| Hotline: 0983.970.780

Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm 27/12/2018 , 08:01 (GMT+7)

Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, các tỉnh biên giới phía Bắc đã quyết liệt vào cuộc…

11-17-53-nh-2-17152459780
Kiểm tra thường xuyên đàn lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh

“Lạng Sơn có 21 xã, thị trấn thuộc 5/11 huyện, thành phố có đường biên giới dài trên 231km tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và các cửa khẩu tiểu ngạch khác thường xuyên có hoạt động vận chuyển hàng hóa giao thương và du lịch giữa hai nước. Ngoài ra, địa bàn tỉnh còn có rất nhiều đường mòn lối mở thường xuyên có cư dân biên giới đi lại, trao đổi hàng hóa nên nguy cơ về lây nhiễm bệnh dịch tả châu Phi thông qua buôn bán, vận chuyển lợn nhập lậu và sản phẩm từ lợn là rất cao” ông Chu Nguyên Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết.

Ngoài ra, phương thức chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ý thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, tiêu độc, khử trùng... vệ sinh phòng bệnh còn hạn chế, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Trước tình hình đó, tỉnh Lạng Sơn đã quyết liệt vào cuộc để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi" ở các cấp; tổ chức diễn tập Kế hoạch hành động.

Tỉnh Lạng Sơn đã khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương có tổng đàn lợn với số lượng lớn, có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cùng đó, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Chính Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, cũng thông tin: Lào Cai cũng đã khẩn trương tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức diễn tập tình huống giả định dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Lào Cai để thao dượt các biện pháp ứng phó khẩn cấp, nhằm chủ động  phòng, chống hiệu quả dịch này khi xảy ra ở nước ta.

Tại xã biên giới Bản Qua, huyện Bát Xát, các lực lượng chức năng, nòng cốt là Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai đã thực hành tại hiện trường khoanh vùng dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, tiêu hủy lợn chết do dịch bệnh, bảo đảm nhanh, gọn, an toàn. 

Ông Chu Nguyên Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết: Công tác hướng dẫn người chăn nuôi và thú y viên xã, phường và thị trấn (thú y viên xã) tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương cũng rất được chú trọng. Nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, vận chuyển trái phép thì báo cho cơ quan chuyên môn lấy mẫu (trước khi tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Việc giám sát lâm sàng cần tập trung vào các đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới nơi buôn bán và nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Cùng đó, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; lợn ốm có các triệu chứng của bệnh dịch tả châu Phi hoặc lợn ốm không rõ nguyên nhân tại các điểm, cơ sở giết mổ, tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn hoặc trong quá trình vận chuyển... 

Ông Tuấn Xuân Độ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng Quảng Ninh thông tin: Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc sang nhiều, vì thế không loại trừ trường hợp du khách mang theo những sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Việt Nam. Vì vậy, công tác kiểm soát các sản phẩm từ thịt sang Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp được đưa ra là phải tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ Trung Quốc vào nội địa, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới tại khu vực biên giới. Bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới không có nguồn gốc...

 

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.