| Hotline: 0983.970.780

Quy định khảo nghiệm phân bón, chuyện không mới

Thứ Sáu 19/10/2018 , 09:45 (GMT+7)

Kể từ khi Nghị định 108 về quản lí phân bón được ban hành, các DN, cơ quan quản lí, hiệp hội và bà con nông dân đồng tình cao cách quản lí ngành hàng này, duy chỉ còn quy định khảo nghiệm phân bón (KNPB) còn ý kiến trái chiều.

Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung về vấn đề này.

20-48-37_cuc-truong-cuc-bvtv-hong-trung
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung


Chỉ khảo nghiệm phân bón mới

Dẫn chứng sai phạm trong công tác khảo nghiệm ở quá khứ, một số DN, chuyên gia cho rằng quy định KNPB tại Nghị định 108 và trong dự thảo Luật Trồng trọt gây khó khăn, tốn kém, lãng phí không cần thiết. Ông có thể cho biết KNPB hiện nay khác gì so với trước?

Trước hết phải khẳng định, việc phân bón phải khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành không phải quy định mới mẻ. Nghị định 113 năm 2003, Nghị định 191 năm 2007 và cả Nghị định 202 năm 2013 vẫn quy định phân bón chưa có trong danh mục phải khảo nghiệm trước khi công bố hợp quy.

Trong Nghị định 108 cũng như dự thảo Luật Trồng trọt đã quy định các loại phân bón không phải khảo nghiệm như các loại phân bón đơn, phân bón phức hợp, phân bón hữu cơ, phân bón đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo quan điểm kế thừa các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm đã tiến hành trước đây để tiết kiệm chi phí, thời gian không cần thiết.

Việc khảo nghiệm phân bón mới được SX, NK lần đầu tiên tại Việt Nam nhằm xác định hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế cũng như giá trị sử dụng đối với cây trồng, qua đó giúp nhà SX, nhà NK lựa chọn được phân bón tốt để đưa vào từng vùng SX, sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm, cân đối hơn để duy trì độ phì nhiêu của đất, tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. 

Vì vậy không thể nói KNPB là gây lãng phí. Khác với trước đây, việc kiểm soát chất lượng KNPB hiện nay làm căn cơ, bài bản và chặt chẽ: Thứ nhất, khảo nghiệm được tiến hành tại các tổ chức đã được công nhận đủ điều kiện. Thứ hai, đề cương khảo nghiệm phải được xem xét, đánh giá trước khi cho phép khảo nghiệm.

20-48-37_huong_dn_su_dung_phn_bon_phu_my_2
Ảnh minh họa

Khi khảo nghiệm, đề cương khảo nghiệm gửi cho các Sở NN-PTNT, nơi khảo nghiệm để phối hợp giám sát, đánh giá. Cuối cùng, kết quả khảo nghiệm phải được xem xét, đánh giá và phê duyệt một cách khách quan, khoa học bởi hội đồng chuyên môn mà các thành viên am hiểu chuyên sâu và rất có uy tín.

Như vậy, chỉ những phân bón thực sự hiệu quả, vượt trội mới được công nhận lưu hành để đưa vào SX, lưu thông và sử dụng.

Vừa qua, dư luận và các diễn đàn xôn xao với thông tin khảo nghiệm một loại phân bón mất hàng tỷ đồng khiến DN choáng váng. Ông có thể giải thích rõ quy trình KNPB thực hiện như thế nào và mức kinh phí bao nhiêu?

Như tôi đã nói ở trên, theo Nghị định 108, không phải tất cả phân bón mới đều phải khảo nghiệm. Còn về mặt khoa học, cần khẳng định không một phân bón nào với cùng phương thức sử dụng mà đem lại hiệu quả tốt cho tất cả các loại cây trồng ở các điều kiện sinh thái khác nhau.

Vì vậy, trên thế giới nhiều quốc gia sử dụng phân bón chuyên dùng, có nghĩa là một sản phẩm chỉ khuyến cáo sử dụng cho một đối tượng cây trồng hoặc một nhóm cây trồng trong điều kiện đất đai, canh tác cụ thể.

Theo Nghị định 108, phân bón phải  khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng. Khảo nghiệm diện rộng tiến hành sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp.

Để hoàn thành khảo nghiệm trước khi đăng ký lưu hành một loại phân bón mới cho một cây trồng nào đó, DN sẽ phải chi phí ước tính 90 - 130 triệu đồng cho 4 - 8 thí nghiệm khảo nghiệm tại 2 địa điểm khác nhau về loại đất.

Chi phí cụ thể phụ thuộc chủ yếu vào địa điểm và loại cây trồng mà DN yêu cầu khảo nghiệm. DN liên hệ trực tiếp với các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm đã được Cục BVTV công nhận để tham vấn, lựa chọn tổ chức khảo nghiệm phù hợp nhất về điều kiện, uy tín với chi phí hợp lý.
 

Không quản chặt từ đầu sẽ loạn

Thưa ông, nếu như Nghị định 202, phân bón được quản lý bằng hợp chuẩn, hợp quy, các Nghị định trước như 113 và 191 quản lý phân bón bằng danh mục, nhưng Nghị định 108 quản lý không giống các Nghị định trước?

Nghị định 108 xây dựng trên quan điểm vừa kế thừa các quy định trước đây vẫn còn phù hợp, khắc phục các tồn tại, bất cập không phù hợp với thực tiễn quản lý chất lượng phân bón giai đoạn hiện nay và định hướng phát triển của ngành giai đoạn tiếp theo.

Với phương thức quản lý trước đây, phân bón mới được phép lưu thông tràn lan, phát triển ồ ạt mà không được cơ quan nào thẩm định tính khoa học, xác thực và hiệu quả.

Tính đến hết tháng 9/2017, tổng số sản phẩm phân bón đã công bố hợp quy là 14.174 sản phẩm, riêng phân bón vô cơ nhận bàn giao từ Bộ Công Thương đã là 13.423 sản phẩm (chiếm 94,7%), phân bón hữu cơ 751 sản phẩm (5,3%).

20-48-37_sn_phm_phn_bon_phu_my_duoc_b_con_nong_dn_tin_tuong_lu_chon_7
Nghị định 108 ra đời với mục đích thiết lập lại thị trường phân bón phát triển bền vững (Ảnh minh họa

Đáng chú ý, đến tháng 1/2017 mới có 5.675 sản phẩm phân bón vô cơ có thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy được phép SX, lưu thông trên thị trường. Song chỉ 8 tháng sau (đến 20/9/2017, thời điểm Nghị định số 108/2017/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực) đã tăng thêm 7.748 sản phẩm phân bón vô cơ được phép SX, lưu thông trên thị trường.

Nghị định 202 trước đây quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khi chưa một quy chuẩn nào được ban hành, các tiêu chuẩn và văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa được hoàn thiện, do vậy quản lý phân bón chỉ bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa phù hợp lúc này.

Ông có hy vọng với các quy định trên, việc quản lý phân bón sẽ đi vào nề nếp?

Năng lực nội địa cung cứng phân bón đã vượt quá xa, gấp hơn 3 lần so nhu cầu. Các NM hiện có công suất 30 triệu tấn phân bón/năm, chưa kể NK trên 4 triệu tấn nữa, trong khi nhu cầu chỉ 10 - 11 triệu tấn.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng phân bón, bảo vệ quyền và lợi ích cho người nông dân, các DN làm ăn chân chính, đồng thời lập lại thị trường phân bón trong lúc này, Nghị định 108 đưa ra phương thức kiểm soát hiệu quả tất cả các khâu từ công nhận, khảo nghiệm, SX, kinh doanh, NK và quản lý chất lượng phân bón.

Trong đó, khảo nghiệm là khâu kỹ thuật quan trọng để tổ chức, cá nhân có phân bón chứng minh công dụng phân bón bằng khoa học, thực tiễn, đưa ra hướng dẫn để người dân dùng phân bón hợp lý, cân đối và hiệu quả. Từ đó sẽ hạn chế tình trạng hỗn loạn với hơn 20.000 tên thương mại và công thức phân bón, đặc biệt là phân NPK vô cơ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Cục BVTV, nếu chỉ quản lý hậu kiểm mà thiếu các thông tin, dữ liệu đầu vào với hơn 20.000 sản phẩm phân bón sẽ rất tốn kém, không khả thi do lượng sản phẩm đã quá lớn. Hơn nữa, rất khó trong việc truy xuất và không ngăn chặn được ngay từ gốc các hành vi SX, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, không giấy phép. Vì vậy quan điểm của Cục là quản lý chặt ngay từ đầu vào.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.

Bình luận mới nhất