| Hotline: 0983.970.780

Quyền lực mềm về văn hóa

Thứ Ba 31/01/2017 , 09:01 (GMT+7)

"Tôi không rõ ở Việt Nam đã có chiến lược về quyền lực mềm văn hóa chưa vì tôi chưa thấy thật rõ, nhưng tinh thần là đúng..." - GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia chia sẻ.

"Tôi có cảm giác trong rất nhiều hình thức văn hóa nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật biểu diễn, liên quan đến thị trường văn hóa và giới trẻ thì đã có những cố gắng đi sâu để tiếp thu thành quả thế giới… Tất cả những cái đó tôi thấy Việt Nam ngày càng tiến gần với thế giới. Đó là quyền lực mềm về văn hóa thể hiện rõ nét nhất mà nước nào cũng hướng tới", GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia.

11-09-17_img_9294
GS.TS Đỗ Quang Hưng
 

Hình thức diễn xướng nghệ thuật được UNESCO công nhận

Là người nghiên cứu sử học và tôn giáo học, đã tham gia Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhiều năm, tham gia ngay từ đầu trong quá trình xét duyệt hồ sơ tín ngưỡng thờ mẫu. Xin giáo sư chia sẻ cảm xúc của mình khi tín ngưỡng thờ mẫu được UNESCO công nhận là di sản thế giới?

Dư luận những tháng cuối năm vừa rồi ở góc độ khác nhau, góc nhìn khác nhau nhưng đều chia sẻ thêm một niềm vui là chúng ta có thêm hình thức nghệ thuật gắn với tín ngưỡng văn hóa dân gian lâu đời rồi, đó là tín ngưỡng thờ mẫu, ở đây nói cụ thể hơn là nghệ thuật diễn xướng tam phủ tứ phủ. Mọi người đều rất là phấn khởi, vui vẻ. Thấy được như vậy thì tôi rất là phấn khởi. Mình thêm một sinh hoạt nghệ thuật nữa, tất cả chúng ta nhiều hay ít chắc chắn mê điệu hát chầu văn.

Theo tôi, điệu hát chầu văn là cái tinh túy nhất của nghệ thuật diễn xướng. Nó không chỉ phục vụ cho các cuộc hầu đồng mà cái quan trọng hơn nó đã trở thành hình thái nghệ thuật cho cả xã hội. Theo cá nhân tôi mà nói thì hát chầu văn cùng với những làn điệu chèo… là những hình thức nghệ thuật hay nhất của đồng bằng Bắc Bộ.

Ngay sau khi thông tin UNESCO công nhận đã có hai luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng UNESCO công nhận đạo mẫu và ngay lập tức có luồng ý kiến phản bác.

Điều đầu tiên là cần phải nhận thức đúng đã. Làm nghề chuyên môn thì tôi xin lưu ý rằng UNESCO không bao giờ công nhận đấy là đạo mẫu - tức là tôn giáo hay tín ngưỡng. Đấy không phải là công việc của UNESCO.

Người ta chỉ thừa nhận, người ta chỉ trao đổi, người ta chỉ công nhận là một hình thức diễn xướng nghệ thuật liên quan đến tín ngưỡng và cũng có một sắc thái nào đó của tôn giáo. Tôi lưu ý là có sắc thái nào đó của tôn giáo. UNESCO công nhận như vậy chứ cũng không nên nói UNESCO công nhận Việt Nam có đạo mẫu hay có tín ngưỡng thờ mẫu, hai ngôn ngữ ấy đều không đúng cả.

Về văn bản UNESCO công nhận đó là công nhận hình thức diễn xướng nghệ thuật mà linh hồn của nó, then chốt của nó là chầu văn, không chỉ làn điệu ca từ mà còn cả biểu diễn nữa để phục vụ cho tam phủ tứ phủ.
 

Không có gì quá hốt hoảng

Ngay sau khi được UNESCO công nhận, sự phấn khởi của mọi người như thế thì đúng là có hai trạng thái. Vui mừng và cả lo ngại trước những biến tướng của hầu đồng. Liệu những lo ngại của công chúng có đáng lưu tâm không, thưa ông?

Không phải bạn là người hỏi tôi duy nhất câu này, tôi cũng phải trả lời qua điện thoại đến 30 phút cho một tờ báo. Tôi đã nói khá kỹ. Hãy trở lại với công nhận của UNESCO để khỏi tranh luận: Ai đó trong số các nhà nghiên cứu có thể áp dụng định nghĩa tôn giáo theo nghĩa rộng mà hiện nay thế giới hay dùng để gọi tín ngưỡng thờ mẫu là đạo mẫu thì tôi cũng nghĩ rằng tùy người đó thôi, đó là số ít.

Tôi chắc trong số các nhà nghiên cứu đa số đều không gọi là đạo như tôi đã nói ở trên. Người ta vẫn nói đây chỉ là tín ngưỡng. Đó là một trong ba tín ngưỡng quan trọng nhất của người Việt Nam: thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành hoàng và thờ cúng mẫu. Có hàng chục loại hình thờ tự khác nhau nhưng cô đọng lại chỉ có ba tín ngưỡng là xương sống, là then chốt của hệ thống tín ngưỡng Việt Nam như trên.


Cậu Đức tại Kiều 5 ghế Phủ Giầy (21/8/2012), một nghi thức cầu đảo quốc thái dân an sau 68 năm mới được khôi phục. (Ảnh: baotintuc.vn)
 

Còn lo ngại ư? Hãy bình tĩnh, hãy vui bởi vì Việt Nam có được thêm một hình thức nghệ thuật phi vật thể rất có giá trị được công nhận. Tôi là người mê hát chầu văn đấy. Tất nhiên hiện nay tôi không có điều kiện để tham dự các buổi lễ hầu đồng như thế này nữa. Tuy vậy, lòng tôi vẫn tôn trọng tín ngưỡng thờ mẫu và các nghi thức hầu đồng, hát chầu văn…

Nhưng dư luận xã hội nói chung vẫn không khỏi băn khoăn trước những biến tướng phức tạp của hầu đồng?

Đúng như vậy. Vẫn còn có những băn khoăn vì khả năng bị lạm dụng có thể diễn biến thêm phức tạp. Điều này có thực tiễn là nhưng năm gần đây hầu đồng - sinh hoạt của tín ngưỡng thờ mẫu - phát triển một cách bùng nổ ghê gớm do sự đổi mới, do sự cởi mở. Trước đây lên đồng đã từng bị cấm đoán nhưng sau đổi mới nó khác và đến thời điểm hiện nay thì đang bùng nổ vô cùng mạnh mẽ. Cần tìm những biểu hiện có tính chất thương mại và tiêu cực ư? Chả khó gì. Báo chí đã nói nhiều lắm rồi tôi cũng không cần nhắc lại.

Khi tín ngưỡng thờ mẫu đã được công nhận thế này rồi thì thái độ của Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý cho tới dư luận nhân dân hiện nay thì chúng ta nên suy nghĩ như thế nào để nói đúng như tinh thần Đảng ta đã nói: Vừa phát huy được những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo tín ngưỡng nói chung, đồng thời mình cũng giữ cho được hiệu ứng xã hội lành mạnh trong sự phát triển.

Tôi thấy có mấy khía cạnh như thế này. Một mặt các cơ quan báo chí truyền thông càng cần nắm chắc và hướng dẫn cho nhân dân, cho xã hội hiểu rõ nội dung, hiểu rõ bản chất UNESCO công nhận là cái gì? Ngay đến bây giờ mọi người nhận thức văn bản của UNESCO như tôi vừa nói còn chưa đúng cơ mà. Có người còn nói đạo mẫu được công nhận rồi thì không phải. Cho nên là cần phải giáo dục cho rõ UNESCO chỉ công nhận một hình thái nghệ thuật dân gian rất độc đáo của Việt Nam này.

Ở đây tôi xin mở dấu ngoặc. Hình thức lên đồng gắn với hát chầu văn của diễn xướng hình thái nghệ thuật này không phải chỉ có ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có, nhất là các nước Đông Nam Á đều có cả, bởi vì những nước này có ảnh hưởng mức độ khác nhau của văn hóa âm tính khá mạnh cho nên văn hóa thờ mẫu rất phát triển ở nhiều nước. Ở Việt Nam có nét độc đáo riêng. Cần phải giáo dục, phải tuyên truyền để mọi người hiểu rõ như vậy.

Vấn đề thứ hai, rõ ràng chúng ta đã có quản lý về văn hóa, trong đó có các quản lý về hình thức lễ hội, diễn xướng dân gian đều có quản lý cả. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo đã được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016, chuẩn bị chính thức ban hành cùng các Nghị định hướng dẫn thực hiện. Trong đó có cả một chương về sinh hoạt tín ngưỡng gắn bó với lễ hội như thế nào.

Còn một vấn đề nữa, theo tôi quan trọng hơn, đó chính là cộng đồng. Bởi vì tất cả các nhà khoa học, các nhà chuyên môn khi nghiên cứu tín ngưỡng thờ mẫu đều rất đề cao vai trò của cộng đồng đối với đời sống tín ngưỡng lễ hội nói chung và nói riêng là tín ngưỡng thờ mẫu và hầu đồng.

Thực ra nói hầu đồng phát triển và bùng nổ nhưng nghĩ cho cùng theo tôi chỉ có khoảng độ 4 - 5 tỉnh là trọng điểm. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên quan tâm triển khai đến một vài tỉnh trọng điểm để nghiên cứu, xem xét và khi được công nhận rồi thì xem nó biến diễn như thế nào để uốn nắn kịp thời. Chỉ uốn nắn chứ không phải trở lại thái độ hành chính hóa.

Cái hay của hầu đồng là nó không phải chỉ đơn giản là hình thức thưởng thức nghệ thuật nữa mà nó còn là một trong những hình thức nghệ thuật diễn xướng có đậm chất tâm linh tôn giáo sâu sắc và sinh động bậc nhất ở nước ta. Ý nghĩa lôi cuốn con người còn ở chỗ nó xả phóng được những mong muốn, những ẩn ức của con người và nó hướng tới sự thăng hoa có thể nói là rất mạnh đến mức có khả năng trị liệu về tâm lý bằng tâm linh. Cái xả phóng của hầu đồng rõ ràng nó có hiệu ứng cao hơn nữa - thuật ngữ chuyên môn chúng tôi gọi là an ninh sinh tồn.

Tiểu kết về nghi thức tín ngưỡng thờ mẫu, tôi nghĩ như thế này: Chúng ta hãy cứ vui mừng đi, không có gì quá hốt hoảng. Hãy tỉnh táo. Chúng ta đã có kinh nghiệm ứng xử với tín ngưỡng thờ mẫu hay hẹp lại là lên đồng rồi. Hiện nay, ngoài nhận thức thay đổi thì chúng ta có cơ sở pháp lý đầy đủ hơn…
 

Quyền lực mềm về văn hóa

Xin mở rộng ra vấn đề hơn một chút, GS có thể chia sẻ những góc nhìn của mình tới các hình thức nghệ thuật biểu diễn trong năm 2016 vừa qua như âm nhạc, điện ảnh…

Trong năm qua, sinh hoạt văn hóa của Việt Nam về nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc hay điện ảnh tôi cũng không theo dõi hết được như hai lĩnh vực tôn giáo kể trên vì đó là nghề trực tiếp của tôi, song với tư cách của người gắn bó với đời sống văn hóa tri thức nói chung thì tôi thấy có mấy cảm giác như thế này.

Cảm giác thứ nhất, đó là những sinh hoạt văn hóa của Việt Nam trong năm 2016 đang tiếp tục trong chiều kích hội nhập văn hóa quốc tế. Đây là một xu hướng rất mạnh trong toàn cầu hóa hiện nay. Riêng đối với Việt Nam ngày càng rõ nét hơn. Những nối kết quốc tế có điều kiện thuận lợi hơn. Cụ thể là 3 - 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài với đồng bào trong nước gần như không còn khoảng cách nữa. Những nối kết ấy trở thành cái gọi là Việt Nam để nối với thế giới.

Quan trọng hơn, tôi có cảm giác trong rất nhiều hình thức văn hóa nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật biểu diễn, liên quan đến thị trường văn hóa và giới trẻ thì đã có những cố gắng đi sâu để tiếp thu thành quả thế giới, nhất là sân khấu ca nhạc, thi cử nghệ thuật, người mẫu… Tất cả những cái đó tôi thấy Việt Nam ngày càng tiến gần với thế giới. Đó là quyền lực mềm về văn hóa thể hiện rõ nét nhất mà nước nào cũng hướng tới.

Tôi không rõ ở Việt Nam đã có chiến lược về quyền lực mềm văn hóa chưa vì tôi chưa thấy thật rõ, nhưng tinh thần là đúng và nó cũng bắt đầu có một cái gì đó gần gũi trở lại.

Ví dụ như cách đây khoảng 5 - 10 năm mà thấy biểu diễn rock, rap ở Việt Nam nó là quá xa vời so với các nước Á Đông người ta đã tiếp cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí không so được cả với Ấn Độ hay Philippines. Bấy giờ nói Việt Pop nghe nó vẫn còn mệt tai lắm, đúng không bạn (cười). Nhưng năm nay tôi thấy bắt đầu có hiện ra niềm tin nào đó là có khả năng đấy. Đó là cảm giác tôi ghi nhận được ở năm 2016.

Trong chiều hướng đó, tôi thấy rằng cũng chưa thật hoàn toàn tin tưởng được như loại hình nghệ thuật dân chúng rất thích đó là điện ảnh. Cảm giác của tôi là: Những cái có thể gọi tạm là những thành công đã tạo thành động lực. Cảm giác của tôi là phim Việt Nam đã thông thoáng hơn, đã có phim tư nhân… Chưa phải là lớn nhưng có những báo hiệu lóe ra một cái gì đó về phim hiện đại của Việt Nam, nhất là phim cho giới trẻ. 

Đó là chút chút vui mừng song để lôi cuốn các cặp mắt theo dõi và hưởng thụ nghệ thuật thứ bảy của người dân thì tôi chắc là còn khó đấy chứ không phải dễ đâu. Một cái đường hướng mà quay trở về chính thống thời hiện đại hóa ra lại thành công hơn. Tôi tạm gọi cái gọi là chính thống nhưng hiện đại tức là phim tâm tình thôi, phim tuyên truyền chính trị xã hội, đường lối chính sách của Nhà nước lại đi vào lòng dân như “Bí thư Tỉnh ủy” của đạo diễn Quốc Trọng…


 

Vậy những sinh hoạt văn hóa dành cho tầng lớp thượng lưu thì sao thưa ông?

Sinh hoạt văn hóa ở cấp cao, văn hóa chuyên nghiệp, có những đối tượng cao hơn, có tính thượng lưu (elité) thì ở Việt Nam tôi nghĩ rằng những năm gần đây, đặc biệt năm 2016 có những mầm mống tốt. Ví dụ nhạc chuyên biệt tôi thấy nhiều người bắt đầu thích thú với những đoàn nghệ thuật quốc tế nổi tiếng đến với Việt Nam biểu diễn những tác phẩm cổ điển (classic).

Bản thân các đoàn nghệ thuật cổ điển trong nước cũng đang dần sống lại như giao hưởng… Thái độ của mọi người theo dõi các cuộc thi piano, violon, sự kiện thần đồng piano 5 tuổi Evan Lê… được chú ý hơn. Tôi cho đó là dấu hiệu tốt và nó bắt đầu trở lại với những giá trị văn hóa mà tôi gọi là không thể cho đám đông nhưng lại rất quan trọng dành cho tầng lớp thượng lưu có điều kiện. Đó là một mặt của văn hóa chung nhưng rất cần thiết không thể thiếu.

Cuối cùng tôi muốn nói là hiện tượng rừng sách. Rừng sách gắn liền với văn hóa đọc. Quả thật văn hóa đọc là thách đố. Hiện có những cách đọc và sách xuất bản phù hợp với thời đại mới. Là người giảng dạy và nghiên cứu mấy chục năm, tôi thấy rất là mừng sách vở hiện nay in đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn. Đôi lúc nó hơi ráo riết, hơi túi bụi và sát phạt nhau cũng có. Đôi khi cũng bị chen luật rừng vào thì cái đó khó tránh lắm. Mình cũng thông cảm. Cả rừng sách đó, nhiều sách hay có giá trị đã phục vụ tới ngõ ngách các nhu cầu. Tôi mừng lắm. Tôi thấy đấy là giới chỉ văn hóa rất là quý.

Xin cảm ơn những chia sẻ của GS!

Cần những nguyên tắc mới về văn hóa

Đánh giá chung về đời sống văn hóa của dân mình năm 2016 thì tôi nghĩ: Tiếp nối những năm trước, năm 2016 bắt đầu hé lộ ra những sinh hoạt văn hóa đúng là có tính hiện đại hơn, khả năng đáp ứng nhu cầu của dân chúng đã đạt tới trình độ cao hơn, đúng với quy luật cung cầu. Quy luật này rất khắc nghiệt nhưng các ngành văn hóa đã có nỗ lực rất nhiều để vượt qua để dần đạt được những thành quả nhất định. Đấy là tổng thể tôi cho rất là hay. 

Tuy vậy, vẫn phải nói rằng món ăn tinh thần, hay rộng hơn là giá trị văn hóa của một dân tộc, một thời đại cho đến giờ phút này đối với mỗi dân tộc đều vẫn là những câu hỏi rất khó. Những nước đã phát triển lại có những cuộc khủng hoảng, thậm chí khủng hoảng ghê gớm để phủ định mình. Họ có những mô hình văn hóa mà họ phải phủ định. Còn những nước đang phát triển như Việt Nam lại có những khó khăn kiểu khác. 

Cái cũ thì đương nhiên không thể giữ nguyên được. Cái mới lại chưa biết sẽ như thế nào để hội nhập. Bài toán này chúng ta vẫn còn tiếp tục giải để tìm kiếm. Chúng ta không phải chỉ an tâm với khẩu hiệu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Đấy chỉ như một nguyên tắc thôi. Cần phải có những nguyên tắc mới để thay đổi được những triết lý về văn hóa. Chúng ta phải lắng nghe dân tộc ta thêm nữa rồi mới tìm được.

 

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm