| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội trăn trở nền kinh tế

Thứ Ba 22/10/2013 , 09:50 (GMT+7)

Sáng 21/10, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6, khóa 13. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng đặc biệt là việc xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

+ Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế

+ Tăng đầu tư nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục…

Sáng 21/10, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6, khóa 13. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng đặc biệt là việc xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thị sát cánh đồng lúa và gặp gỡ nông dân xã Quân Bình, huyện Bạch Thông. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ: Kinh tế có bước phục hồi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội đã có bước chuyển tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động giảm. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu.

“Đây là những tiền đề rất quan trọng để tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận và có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, đồng bộ, tạo quyết tâm chính trị cao trong toàn dân để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho năm 2014 và những năm tiếp theo”, Chủ tịch QH nói.

Báo cáo trước QH về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định kinh tế đã có bước phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% vào năm 2012 và dự báo cả năm 2013 chỉ khoảng 7%.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kinh tế có bước phục hồi

9 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Thị trường trong nước tiếp tục phát triển. Hàng tồn kho giảm mạnh, chỉ số hàng tồn kho của ngành chế biến, chế tạo tại thời điểm tháng 9/3013 chỉ tăng 9,3% so với mức tăng 21,5% tại thời điểm tháng 1/2013.

Thủ tướng cũng cho biết trong thời gian qua Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để tái cơ cấu kinh tế và đạt kết quả bước đầu. Về đầu tư, đã kiểm soát chặt chẽ các dự án công trình khởi công mới, tránh đầu tư dàn trải đồng thời điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn đầu tư, tập trung vốn cho các công trình dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng ODA.

Về tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, trong năm 2012-2013 đã giảm 5 tổ chức tín dụng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể. Rút giấy phép 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại nhà nước, chuyển Quỹ tín dụng Nhân dân thành Ngân hàng Hợp tác xã…

Hiện thanh khoản đã được cải thiện, sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại được nâng lên đặc biệt đã đưa Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vào hoạt động xử lý nợ xấu, tốc độ tăng nợ xấu bình quân 8 tháng 2013 là 2,52% giảm so với cùng kì năm ngoái là 3,91%.

Trong những hạn chế yếu kém, Thủ tướng nhìn nhận sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nợ xấu còn cao (cuối tháng 8/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng nợ tín dụng là 4,64%), hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn. Phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu...

Việc triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược, theo Chính phủ còn chậm. Cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển. Một trong số các nguyên nhân của những hạn chế yếu kém được Thủ tướng nhấn mạnh là quản lý nhà nước còn nhiều mặt chưa tốt.

Với hai năm 2014-2015, Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát vẫn là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng... Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu được Chính phủ xác định cho năm sau là tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, CPI tăng khoảng 7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu khoảng 6%, bội chi ngân sách 5,3% GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu lạm phát, tăng dư nợ tín dụng phù hợp và đảm bảo chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, thúc đẩy thị trường vốn, thị trường chứng khoán...

Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013-2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần. Đồng thời phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Chính phủ sẽ sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2013-2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ tiếp tục tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế. Nâng cao năng lực quản trị và thoái vốn đầu tư ngoài ngành tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.

Năm 2014, Chính phủ cũng sẽ tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Tiếp tục cổ phần hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại quốc doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo.

Trong tái cơ cấu đầu tư, Chính phủ xác định sẽ tăng đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục… đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài. Thủ tướng cho biết sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo bước chuyển mạnh trong chuyển dịch cơ cấu. Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Lo lắng nợ xấu, thất nghiệp

Ghi nhận hoạt động nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH cho rằng bức tranh kinh tế - xã hội trong vòng 1-2 năm tới vẫn còn rất ảm đạm.

Vì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%). Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt.


Ông Nguyễn Văn Giàu: Nợ xấu, thất nghiệp nhiều, kinh tế còn rất khó khăn

Đây là giai đoạn kinh tế khó khăn và những lúc như thế này thì sản xuất nông nghiệp được đánh giá trụ đỡ của nền kinh tế tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.

Tình trạng sụt giảm mạnh cả về giá và số lượng tiêu thụ, nhất là các sản phẩm lúa, gạo, cá tra, cà phê trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống nông dân và tổng cầu của nền kinh tế.

Mặc dù báo cáo Chính phủ nhắc đến chỉ số tồn kho hàng hóa giảm nhưng theo UB Kinh tế Quốc hội thì trong đó có bộ phận do doanh nghiệp khó khăn thị trường buộc phải cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng đã diễn ra từ năm 2012 và tiếp tục kéo dài đến nay.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại (tổng số là 64.906 doanh nghiệp), 8 tháng đầu năm 2013 có xu hướng tăng dần, tuy nhiên vẫn không nhiều hơn đáng kể số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động (tổng số là 60.438 doanh nghiệp).

Với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa thỏa đáng.

Các doanh nghiệp hiện đang hoạt động vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, bắt đầu có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm và thu ngân sách nhà nước.

Việc tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; vốn cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội dự kiến với số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng đã triển khai nhưng số tiền giải ngân chương trình này còn ở mức rất thấp.

Trong lĩnh vực việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo Chính phủ là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định.

Bội chi ngân sách giảm từ mức 4,9% năm 2011 xuống 4,8% năm 2012 và dự kiến năm 2013 tăng lên 5,3%; ước thực hiện cả năm hụt thu cân đối ngân sách 59.430 tỷ đồng, dự báo 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết Quốc hội. Nhìn chung kinh tế vĩ mô chưa có các yếu tố bền vững, các yếu tố phi thị trường vẫn còn tiềm ẩn.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, nền kinh tế đứng trước thách thức: một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực; mặt khác nợ xấu, nợ đọng trong nền kinh tế bao gồm nợ xây dựng cơ bản của Nhà nước với doanh nghiệp, nợ thuế của doanh nghiệp với Nhà nước, nợ xấu của doanh nghiệp với ngân hàng thương mại, nợ đọng giữa các doanh nghiệp với nhau vẫn chưa được xác định cụ thể và theo nhận định là ở mức cao, cần thêm thời gian và nguồn lực để xử lý.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.