| Hotline: 0983.970.780

Quy chuẩn nước thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt vướng gì?

Thứ Ba 23/07/2019 , 08:43 (GMT+7)

Sau khi được Bộ NN-PTNT giao chủ trì soạn thảo xây dựng QCVN nước thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật về cơ bản hoàn thành dự thảo về mặt kỹ thuật, tuy nhiên lại đang gặp khó trong việc áp dụng chế tài quản lý, xử phạt.

15-06-24_seprtor-mctech-buer2
Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ

Theo quy định hiện hành, quy chuẩn nước thải trong chăn nuôi đang được căn cứ áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 08-MT:2015/BTNMT quy định về Chất lượng nước mặt và QCVN 62-MT:2016/BTNMT quy định về nước thải chăn nuôi.

Tuy nhiên, khi hai quy chuẩn này được ban hành, các cơ sở chăn nuôi phản ứng rất gay gắt vì các tiêu chí, chỉ tiêu quan trọng như BOD5, COD quy định quá cao, vượt xa nhiều lần so với cả những nước tiên tiến nhất trên thế giới, thiếu thực tế với điều kiện ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay, đặc biệt gây lãng phí nguồn phân bón hữu cơ vô cùng quý giá.

Do đó, nhằm giải quyết quản lý hiệu quả, bền vững nguồn chất thải lỏng trong chăn nuôi, tận dụng được nguồn dinh dưỡng hữu cơ phục vụ canh tác trong trồng trọt, Bộ NN-PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng QCVN nước thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho biết, ngay khi được Bộ phân công, với sự tham gia, giúp đỡ của các doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ từ Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), Cục Bảo vệ thưc vật phối hợp Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy lợi, Cục trồng trọt, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cùng các chuyên gia, nhà khoa học và một số doanh nghiệp, HTX trong chăn nuôi tiến hành đi thực tế khảo sát, đánh giá, đồng thời tham khảo các nguồn tài liệu từ các nước phát triển để xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho quy chuẩn.

Theo ông Dương, đây là một trong những QCVN có quy mô và tầm vóc lớn nhất từ trước tới nay mà Cục Bảo vệ thực vật từng tham gia xây dựng. Bởi một khi QCVN này được áp dụng vào cuộc sống sẽ là một hướng mở trong xử lý chất thải hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi to lớn cho các doanh nghiệp, HTX và hộ chăn nuôi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do nước thải trong chăn nuôi dùng trong trồng trọt không phải là phân bón nên dự thảo QCVN được hội đồng xây dựng theo hướng ban hành các thông số, giá trị giới hạn các chỉ tiêu nguy hại chứa trong nước thải, như: pHH2O, tỷ số hấp thụ Natri, Clorua, Asen, Cadimi, Coliform, Crom tổng số, thủy ngân, đồng, chì, E.Coli, Salmonella, trứng giun…

TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng Bộ môn Môi trường chăn nuôi (Viện Chăn nuôi) chia sẻ, ở một số nước, chất thải chăn nuôi được xem như nguồn tài nguyên chứ không phải là chất thải đơn thuần, bởi chất thải chăn nuôi chứa nhiều dinh dưỡng hữu ích cho cây trồng.

15-06-24_lcp
Chất thải chăn nuôi chứa nhiều dinh dưỡng hữu ích cho cây trồng.

Tuy nhiên, theo TS Trung, sử dụng lượng chất thải vượt quá nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng hay trong vùng địa hình, địa lý không phù hợp có nguy cơ rất lớn gây ô nhiễm nguồn nước, đất. Bên cạnh đó, một số chất tồn dư trong chăn nuôi như kháng sinh, hormone, kim loại nặng trong chất thải chăn nuôi nếu không được quản lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, thậm chí nhiễm vào chuỗi thực phẩm sử dụng cho con người nên việc quản lý chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng lề hết sức quan trọng và cẩn thiết.

PGS.TS Phạm Quang Hà, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp chia sẻ, kinh nghiệm quản lý nước thải trong chăn nuôi phục vụ trong trồng trọt tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy, cần phải phân loại và quy định rõ loại cây trồng được sử dụng, bản đồ vùng đất nào được sử dụng, khu vực nào cấm được sử dụng, liều lượng sử dụng trên một diện tích bao nhiêu là hợp lý cùng các chế tài quản lý nghiêm khắc như thanh tra, lấy mẫu, xử phạt, đóng cửa….

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương hoàn toàn tán thành, bởi nếu không có chế tài, cơ sở khoa học và quy trình quản lý bài bản, chặt chẽ rất có thể doanh nghiệp sẽ lợi dụng sự thông thoáng này để đổ nước thải ra môi trường thay vì phải xử lý theo QCVN 08 và 62 như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quý Dương, do lịch sử để lại khi Cục Bảo vệ thực vật được giao chủ trì soạn thảo quy chuẩn này Luật Chăn nuôi và Trồng trọt chưa ban hành, trong khi nước thải trong chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt lại không phải phân bón nên việc đưa quy chuẩn này áp dụng vào cuộc sống vẫn đang thiếu và vướng ở khâu pháp lý bởi không áp dụng được theo chương về phân bón trong Luật Trồng trọt.

Nhưng qua tìm hiểu của PV thì Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2018 và có hiệu lực vào đầu năm 2020 có hẳn Chương IV, Mục 2, Điều 59 quy định rất chi tiết quy định xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại.

Do đó, để QCVN về nước thải trong chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt có hiệu lực và áp dụng được vào trong thực tiễn, ngay từ bây giờ, khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chăn nuôi là Nghị định hoặc Thông tư hướng đẫn, Cục Chăn nuôi cần có quy định chi tiết các quy định, điều kiện được sử dụng nước thải chăn nuôi trong trồng trọt, quy định trình tự thủ tục cấp phép, thanh tra, đơn vị được phép thanh tra lấy mấu, đơn vị được xử phạt và mức xử phạt cụ thể theo từng khung cùng các chế tài khác kèm theo.

Tóm lại, khâu xây dựng QCVN về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trong chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt về mặt kỹ thuật không quá khó và Cục Bảo vệ thực vật đã cơ bản hoàn thiện, nhưng việc xây dựng các chế tài và quy định quản lý nhà nước cho QCVN này lại không hề đơn giản vì nó lại nằm trong Luật Chăn nuôi và lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT về vấn đề này để tìm hướng tháo gỡ.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Người dân thôn cao nhất Việt Nam háo hức trồng trúc xào

Cây nông nghiệp, đa mục đích - trúc xào - đang được người dân thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai) triển khai trồng diện rộng.