| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 29/09/2010 , 10:36 (GMT+7)

10:36 - 29/09/2010

Quyết tâm không bằng...quyết thu?

Năm học mới bắt đầu chưa lâu nhưng “đến hẹn lại lên”, chuyện đóng góp các khoản thu vẫn làm đau đầu không ít cha mẹ học sinh.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đâu đâu cũng thấy phụ huynh ca thán về việc phải đóng quá nhiều khoản tiền cho con em ngay từ đầu năm học. Một kết quả thống kê chưa đầy đủ cho thấy, bất kể giàu hay nghèo, đông hoặc ít con; phụ huynh ở nhiều trường tiểu học tại TP. HCM cũng phải đóng không dưới 500.000 đồng cả bắt buộc lẫn tự nguyện, cộng với gần 200.000 đồng tiền bảo hiểm bắt buộc và tiền đồng phục, dụng cụ, trang thiết bị, học phí... thì khoản tiền đầu năm khó ít hơn 1 triệu đồng/học sinh.

Trong câu chuyện với PV, một nông dân 41 tuổi, có hai con học tiểu học, ở huyện Tân Châu, An Giang, nói: “Ngoài khoản tiền đóng học phí, lại còn hàng chục các khoản khác đổ lên đầu chúng tôi. Đa số người dân chúng tôi ở đây là nông dân, là nghèo nhất... Giả dụ tôi có một nghề gì đó, thu nhập ổn định, dù ít cũng được, thì cũng gắng gượng mà lo cho con học tới nơi tới chốn. Đằng này, tôi làm mướn, bữa có, bữa không, mức thu nhập đâu có đủ. Nhìn lại cái gánh của mình là mình gánh không nổi. Bây giờ một tháng chi phí tiền học, chưa tính tiền đau ốm, đó là cũng 300.000 đồng, trong khi một tháng mà mình không làm được cái gì thì lấy đâu ra”.

Một câu chuyện khác. Gần đây, núp bóng xã hội hoá giáo dục, một nhóm phụ huynh “đại gia” kêu gọi đóng tiền để trang bị máy tính, máy chiếu, máy điều hoà… cho những phòng mà con em họ đang học. Điều đó suy cho cùng là lo cho con em họ có đầy đủ vật chất để học tập tốt hơn. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, cả ngôi trường đó là do nhân dân xây dựng bằng tiền thuế. Vì thế nó phục vụ bình đẳng cho cả cộng đồng. Việc làm trên dễ dẫn tới sự phân biệt trong thái độ, suy nghĩ, hành động… của học sinh, giáo viên. Tiếp đó là nhiều hệ lụy xảy ra như chạy đua để được dạy và học trong những căn phòng tiện nghi, rồi tiền điện, rồi các phòng học khác cũng không thua chị kém em, đua ganh, tạo gánh nặng cho gia đình nghèo… Thực ra đó cũng là lạm thu.

Nói về tình trạng lạm thu, mới đây lãnh đạo một vài Sở GD-ĐT quả quyết trên báo: “Phụ huynh có thể từ chối các khoản thu tự nguyện”. Xin thưa, trong hai chữ “tự nguyện” đã bao hàm ý các vị nói rồi. Vấn đề ở chỗ “không đóng không được”. Việc lãnh đạo một số Sở GD-ĐT nhắc ý này càng làm dư luận thêm… buồn cười, bởi nó tô vẽ cho một quyết tâm trên giấy, quyết tâm chỉ bằng lời nói.

Đầu năm học này, Bộ GD-ĐT ra công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học, trong đó có nội dung đầy quyết tâm là tăng cường công tác quản lý thu, chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, hiểu và thực thi công văn này ở cơ sở như thế nào hẳn mỗi người đều biết.

Có phụ huynh không nén nổi bức xúc đã buông lời mỉa mai: Quyết tâm của Bộ Giáo dục không bằng...quyết thu của các trường. Cấm lạm thu, lách luật, lại cấm…Cái vòng luẩn quẩn này làm cho ý nghĩa cao đẹp của giáo dục bị mờ nhạt, lấn át bởi đồng tiền bạc.