| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch đất: Dân nghèo "mù" thông tin

Thứ Tư 27/03/2013 , 13:11 (GMT+7)

Đó là kết quả sau khi tham vấn hơn 1.300 người dân nghèo do Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức quốc tế Oxfam công bố.

Đó là kết quả sau khi tham vấn hơn 1.300 người dân nghèo do Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức quốc tế Oxfam công bố tại Hà Nội vừa qua.

Liên quan đến đất đai thì có hàng trăm văn bản, thông tư hướng dẫn, thế nhưng trong hơn 1.300 người dân gồm nông dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và 300 cán bộ chính quyền tại 22 xã thuộc 11 huyện của bốn tỉnh là Hòa Bình, Yên Bái, Long An và Quảng Bình thì rất nhiều người vẫn không được biết về các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Quá trình thực hiện thu hồi đất thiếu minh bạch, người dân không biết gì về các nhà đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, không được biết gì về phương án bồi thường, hỗ trợ, về nơi ở mới, trong khi tái định cư có tác động rất lớn đến cuộc sống hiện tại của họ.

Ông Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, cho hay, đây là điều khiến người dân hoang mang không yên tâm SX, thậm chí có những người dân phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương.

Cụ thể như tại xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), người dân đang rơi vào tình trạng này khi chính quyền cho thực hiện dự án hồ Trọng mà dân xã Quy Hậu đã không được thông báo về việc xây dựng và thu hồi, bồi thường mất đất như thế nào nên khi thấy cán bộ địa chính xã và các nhà thầu tiến hành đo đạc, người dân rất hoang mang và họ đã ngăn cản không cho triển khai dự án trên phần đất của họ.


Nông dân chỉ biết sống nhờ vào đất

Ngoài ra, giá đất do nhà nước quyết định thiếu thống nhất, giá đất xác định khi thu thuế về đất đai lại cao hơn giá đất xác định khi tính toán bồi thường đối với đất bị nhà nước thu hồi. Điều làm người dân bất bình nhất là mình được bồi thường, hỗ trợ rất ít nhưng nhà đầu tư lại được lợi rất lớn khi chuyển nhượng đất được giao cho người khác trên thị trường.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) bổ sung: Mâu thuẫn cơ bản trong sử dụng đất nông, lâm nghiệp hiện nay là việc các nông, lâm trường quốc doanh có quyền sử dụng đất đai rộng lớn, trong khi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất SX nghiêm trọng.

Riêng về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cách tính giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp hiện nay chưa phù hợp với giá trị sử dụng đất. Ở Hòa Bình, đất nông nghiệp loại 2 được bồi thường 55.000 đồng/m2 "chỉ bằng trồng rau muống trong vòng một năm".

Với những kết quả trên, Viện Nghiên cứu Lập pháp đề nghị bổ sung 2 điều trong Chương V (Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai) về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đối với đất đai mà nông, lâm trường quốc doanh sử dụng không đạt năng suất và sản lượng trung bình của SX tại địa phương thì nhà nước thu hồi và giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất SX ở địa phương. Đây là nguồn đất đai để bảo đảm đất SX, đất ở cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.

"Việc thu hồi đất nông nghiệp mà không qua một quy trình minh bạch, không đền bù thỏa đáng và không có cơ hội lựa chọn kế sinh nhai thay thế sẽ đẩy người dân quay lại nghèo đói, thậm chí lâm vào cảnh cùng cực. Người nghèo, nhóm người yếu thế và cộng đồng bị tác động nhiều nhất bởi những thiếu sót trong các chính sách về đất đai, tham nhũng và lạm dụng", ông Bert Maerten, đại diện Oxfam tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà nước cần bảo đảm quỹ đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước thực hiện việc giao đất SXNN, đất rừng SX, đất nuôi trồng thủy sản cho cộng đồng các dân tộc thiểu số để quản lý, bảo vệ và sử dụng phù hợp với phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số.

Đối với những hộ thiếu đất SX, đất ở thuộc diện được giao đất lần thứ hai không thu tiền sử dụng đất thì đất đó được giao cho cộng đồng để quản lý và cộng đồng quyết định giao cho các thành viên có nhu cầu để sử dụng theo các luật tục của cộng đồng.

Ngoài ra, điều 107 đề nghị bổ sung các nguyên tắc về định giá đất: phải có sự tham khảo ý kiến đóng góp của người dân; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và được giám sát và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin về giá đất. Cơ quan định giá đất và phê duyệt giá đất cần phải độc lập với cơ quan ra quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.