| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: [Kỳ cuối] Quét sạch Phân khu đông

Thứ Sáu 07/05/2021 , 05:30 (GMT+7)

Để chuẩn bị mở đợt tổng công kích cuối cùng, Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ cho các đơn vị, trong đó Đại đoàn 304 siết chặt vòng vây quanh Hồng Cúm.

“Tôi là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9 chỉ huy đánh Điện Biên Phủ. Vinh dự cho Trung đoàn 9 là được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống tận đơn vị giao nhiệm vụ và động viên trước khi bước vào chiến dịch”.

Trung tướng Trần Thanh Từ mở đầu câu chuyện với tôi như vậy khi nhắc đến Điện Biên Phủ. Vị lão tướng tự trách mình vì tuổi tác cao giờ ông đã quên hầu hết những chuyện cụ thể. Trầm ngâm trong vài phút mà ký ức không trở lại, ông chảy nước mắt: “Lâu quá rồi. Quên hết rồi”.

Trung tướng Trần Thanh Từ. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Trung tướng Trần Thanh Từ. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Bao vây "con nhím" Hồng Cúm

May mắn cho tôi là trong các tài liệu lịch sử lại ghi khá đầy đủ và chi tiết về Trung đoàn 9 khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung tướng Trần Thanh Từ là Trung đoàn trưởng cuối cùng còn tại thế, năm nay ông tròn 100 tuổi đời và đơn vị ông cũng là trung đoàn cuối cùng lên Điện Biên Phủ để tham gia đợt tấn công cuối cùng kết thúc chiến dịch. Ngày 25/4/1954, Trung đoàn 9 có mặt ở phía tây Hồng Cúm cùng Trung đoàn 57 bao vây cụm cứ điểm này.

Để chuẩn bị mở đợt tổng công kích cuối cùng, Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ cho các đơn vị, trong đó Đại đoàn 304 siết chặt vòng vây quanh Hồng Cúm. Tập kích cụm pháo binh của địch. Tiêu diệt khu C. Trung đoàn 9 của Đại đoàn 304 phối hợp với Đại đoàn 316 và 312 tiêu diệt các cứ điểm C2 và A1.

Đến ngày 31/4, hai mũi chiến hào của ta đã thọc sâu vào trung tâm các cứ điểm B, C, cách có 200m. Tiểu đoàn 400 (Trung đoàn 9) cũng chọc thẳng một mũi vào cứ điểm Nà Noọng nằm về phía tây bắc khu trung tâm Mường Thanh, cách sở chỉ huy tướng Đờ Cát 300m. Các nhà viết sách lịch sử quân sự bình luận: Đánh lấn vào đây, tiểu đoàn 400 như một mũi dao thọc vào gáy cơ quan đầu não Điện Biên Phủ.

C2 và A1 là điểm cao mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ. Trung đoàn 9 được giao nhiệm vụ phối hợp khiến cho mọi người sôi nổi trao đổi ý kiến. Đúng như ký ức của Trung tướng Trần Thanh Từ sau gần 70 năm nhớ lại, trong khi mọi người đang sôi nổi bàn tán thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào và tươi cười hỏi: “Trung đoàn 9 của 304 còn thắc mắc gì nữa không?”.

Trung đoàn trưởng đỏ mặt trả lời: “Báo cáo anh... giờ được đánh đúng chỗ hiểm của địch, đâu còn dám thắc mắc gì nữa! Vinh dự lắm rồi ạ!”.

“Đại tướng bắt tay Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 và cười. Mọi người cùng cười vui vẻ. Ngay hôm sau, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 hướng dẫn kế hoạch cho Tiểu đoàn 375 phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 tiến công vào C2” – Tư liệu lịch sử ghi rõ.

Quân ta tổng công kích vào Mường Thanh.

Quân ta tổng công kích vào Mường Thanh.

Phá chốt cuối cùng

Cứ điểm C2 còn gọi là đồi Châu Ún nằm trong hệ thống phòng ngự ở Phân khu đông. C2 nằm lọt giữa hai cứ điểm C1 và A1. Trong đợt tiến công trước, Trung đoàn 98 đã chiến đấu vô cùng anh dũng, ta và địch đã giành đi giật lại nhiều lần, hiện địch đang chống giữ. Nếu đợt này tiêu diệt được C2 và A1, điểm tựa cuối cùng của Pháp, thì quân ta thọc sâu dễ dàng vào khu trung tâm Mường Thanh, đánh thẳng vào đầu não chỉ huy giặc ở Điện Biên Phủ.

Quân Pháp tại Hồng Cúm ra hàng. Ảnh: Tư liệu.

Quân Pháp tại Hồng Cúm ra hàng. Ảnh: Tư liệu.

Đúng 20h30 ngày 6/5, cuộc tiến công vào C2 bắt đầu. Trong khi toàn bộ quân giặc ở A1 bị Trung đoàn 174 diệt gọn vào lúc 4h sáng, C2 bị cô lập nhưng quân Pháp vẫn cố sức chống giữ vì đây là cái chốt cuối cùng còn lại của khu đông.

Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 mở nhiều đợt xung phong chiếm C2, nhưng địch tập trung lực lượng phản kích rất quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ 215 chiến đấu kiên cường, người trước ngã, người sau tiến lên. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, lực lượng tiểu đoàn 215 hao hụt dần, địch chiếm được 1/3 cứ điểm C2. Trong lúc Bộ Tư lệnh Đại đoàn 316 cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn 9 đang trao đổi tình hình thì từ đầu dây phía sở chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc:

“Phải đánh nhanh, mạnh, cắt địch ra từng mảng. Trong lúc này, cán bộ chỉ huy phải thật kiên cường! Sẽ chi viện cho các đồng chí hai trăm quả pháo 105 đấy”.

Sở chỉ huy Đại đoàn đón nhận ý kiến của Đại tướng như một mệnh lệnh: “Phải diệt C2 không cho địch chiếm lại khu đông”. Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba quyết định: Tiểu đoàn 215 củng cố trận địa tại chỗ, Tiểu đoàn 375 của Trung đoàn 9 bước vào chiến đấu.

Trung đoàn trưởng Trần Thanh Từ nắm chặt tay Trung đoàn trưởng 98 Vũ Lăng: “Xin anh đừng lo! Chúng tôi sẽ dốc toàn lực tiêu diệt C2, dù chỉ còn một người để cắm lá cờ trên nóc C2 cũng quyết tâm thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng”.

Pháo địch từ Mường Thanh bắn chặn dữ dội. Địch dùng bộ binh và 2 xe tăng ba lần phản xung phong nhưng đều bị Trung đoàn 9 đánh bật trở lại.

Bộ tư lệnh Đại đoàn 304 thức suốt đêm theo dõi các đơn vị kiềm chế pháo địch ở Hồng Cúm và tình hình diễn biến ở C2. Đến 7 giờ sáng, Chính ủy Lê Chưởng tươi cười báo tin: “Đồn Châu Ún, cứ điểm cuối cùng của địch bị ta diệt rồi! Toàn bộ địch ở khu đông bị quét sạch”.

Trung đoàn trưởng Trần Thanh Từ buộc địch trong cứ điểm C2 phải lếch thếch ra hàng.

Được đặt tên đường tại quê hương

Trung tướng Trần Thanh Từ sinh năm 1922 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là một sĩ quan cao cấp, đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong quân đội: Tham mưu trưởng Cục Hải quân (nay là Quân chủng Hải quân), Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc, Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Phó Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà thuộc Quân khu 5, Phó Tư lệnh Quân khu 3, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), được thăng quân hàm Trung tướng (1986).

Ghi nhận công lao đóng góp của Trung tướng Trần Thanh Từ, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Tên Trần Thanh Từ đã được đặt cho 1 đường phố tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế quê hương ông từ nhiều năm nay.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.