| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 10/12/2019 , 09:33 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:33 - 10/12/2019

Quyền lợi từ sách giáo khoa

Từ câu chuyện dan díu khó hiểu giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM với Nhà xuất bản Giáo dục, liệu ai dám chắc không xảy ra trường hợp tương tự ở nhiều địa phương khác?

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tuy có vẻ cạnh tranh lành mạnh, nhưng lại phơi bày sự lúng túng của nền giáo dục (Ảnh minh họa).

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn đã không thể né tránh câu hỏi của các đại biểu về việc 11 cán bộ của đơn vị này nhận thù lao từ Nhà xuất bản Giáo Dục để phối hợp biên soạn sách giáo khoa.

Giải thích vì sao bản thân và 10 cán bộ dưới quyền có được khoản tiền chi trả thường xuyên, ông Lê Hồng Sơn cho rằng: "Phải có phần này, chứ không có thì ai làm cho họ. Mình nên thực tế và thẳng thắn nói với nhau như thế. Nếu không có những khoản thù lao thì không mời được ai tham gia cùng.

Thù lao gộp nhiều năm lại thì thấy lớn, thấy hơi bị khủng chứ chả là gì so với tâm huyết, chất xám mà các cá nhân tham gia làm sách đã bỏ ra…”.

Với đặc thù một đô thị lớn, số lượng sách giáo khoa bán ra tại TP.HCM sẽ mang lại nguồn tài chính khổng lồ. Ông Lê Hồng Sơn và những đồng sự ở Sở Giáo dục và Đào tạo có phải là những chuyên gia biên soạn sách giáo khoa không? Chắc chắn không!

Công việc mà họ đang làm là quản lý giáo dục, chứ không phải nghiên cứu hay viết lách. Nhà xuất bản Giáo Dục có nhã ý mời họ góp mặt, dĩ nhiên cũng có những tính toán cẩn thận và chu đáo mà người trong cuộc mới có thể tỏ tường.

Sở Giáo dục và Đào tạo không quyết định chọn bộ sách giáo khoa để giảng dạy, nhưng có vị hiệu trưởng nào không nể nang cấp trên trực tiếp khi đắn đo lựa bộ sách giáo khoa chính thức cho giáo viên và học sinh?

Từ câu chuyện dan díu khó hiểu giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM với Nhà xuất bản Giáo dục, liệu ai dám chắc không xảy ra trường hợp tương tự ở nhiều địa phương khác? Lâu nay, sách giáo khoa vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm của ngành giáo dục. Nhà xuất bản Giáo dục không còn độc quyền sách giáo khoa, thì vai trò của các Sở Giáo dục và Đào tạo lại được nâng lên đáng kể.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tuy có vẻ cạnh tranh lành mạnh, nhưng lại phơi bày sự lúng túng của nền giáo dục. Bởi lẽ, sách giáo khoa phải có giá trị nhất quán và bền vững, chứ không thể mai thay đổi rồi mốt đổi thay. Cùng một gia đình, hai anh em chỉ cách nhau vài tuổi, mà anh học bộ sách giáo khoa nọ còn em học bộ sách giáo khoa kia, thì không phải là sự lãng phí và bất cập ư?

Sách giáo khoa bị xem là một món hàng kinh doanh, thì những nhà giáo cũng bị cuốn vào chiêu trò thương lượng thiệt hơn. Chưa kể bao nhiêu hiệu trưởng sẽ được mời tham dự các buổi giới thiệu sách giáo khoa không khác gì các đại lý tham dự hội nghị khách hàng, mà những nhà quản lý giáo dục bỗng dưng được nhận thù lao biên soạn sách giáo khoa đã là một thực tế đe dọa sự trong sáng của môi trường học đường.

Xã hội đang đề cao tinh thần chuyên nghiệp, nếu người nào có năng lực phù hợp với công việc biên soạn sách giáo khoa thì không nên lao tâm khổ tứ với công việc quản lý giáo dục, và ngược lại. Nhà giáo có tự trọng phải tỉnh táo khi đối diện vướng mắc giữa cái chung và cái riêng, giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân.