| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch giữ đa dạng sinh học ĐBSCL

Thứ Tư 28/05/2014 , 08:28 (GMT+7)

Nhiều mục tiêu của dự án phù hợp với chủ trương của Bộ NN-PTNT đang triển khai ở ĐBSCL, như giảm lúa vụ ba, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ngày 27/5, tại Cần Thơ, khởi động dự án phương pháp tiếp cận quy hoạch ĐBSCL giữ đa dạng sinh học để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường ĐH Cần Thơ cùng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế phối hợp tổ chức.

Tham dự có lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là dự án do CHLB Đức tài trợ cho 4 quốc gia Việt Nam, Colombia, Tanzania và Zambia (vùng hồ Tanganyika), thực hiện từ tháng 1/2014 đến tháng 4/2018, tổng kinh phí hơn 3 triệu euro.

Ở Việt Nam, dự án triển khai ở ĐBSCL, phương pháp tiếp cận quy hoạch coi trọng tài nguyên của vùng đất ngập nước, tập trung vào hai điểm chính: khả năng trữ lũ cùng điều hòa lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông và khôi phục khả năng tạo sinh kế của hệ tự nhiên ven biển. Cụ thể, ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên giảm bớt lúa vụ ba, tức là giảm bớt đê bao khép kín để tăng khả năng trữ lũ.

Ở vùng này chỉ duy trì bờ bao tháng tám (bờ bao đầu mùa lũ để đảm bảo một năm hai vụ lúa ăn chắc), còn chính lũ để nước tự do chảy băng đồng nhằm khôi phục nhịp thủy văn, phát triển các loại hình sinh kế mùa lũ. Ở vùng ven biển, nghiên cứu hạn chế đắp đê bê tông, tập trung tối ưu hóa chức năng điều hòa của các hệ tự nhiên để giảm tác động tiêu cực của nước biển dâng.

Dự án tính toán hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, môi trường của việc bảo tồn đa dạng sinh học để cung cấp dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách cải thiện tình hình hiện tại, đảm bảo phát triển lâu dài. Bên cạnh, dự án sẽ xây dựng một số mô hình cụ thể cải thiện cuộc sống của người dân trên nền tảng phát triển sinh kế trong điều kiện đa dạng sinh thái. Coi trọng sự tham gia của người dân địa phương là quan điểm mới trong công tác lập quy hoạch để xây dựng tính ổn định bền vững.

Nhiều nhà khoa học và cán bộ địa phương được mời tham gia dự án đề nghị, để giữ đa dạng sinh học ĐBSCL thì phải liên kết thống nhất toàn vùng, do đó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cần đảm đương vai trò điều hành chung. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã ký thỏa thuận hợp tác 5 năm với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Mục tiêu của dự án cũng phù hợp với nhiều chủ trương lớn của nước ta đang triển khai ở ĐBSCL. Chẳng hạn, giảm lúa vụ ba ở ĐBSCL là một nội dung trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của Bộ NN-PTNT, dự kiến chuyển 112.000 ha lúa sang cây trồng khác, từ nay đến năm 2015. Nhiều địa phương đã giảm lúa vụ ba trong năm nay. Tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ xuống giống vụ ba khoảng 110.000 ha, giảm hơn 24.000 ha (gần 18%) so với năm 2013.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.