| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội thảo luận tình hình KT-XH: Tiền có bao nhiêu, phân bổ thế nào?

Thứ Hai 29/10/2018 , 18:14 (GMT+7)

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

ĐB Hoàng Quang Hàm

 Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020 cũng nằm trong nội dung phiên thảo luận.

Phát biểu đầu phiên buổi sáng, đại biểu Hoàng Quang Hàm khẳng định ngay: 2 năm còn lại, phương án phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn Chính phủ trình không đúng qui định của Luật Đầu tư công, dàn trải, kém hiệu quả, tạo cơ chế xin - cho. Chính phủ trình Quốc hội không có danh mục dự án và phân bổ (chia) vốn đầu tư của trung ương vượt số tiền có thể cân đối được, chia cả số tiền đã phân bổ cho các dự án trong kế hoạch trung hạn, đại biểu Hàm nhận xét.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ 2 năm còn lại tất cả các nguồn vốn bố trí để chi đầu tư của trung ương (từ nguồn thu, nguồn vay, nguồn thoái vốn, cổ phần…) chỉ được khoảng 414 ngàn tỷ (dự toán 2019 trình Quốc hội là 197 ngàn; dự kiến năm 2020 trên nền phấn đấu cao cũng chỉ được 217 ngàn). Cân đối 2 năm cho chi đầu tư đã rất nỗ lực nhưng chỉ được 414 ngàn thiếu gần 60 ngàn cho các dự án đã có danh mục, số vốn được phân bổ trong kế hoạch trung hạn (số vốn đã phân bổ khoảng 475 ngàn tỷ). Nếu sử dụng tiếp dự phòng của trung ương sẽ thiếu khoảng 150 ngàn tỷ.

Như vậy, theo phương án của Chính phủ thì các dự án đã được ghi tên và mức vốn cụ thể trong kế hoạch trung hạn phần ngân sách trung ương phải cắt giảm khoảng 60 ngàn tỷ. Nếu sử dụng tiếp dự phòng, các dự án này phải cắt giảm sâu hơn, khoảng 150 ngàn tỷ. Dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ, dàn trải đồng thời việc gá chân thêm vào kế hoạch các dự án mới làm tăng thêm mức độ dàn trải, vi phạm Luật đầu tư công, phá vỡ thành quả của việc cơ cấu lại chi đầu tư với thành tựu nổi bật là chống dàn trải, nợ đọng dựa trên nguyên tắc đã được luật định, chỉ quyết định dự án khi cân đối được nguồn và cách làm này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho giai đoạn sau, đại biểu Hàm nhấn mạnh.

Vẫn theo đại biểu Hàm thì đồng thời việc hợp thức hóa nhu cầu, bằng các cam kết bố trí vốn trong trung hạn, khi thực tế hàng năm không cân đối đủ nguồn sẽ tạo ra cơ chế xin – cho. Chưa kể việc bổ sung ODA 60 ngàn tỷ và điều chỉnh sang đầu tư từ ngân sách một số dự án PPP của tuyến đường ven biển, Chính phủ chưa cụ thể được phương án nguồn nên mức độ dàn trải, xin cho còn nặng nề hơn. Vì vậy, đại biểu Hàm cho rằng Chính phủ cần cân nhắc và nên lựa chọn 1 trong 2 phương án.

Phương án 1: Nếu Chính phủ vẫn giữ khả năng cân đối nguồn như đang trình, thì phải rà soát các dự án đã ghi tên, mức tiền để cắt giảm kế hoạch trung hạn đã giao cho các dự án không thể giải ngân hết vốn hoặc dự án mức độ cấp thiết ít nhất đồng thời sử dụng kế hoạch cắt giảm đó để bù cho các dự án đang triển khai bị thiếu nguồn, giành một phần để lập qui hoạch, triển khai các dự án cấp bách và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Chấp nhận một số dự án bị đình hoãn và không sử dụng dự phòng. Vì có phân bổ dự phòng cũng chỉ là cam kết không có tiền thực, làm lớn thêm số tiền được ghi vào trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương; không có ý nghĩa; thực tế các bộ, ngành, địa phương không được thêm tiền, vì hàng năm không cân đối được. Số dư của kế hoạch trung hạn do không đủ tiền để bố trí đến hết 2020 đương nhiên bị hủy bỏ, không chuyển được sang giai đoạn sau, vì đây không phải là kinh phí (tiền thật) còn dư để được chuyển nguồn.

Phương án 2: Nếu Chính phủ thấy nhất thiết phải thực hiện phân bổ theo phương án đang trình, thì phải cân đối thêm nguồn, bằng cách xin Quốc hội cho sử dụng tăng thu ngân sách trung ương 2019 - 2020 (nếu có), báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cổ phần hóa, thoái vốn đang dư tại Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (bản chất tiền này là của ngân sách), còn thiếu thì nới trần bội chi trên cơ sở giữ trần nợ công (hiện nay trần nợ công còn dư địa để tăng bội chi). Nếu không muốn nới trần bội chi có thể cắt giảm một chút để phù hợp với nguồn vốn cân đối được.

Quốc hội có thể giao Chính phủ tự rà soát, cắt giảm, bổ sung phù hợp với khả năng cân đối nguồn, tự thực hiện và chịu trách nhiệm hoặc xin Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau. Nhưng tuyệt đối phải đúng nguyên tắc "danh mục và tổng mức vốn của các dự án đưa vào trung hạn không quá số vốn có thể cân đối được trong 2 năm còn lại. Quốc hội phải biết tiền có bao nhiêu phân bổ như thế nào, vì Hiến định, Quốc hội quyết định ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương", đại biểu Hàm thể hiện rõ quan điểm.

Dự án BT đang bị biến tướng

Thảo luận về đầu tư công, Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng không ít dự án BT đang bị biến tướng thành cuộc giao dịch ngầm theo cơ chế xin - cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, gây thất thoát nguồn đầu tư công và tài sản công rất lớn.

"Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố gần đây có đến 90% dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu dù pháp luật có quy định cả hình thức đấu thầu công khai. Bên cạnh đó quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc”, ông Diến phát biểu.

ĐB Mai Sỹ Diến

Nhiều dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

Theo ĐB Diến việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách. Vậy, có nên tiếp tục thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không. Phải chăng phải có thể chế mới để siết lại kẽ hở trong quản lý, đề nghị Chính phủ cân nhắc và báo cáo Quốc hội.

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.