| Hotline: 0983.970.780

Quý ông được quyền ở nhà vợ nuôi?

Chủ Nhật 16/04/2017 , 14:10 (GMT+7)

“Thời đại nào đàn ông cũng là trụ cột trong gia đình. Một khi đã phải “bám váy vợ”, chồng sẽ không có quyền quyết định, không thể là chủ gia đình. Hậu quả là hạnh phúc sẽ lung lay, hôn nhân đổ vỡ!”. Đó là nhận định của các chuyên gia tâm lý!

Không chỉ có vợ “ở nhà chồng nuôi” mà hiện nay, không ít anh chồng đang sống kiểu “ở nhà vợ nuôi”. Ngoài những ông chẳng may thất nghiệp, trong khi tìm một công việc khác, đành phải ăn bám vợ, thì cũng có nhiều đấng phu quân trẻ khỏe mà đã “nghỉ hưu” do lười biếng, ham chơi, không muốn làm việc.

Không chỉ có vợ “ở nhà chồng nuôi” mà hiện nay, không ít anh chồng đang sống kiểu “ở nhà vợ nuôi” (Ảnh minh họa)

Mọi người thường thắc mắc, sao anh Ban, chồng chị Thanh mạnh khỏe thế kia, mà suốt ngày ở không. Hết ra vào trong nhà lại sang hàng xóm tán gẫu hoặc ra đầu ngõ bia bọt. Có người tò mò: “Ông làm ngành nào (nghề gì) mà thấy rảnh rỗi, ở nhà suốt thế?”. Anh Ban nghiêm giọng: “Tôi là nhà văn! Công việc của tôi là sáng tác văn học!”.

Thật ra, anh Ban cũng có viết vài truyện ngắn nhưng chẳng báo nào chịu đăng. Chị Thanh cũng buồn bã tâm sự: “Em đã giới thiệu anh ấy với nhiều anh chị trong nghề. Nhưng chẳng tác phẩm nào của anh ấy sử dụng được!”. Nhiều lần anh Ban giận dữ trách móc, chê bai bọn biên tập dốt nát, không nhận ra tài năng của anh. Anh còn minh họa là có nhiều nhà văn lúc sinh thời rất nghèo khó. Sau khi qua đời, các tác phẩm mới được công bố và trở nên nổi tiếng và anh là một người như thế.

Lúc đầu, chị Thanh còn cố chịu đựng, động viên, khích lệ chồng. Chị nói khẽ, bước nhẹ, đi rón rén… để không làm phiền những lúc anh Ban “sáng tác”, tức là khi anh ngồi hàng giờ bên máy vi tính. Nhưng chị đâu biết, anh Ban chỉ lướt mạng, hút thuốc, thả khói mù trời, hoặc chơi game mỏi tay…

Trong khi đó, đồng lương nhân viên của chị Thanh phải chật vật với chuyện cơm áo gạo tiền của cả nhà, gồm 2 vợ chồng với đứa con nhỏ. Chị cũng cố gánh vác hết việc nhà. Bởi tự gắn “mác” nhà văn, mọi chuyện nhà cửa, bếp núc, con cái… anh Ban chẳng quan tâm, chẳng bao giờ động chân động tay.

Song, dần dần, chị Thanh chán nản vì thấy chồng chẳng mang về được đồng cắc nào. Chị khuyên nhủ, hết nỉ non đến dục dã chồng kiếm việc làm để có thu nhập lo cho gia đình. Những lúc ấy, anh Ban nghiêm giọng: “Anh đang gom các bản thảo thành tập để xuất bản! Rồi em xem! Anh sẽ nhận được rất nhiều tiền!”. Nhưng chị Thanh cứ đợi mãi. Chục năm qua đi, anh Ban vẫn là nhà văn không tác phẩm, ở nhà vợ nuôi.

Trường hợp anh Minh, chồng chị Hợi cũng tương tự. Trở về từ tuần trăng mật, thấy chồng không dậy đi làm, chị Hợi nhắc nhở. Anh Minh ngái ngủ đáp: “Anh đã nộp đơn nghỉ việc!”.

Chị Hợi ngạc nhiên hỏi lý do, anh Minh bình thản: “Công chức nhà nước như anh lương ba cọc ba đồng, chán chết !Anh đã quyết định rồi! Em hãy đưa anh số tiền mừng cưới, vay thêm một số vốn. Anh sẽ mở một công ty về phần mềm công nghệ thông tin. Chắc chắn là sẽ đắt hàng!”. Dù chị Hợi có thuyết phục thế nào, anh Minh vẫn khăng khăng với dự định ấy. Thấy vợ không chịu hỗ trợ, anh Minh nhăn nhó cáu kỉnh, ra đá thúng, vào đụng nia rất khó chịu nên chị Hợi đành làm theo ý chồng cho yên cửa yên nhà.

Thế là anh Minh đem tiền đi thuê văn phòng, mua bàn ghế, trang bị máy móc. Anh cũng thuê nhân viên, vốn là mấy ông bạn vàng của anh. Thỉnh thoảng ghé qua “công ty”, chị Hợi chỉ thấy “giám đốc” Minh và nhân viên đang cà phê cà pháo và tán gẫu. Lo lắng, chị dò hỏi, anh Minh tỉnh bơ: “Em yên tâm! Bọn anh đang tìm ý tưởng!”.

Thời gian đó, chị Hợi phải cuống cuồng làm việc. Ban ngày thì ở cơ quan. Đêm về nhận dịch tài liệu, thiết kế bản vẽ… để có tiền chi tiêu trong gia đình. Không chỉ thế, dạo này anh Minh còn hay hỏi tiền vợ để mua sắm quần này, áo nọ, giày dép, đồng hồ… với lý do: “Anh là giám đốc, phải ăn mặc cho đàng hoàng!”.

Ba tháng sau, anh Minh rủ rỉ với vợ: “Em vay hộ anh ít tiền! Công ty đã hoàn thành mấy sản phẩm hay lắm. Nhưng đang chờ người mua!”. Chị Hợi gật đầu: “Anh đưa em xem! Nếu được, em sẽ quảng cáo cho!”. Anh Minh lúng túng gãi đầu: “Chà! Em xem cũng không hiểu được đâu!”. Chị Hợi cương quyết: “Nếu không làm được thì dẹp! Thà anh ở nhà chơi không còn đỡ tốn kém hơn!”. Từ đó, anh Minh được bổ sung vào đội quân những ông chồng “ở nhà vợ nuôi”.

“Thời đại nào đàn ông cũng là trụ cột trong gia đình. Một khi đã phải “bám váy vợ”, chồng sẽ không có quyền quyết định, không thể là chủ gia đình. Hậu quả là hạnh phúc sẽ lung lay, hôn nhân đổ vỡ!”. Đó là nhận định của các chuyên gia tâm lý!

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?