| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội chất vấn các tư lệnh ngành

Thứ Ba 19/11/2013 , 09:48 (GMT+7)

Ngoài các Bộ trưởng: NN-PTNT, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông và Chánh án TANDTC sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, còn có 28 ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn; 17 ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn.

Theo tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/11, ngoài các Bộ trưởng: NN-PTNT, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông và Chánh án TANDTC sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, còn có 28 ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn; 17 ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn.


Các ĐBQH đặt câu hỏi

Các Bộ trưởng: LĐ-TB&XH, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Xây dựng, Tài chính, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng có từ 1-3 ĐB đề nghị chất vấn trong kỳ họp này.

Đặc biệt, có hơn 35 câu hỏi mà các ĐB quan tâm được gửi tới Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề như hiệu quả gói kích cầu, hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước, chính sách hỗ trợ lãi suất, giáo dục, giao thông, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề xóa đói giảm nghèo, cải cách hành chính, kết quả thực hiện chính sách tam nông...

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Lo đời sống nông dân, thủy điện, bộ máy phình to

Hôm nay tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát những vấn đề liên quan đến đời sống của người lao động, nhất là người nông dân bao giờ hết khổ. Lý do bởi, họ là người làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nhưng lại chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Chúng ta có chấp nhận được không khi cùng một sản phẩm nhưng cách nhau vài chục km thôi mà giá cả đã chênh nhau mấy chục giá. Vì vậy, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ đầu tư về khoa học công nghệ, nhất là vấn đề lưu thông sản phẩm như thế nào để cuộc sống của người nông dân bớt khó khăn.

Tôi cũng quan tâm đến vấn đề thủy điện, nhất là các dự án thủy điện thiếu quy hoạch tại vùng hạ du đã khiến cho hàng ngàn ngôi nhà của người dân bị ngập sâu mỗi lần xả lũ. Thế nhưng lại không có bất kỳ cơ quan, đơn vị nào đứng ra đền bù cho dân cả.

Nếu cứ tiếp tục như thế này nữa, không biết lúc nào người dân miền Trung có cuộc sống ổn định, chứ nói gì đến chuyện giàu có. Tôi sẽ yêu cầu phải rà soát hơn 800 dự án thủy điện, đặc biệt phải quy trách nhiệm của người phê duyệt đầu tư, người thực hiện dự án và phải đền bù cho người dân bằng vật chất. Liên quan đến vấn đề này, tới đây Ủy ban Khoa học và Công nghệ của QH sẽ ban hành Nghị quyết về Thủy điện, sẽ nhấn mạnh về trách nhiệm của những người liên đới.

Song, theo tôi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ được các ĐB quan tâm nhiều nhất. Bởi vì hiệu quả của mọi việc đều bắt nguồn từ bộ máy, chọn người có chuyên môn hay không. Bộ máy cứ phình ra, tốn tiền ngân sách nhà nước nhưng năng lực có hạn sẽ là lý do dẫn đến tiêu cực. Việc này, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Nội vụ rất quan trọng vì là người trực tiếp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chọn người.

Nếu như các “tư lệnh” lấy lý do do hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay trả lời chung chung với những cụm từ “chúng tôi sẽ thực hiện” thì sau phiên chất vấn này, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đoàn giám sát những câu trả lời đó.

Riêng lĩnh vực Y tế, Công thương dù hai Bộ trưởng đó không đăng đàn nhưng vẫn phải cùng trả lời vì sẽ có nhiều câu hỏi liên đới. Và tôi tin, không chỉ có tôi mà có nhiều đại biểu khác cũng sẽ đặt câu hỏi đến hai Bộ trưởng này.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng): Cần trả lời thẳng, rành rọt

Ngày 28/11, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Tuy nhiên, tại buổi thảo luận tại hội trường ngày 18/11, vẫn còn nhiều ý kiến của ĐB muốn đóng góp, bổ sung. Theo Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý, quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất vẫn được giữ nguyên như các dự thảo trước.

Theo đó Nhà nước chỉ trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

Có một lĩnh vực mới được bổ sung vào dự thảo lần này là Quy định nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội và bổ sung quy định về giám sát hoạt động của Kiểm toán Nhà nước nhằm “thực hiện kiểm toán quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Chất vấn mà trả lời chung chung, nhiều khi chỉ dẫn lại những điều mà mình đã biết thì không giải quyết được vấn đề gì cả. Quan trọng là phải rành mạch, rõ ràng từ giải pháp đến lộ trình giải quyết. 

Theo tôi, cần đổi mới trong cách điều hành phiên chất vấn, chọn 1-2 việc nổi cộm mà ĐB quan tâm để đeo bám, truy tới cùng trách nhiệm, từ đó bật ra được giải pháp cần thiết, hiệu quả. Ngoài ra, QH cần phải có đoàn giám sát chuyên đề về các câu trả lời của các bộ trưởng đối với từng vấn đề. Với tư cách đại diện cử tri cả nước, kỳ này, ĐBQH mong muốn các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, rành rọt giải pháp nào sẽ thực hiện? Trong thời gian bao lâu? Chứ giải thích thì chúng tôi nghe nhiều lắm rồi.

* Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể là việc đầu tư cho 62 huyện nghèo. Cũng theo đại biểu Nga, những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương giúp các tỉnh nghèo, huyện nghèo vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân. Song tỷ lệ giảm nghèo tại nhiều vùng núi, huyện nghèo chưa đạt như mong muốn.

Đánh giá cao về công tác điều hành của Chính phủ cũng như mối quan tâm của Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng ĐB Lê Thị Dung (An Giang) phản ánh, chương trình xây kho, gửi lúa tín dụng cho bà con đã có, nhưng cử tri cho rằng tiến độ triển khai còn chậm. ĐB gửi mối quan tâm này tới Thủ tướng, mong muốn Chính phủ có cơ chế để chương trình xây kho, gửi lúa tín dụng được các doanh nghiệp, người dân hưởng ứng một cách nhanh chóng và có hiệu quả cao.

Chương trình các phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Ngày 19/11: Sáng: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu kết thúc phần báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Buổi chiều, sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ trả lời chất vấn (Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).

Ngày 20/11: Sáng: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tiếp tục trả lời chất vấn. Tiếp theo là đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn (Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục trả lời chất vấn. Tiếp theo là đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).

Ngày 21/11: Sáng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời chất vấn. Ngay sau là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời chất vấn (Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan).

Buổi chiều: Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục trả lời chất vấn. Từ 15h50 đến 16h45: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất