nhau đến hết đời.

Lại một anh khác có người vợ trót nói hỗn láo với bố chồng một câu gì đó, khiến ông cụ giận lắm. Sau đó ít hôm, người vợ hối hận đã thực lòng xin lỗi bố chồng và ông cụ cũng không để bụng nữa. Nhưng người chồng không bao giờ quên được câu nói đó. Hơn mười năm sau, anh ta vẫn đối xử lạnh nhạt với vợ. Có lần anh còn bảo, câu nói đó, anh "sống để dạ, chết mang đi". Trong gia đình anh, lúc nào cũng bao phủ một bầu không khí u ám nặng nề. Cuối cùng chị phải chia tay. Chắc đâu anh đã tìm dược người vợ tốt hơn ?

Thực ra trong cuộc đời, ai cũng có những nỗi buồn, nỗi hận do lỗi của mình hay người khác xúc phạm mình. Nhưng nếu không bao giờ quên đi được, cứ tích tụ mãi trong lòng sẽ làm huỷ hoại niềm vui sống của chính mình. Nghệ thuật sống là đôi khi phải biết quên đi những nỗi buồn đau trong quá khứ để vui sống với hiện tại và nghĩ đến tương lai.

Tagore là một nhà thơ lớn người Ấn Độ. Có thời gian trong vòng chưa đầy 5 năm, ông phải hứng chịu những nỗi bất hạnh cực kỳ lớn, 5 người thân yêu của ông lần lượt mất đi. Nhiều người rơi vào hoàn cảnh này có lẽ không gượng dậy được. Nhưng Tagore đã không gục ngã trước những nỗi bất hạnh to lớn ấy, vẫn lao vào say mê sáng tác và ngày 13/11/1913, tập “Thơ Dâng” của ông được thế giới trao tặng giải thưởng Nobel văn học, một vinh dự vô cùng lớn. Có thể nói, có những năm tháng của đời ông, đau khổ đến tột cùng và vinh quang cũng tột đỉnh.

Các nhà tâm lý học cho rằng phương pháp hiệu nghiệm nhất để khắc phục những nỗi đau trong cuộc đời là không nên tiếc nuối mãi một cái gì đã qua dù là rất quý. Phải biết quên đi những cái nên quên, chuyển hết tâm trí sang những việc mà mình có thể làm được. Đây là phương pháp hiệu quả mà chính Tagore đã làm nên tên tuổi để đời.

Người hạnh phúc đâu phải là người không bao giờ gặp bất hạnh trong đời nhưng đại trượng phu biết tập trung năng lượng trí tuệ vào những điều đang và sắp tới để mở lòng đón nhận những niềm vui mới cho mình.

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất