| Hotline: 0983.970.780

Quyết ổn định vùng mía nguyên liệu

Thứ Ba 06/11/2012 , 09:52 (GMT+7)

Thanh Hóa có vùng mía nguyên liệu lớn nhất cả nước, với 30.000 ha, trải khắp 18 huyện, cung cấp mía nguyên liệu cho 3 nhà máy sản xuất đường.

Thanh Hóa có vùng mía nguyên liệu lớn nhất cả nước, với 30.000 ha, trải khắp 18 huyện, cung cấp mía nguyên liệu cho 3 nhà máy sản xuất đường. Vấn đề đặt ra làm thế nào phát triển ổn định, xây dựng vùng trọng điểm thâm canh bền vững đối với cây mía nguyên liệu…

Những rào cản

Sáng 5/11, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị sản xuất mía đường vụ 2011 - 2012, kế hoạch chế biến vụ 2012 - 2013 và định hướng sản xuất vụ 2013 - 2014.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, niên vụ sản xuất mía đường năm 2011 - 2012 của Thanh Hóa diễn ra trong điều kiện thuận lợi như thời tiết mưa đều, độ ẩm cao; công tác phòng trừ sâu bệnh tốt nên ít xảy ra dịch bệnh; giá thu mua mía ổn định… Vì vậy diện tích vùng nguyên liệu cũng như năng suất đều tăng. Diện tích đạt gần 30.000 ha, năng suất bình quân 55,4 tấn/ha, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào ép đạt trên 1.600.000 tấn. Lợi nhuận của người trồng mía tăng từ 12 triệu đồng/ha vụ 2010 - 2011 lên 18,8 triệu đồng/ha, cá biệt có nơi đạt 20 - 25 triệu đồng/ha. Đây là những động lực khuyến khích người trồng mía tăng cường đầu tư, thâm canh và gắn bó với cây mía.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong niên vụ 2011 - 2012, nhưng những hạn chế, tồn đọng, bất cập trong công tác trồng, chăm sóc, sản xuất, thu mua, chế biến của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường; cơ chế quản lý, giám sát, định hướng và quy hoạch vùng nguyên liệu tại tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều điều cần giải quyết.


Thu hoạch mía trên vùng mía nguyên liệu huyện Nông Cống

Trước hết, đó là việc đồng đất sản xuất mía nguyên liệu manh mún; việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Mặc dù năng suất tăng, song so với bình quân chung trên toàn quốc vẫn thấp hơn 1,17 tấn/ha. Một phần do việc đưa giống mía năng suất cao vào thay thế giống năng suất thấp còn hạn chế. Đặc biệt là Cty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan, số lượng giống mới đưa vào sản xuất không đáng kể, ảnh hưởng chung đến sản lượng.

Diện tích mía nguyên liệu cung cấp cho 3 nhà máy trải khắp 18 huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, vào vụ sản xuất, hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các vùng hay việc đầu nậu tỉnh ngoài xuất hiện thu mua mía của bà con gây ảnh hưởng quyền lợi của người trồng mía, đến doanh nghiệp; tình hình an ninh vùng nguyên liệu không được đảm bảo.

Việc thu mua mía chậm cũng là tác nhân gây sụt giảm sản lượng mía, trữ lượng đường, thiệt hại về kinh tế, gây tâm lý bất an cho bà con. Bài học của niên vụ sản xuất 2011 - 2012 từ việc các lái xe “vòi” tiền của bà con trong vận chuyển mía; bài học kinh nghiệm từ việc thu mua mía chậm của Cty CP Mía đường Lam Sơn khiến Cty này phải chi đến 55 tỷ đồng hỗ trợ người trồng mía…

Diện tích mía nguyên liệu của tỉnh phát triển ở các huyện trung du hoặc miền núi. Do đó giao thông khó khăn, đường sá xa xôi ảnh hưởng không nhỏ đến cước phí cũng như thời gian vận chuyển. Đại diện huyện miền núi Bá Thước cho biết: Vận chuyển từ nơi xa nhất của huyện về đến nhà máy là 50 - 60 km. Trời tạnh ráo, việc vận chuyển đã rất khó khăn. Trời mưa, mía có đốn chặt rồi cũng chịu, phải chờ mưa tạnh mới vận chuyển được.

Tìm giải pháp đồng bộ

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp cũng như người trồng mía đã tập trung bàn nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tồn đọng. Mục đích làm thế nào đảm bảo lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất.

Theo đó, có nhiều biện pháp được đưa ra để tăng năng suất mía, trữ lượng đường. Đó là việc áp dụng tiến bộ KHKT vào công tác làm đất, trồng, chăm sóc mía. Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo: “Việc làm này cần sự chung tay của không chỉ người trồng mía và doanh nghiệp, không thể khoán trắng mà cần sự hỗ trợ về chuyên môn của cán bộ nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở”.

Ông Lê Văn Thanh - Tổng Giám đốc Cty CP mía đường Lam Sơn  cho hay, trung tuần tháng 10 vừa qua, Cty đã chủ động cùng 2 Cty sản xuất mía đường trong tỉnh họp thống nhất kế hoạch sản xuất vụ ép 2012 - 2013. Theo đó, bên cạnh hỗ trợ nhau về KHKT, phân bón, giống…, cả 3 doanh nghiệp cam kết hợp tác chặt chẽ, bảo vệ vùng mía, không mua mía của nhau; phối hợp với các cấp chính quyền và nhân dân ngăn chặn đầu nậu…

Tiếp tục dồn điền đổi thửa, tạo thành những vùng sản xuất lớn, năm 2011 - 2012, diện tích mía thâm canh toàn tỉnh đạt 5.650 ha, năng suất đạt trên 70 tấn/ha. Trong đó, vùng Lam Sơn mía được cày sâu, bón vôi 3.500 ha, 600 ha được tưới công nghệ cao; vùng mía ven sông Bưởi của Nhà máy đường mía Việt Nam - Đài Loan là 1.500 ha. Diện tích mía công nghệ cao góp phần nâng sản lượng mía, trữ lượng đường bình quân của tỉnh đạt cao hơn.

Đại diện huyện Thạch Thành, nơi có 6.000 ha, cung cấp trên 50% mía nguyên liệu cho Cty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan, nêu biện pháp khắc phục khó khăn trong vận chuyển. Cụ thể, từ vụ ép năm nay, huyện đã thành lập được HTX vận tải, nâng cao năng lực vận tải mía đường, giảm áp lực, đảm bảo chuyên chở mía đúng thời gian cho nhà máy. Đây là cách làm sáng tạo của Thạch Thành, được các huyện vùng mía nguyên liệu quan tâm.

“Hơn 10 ngày nữa là vụ ép bắt đầu. Quan trọng là phải đảm bảo được lợi ích hài hòa của doanh nghiệp và người nông dân. Giá thu mua mía niên vụ 2012 - 2013 không được thấp hơn 9.500 đ/kg, có như vậy người dân mới yên tâm gắn bó với cây mía. Từ các biện pháp này, phấn đấu diện tích đạt trên 32.600 ha, sản lượng mía nguyên liệu trong tỉnh đạt 70 tấn/ha. Đảm bảo xây dựng vùng trọng điểm thâm canh cây mía nguyên liệu trong tỉnh bền vững…”, ông Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất