| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội bàn giải pháp tiêu thụ nông sản

Thứ Hai 08/06/2015 , 20:26 (GMT+7)

Ngày 8/6, thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH, hầu hết ĐBQH đều quan tâm đến khó khăn trong tiêu thụ nông sản và tập trung thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ…

Làm gì để tiêu thụ nông sản?

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn luôn là khu vực thiệt thòi nhất mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Ngay trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã thâm hụt lớn, chủ yếu do sức cạnh tranh những mặt hàng chủ lực nông sản giảm trong bối cảnh tiền đồng lên giá so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia… khiến nhiều mặt hàng nông sản mất giá, mất thị trường.

Lo ngại nền kinh tế sẽ trượt sâu hơn nếu Chính phủ không kịp thời có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản, ĐB Đồng đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các bộ có liên quan sớm đưa ra một bản kế hoạch để nâng cao chất lượng, giá cả và thương hiệu Việt. Trước mắt, đối với những thị trường đã kí kết hiệp định thương mại như Liên minh thuế quan Nga – Kazakstan - Belarus, Hàn Quốc thì phải có phương án cụ thể thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Cũng quan tâm đến giải pháp tháo gỡ cho nông sản, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, các giải pháp kinh tế được Chính phủ đề ra còn quá nặng yếu tố vĩ mô. Để giải quyết đầu ra cho nông sản ông đề nghị tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu vật nuôi cây trồng phù hợp. Ví dụ thị trường cần ăn ngon thì trồng lúa dài ngày chất lượng cao, thị trường cần ăn no thì trồng lúa ngắn ngày để xuất khẩu.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, giá các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng chênh lệch với các quốc gia trên thế giới do thua kém về chất lượng. Thêm vào đó những sản phẩm nông nghiệp có uy tín ngày càng ít đi.

Nói phải đi đôi với làm

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết Chính phủ có rất nhiều chính sách tốt hợp lòng dân nhưng triển khai chậm nên người dân thiếu tin tưởng. Như gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng từng được người thu nhập thấp hy vọng có nhà, dù Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tâm huyết quyết tâm, nhưng đến nay mới giải ngân được 20%. 

Hay gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, Chính phủ quyết tâm, Bộ NN-PTNT, NHNN nỗ lực, nhưng theo báo cáo của MTTQ, mới có 2 tàu đóng mới giải ngân xong. Vì sao chủ trương khi bàn thì được tất cả ủng hộ mà thực hiện chậm thế? Quốc hội và Chính phủ ra nghị quyết rất đúng, thảo luận rất hay nhưng đến khi triển khai thực hiện thì nói lại chưa đi đôi với làm.

Theo bà Tuyết, Chính phủ cần vạch ra những chính sách dài hơi hơn như dự báo, đưa công nghệ vào để có những sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thành lập chuỗi liên ngành đặc biệt là hệ thống phân phối nông sản… bởi nếu không giải quyết tốt những nội dung này thì việc hội nhập kinh tế sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại trở thành gánh nặng lớn.

Tập trung hỗ trợ DN nông nghiệp

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), khu vực sản xuất nội địa hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, số DN nội địa phá sản vẫn còn nhiều.

Trong lĩnh vực nông nghiệp thì năng lực chế biến của DN còn rất yếu vì vậy mà chúng ta chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản sơ chế trong khi đó lại nhập linh kiện lắp ráp, gia công và nhập đầu vào cho nông nghiệp.

Theo ĐB Nghĩa, cơ cấu xuất nhập khẩu như vậy chỉ phục vụ cho một nền kinh tế thụ động. Vì vậy Chính phủ cần phải tập trung hỗ trợ cho DN nông nghiệp, nâng cao năng lực chế biến nông sản.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cho rằng hệ thống DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn quá mỏng. Thực trạng DN của ngành nông nghiệp đang phản ánh đúng chính sách phân bổ nguồn lực của Chính phủ vì vậy cần phải có sự đánh giá lại nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho DN nông nghiệp.

Ngắn hạn, trung hạn phải đầu tư KHCN

Với kinh nghiệm công tác trong ngành nông nghiệp nhiều năm, ĐB Phùng Đức Tiến cho rằng đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị nông sản Việt Nam hiện nay còn quá thấp, chỉ đạt khoảng 30%, trong khi các nước đạt tới 60% vì vậy nông sản Việt Nam cần được đầu tư thỏa đáng về ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến mới có thể cạnh tranh.

Đề cập đến khả năng cạnh tranh khi hội nhập TTP, ĐB Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi trước QH “chúng ta đang đứng trước cơ hội hay thách thức?”.

17-44-20-1-trn-hong-ngn-tphcm-img-9620-copy-1185939995
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Không bàn sâu vào những tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, ĐB Ngân đi thẳng vào nội dung chính mà theo ông là vô cùng cấp thiết, cần được ưu tiên đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đó là Quốc hội cần phải ra Nghị quyết ưu tiên cho công nghiệp hóa, tri thức hóa ngành nông nghiệp trong ngắn hạn và trung hạn. Đây là con đường duy nhất để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam khi bước vào hội nhập.

Ông Ngân cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên đặc biệt đến quy hoạch vì chỉ có quy hoạch mới giải quyết được bài toán cung cầu đồng thời quan tâm tạo vốn hỗ trợ trung và dài hạn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi hiện nay các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn trung hạn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Ngư dân đang hưởng lợi 

Phát biểu về chính sách hỗ trợ ngư dân theo nghị quyết QH, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì mặc dù thời gian xây dựng và triển khai Nghị định 67 khá nhanh (sau khi QH ra Nghị quyết chưa đầy 1 tháng Chính phủ đã ra Nghị định 67 để triển khai) nhưng Nghị định 67 vẫn được thiết kế khá toàn diện, đồng bộ cả về đầu tư hạ tầng và hỗ trợ ngư dân.

Về đầu tư hạ tầng chính sách bao gồm xây dựng các hạng mục như: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá… 

Về chính sách hỗ trợ khuyến khích ngư dân bám biển bao gồm: miễn giảm phí thuế trước bạ, hỗ trợ chi phí duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo thuyền viên, hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm cho thuyền viên; hỗ trợ chi phí cho tàu hậu cần nghề cá hai chiều, hỗ trợ tàu nâng cấp và tàu đóng mới. Trong đó chính sách tập trung hỗ trợ tàu công suất lớn vỏ thép, vỏ vật liệu mới. 

Cụ thể tàu lớn vỏ thép với công suất lớn hơn 800 CV có thể vay từ 90-95% tổng giá trị tàu với lãi suất ưu đãi mà ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1-2%/năm trong suốt 11 năm. Ngoài ra để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, khi vay vốn ngư dân không cần tài sản thế chấp mà có thể thế chấp ngay từ giá trị con tàu hình thành từ vốn vay. 

Vì vậy, tính đến ngày 21/5, số lượng ngư dân đăng kí vay vốn theo chính sách để đóng tàu đã lên tới 648 tàu: trong đó tàu lớn hơn 800 CV xấp xỉ 60%, 50% số tàu đăng kí là tàu vỏ thép. Hiện, đã kí hợp đồng được 52 tàu với giá trị trên 500 tỉ đồng và đã giải ngân trên 100 tỉ đồng trong đó 10 tàu được giải ngân trên 50% và 2 tàu đã giải ngân xong và đang tiếp tục giải ngân nhiều tàu khác.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất