| Hotline: 0983.970.780

Myanmar thay đổi tạo cơ hội

Quyết tâm "thoát Trung"

Thứ Ba 10/06/2014 , 09:18 (GMT+7)

Hiện tại, dường như người Myanmar đang ngày càng ít mặn mà, chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc so với những DN đến từ phương Tây.

Không để hút hết tài nguyên

Tờ The Atlantic (Mỹ) nói, trong hơn 2 thập kỷ trước năm 2011, Trung Quốc và Myanmar đã giành cho nhau nhiều ưu đãi. Trung Quốc dùng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để ủng hộ chính phủ quân sự của Myanmar.

Trong khi đó, quốc gia Đông Nam Á này giúp cung cấp cho Bắc Kinh những nguồn tài nguyên của mình, năng lượng và khả năng tiếp cận Ấn Độ Dương.

Sau năm 2000, Myanmar đã phê duyệt hàng loạt dự án đầy tham vọng của Trung Quốc như đập khổng lồ Myitsone, mỏ đồng lớn gần Monywa hay đường ống kép dẫn khí và dầu mỏ từ bờ biển Myanmar đến thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam.

Đây đều là những dự án chiến lược đối với Trung Quốc. Điện SX được từ đập thủy điện Myitsone sẽ được dành riêng cho tỉnh Vân Nam đang trên đà phát triển. Trong khi đó The Atlantic mô tả Trung Quốc "điên cuồng xây dựng" các công trình khai thác ở khu vực có trữ lượng đồng khổng lồ Monywa.

Cuối cùng, đường ống kép nối từ Kyaukpyu trên biển Andaman đến Côn Minh sẽ cung cấp cho vùng Tây Nam Trung Quốc dầu thô từ châu Phi và Trung Đông, cùng với đó là khí đốt tự nhiên khai thác ngoài khơi biển Myanmar.

Thế nhưng, ngày 30/9/2011, Trung Quốc đã lãnh trọn cú sốc từ Tổng thống mới của Myanamar là Thein Sein sau khi ông tuyên bố đình chỉ 5 năm dự án đập Myitsone trị giá đến 3,6 tỷ USD.

The Atlantic bình luận, 5 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Myitsone được xem như dấu chấm hết cho sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc của Myanmar về cả kinh tế và chính trị.

Trước quyết định của Tổng thống Thein Sein, Myanmar là sân sau của Bắc Kinh, là đất nhà của hàng chục ngàn di dân Trung Quốc, là thị trường chuyên tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, là nơi giới DN Trung Quốc mặc sức hoành hành.

Có thể nói, sinh mạng kinh tế Myanmar khi đó gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Bằng chứng là, những dự án đầu tư Trung Quốc vào Myanmar đã đạt hơn 14 tỉ USD trong năm tài khóa 2010-2011, với cam kết FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp) lên đến 20 tỉ USD, so với chỉ 300 triệu USD vào một năm trước đó.

Thein Sein nói, quyết định của ông đại diện cho nguyện vọng của người dân, nói cách khác, người Myanmar đã không còn thể chịu đựng thêm cảnh Trung Quốc "hút" hết tài nguyên của họ về nước.

Tạp chí của Mỹ cho rằng một Myanmar phụ thuộc vào Trung Quốc ngày nào giờ đây đã đứng vững và tình anh em - Paukphaw giờ đây đã chết.

Dân Myanmar không ưa Trung Quốc

David Steinberg, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Myanmar - Trung Quốc tại Đại học Georgetown (Mỹ) nói: “Có một tâm lý "chống" Trung Quốc ngày càng lộ rõ ở Myanmar. Đây là hệ quả của việc người dân cảm thấy nước họ quá gần gũi với Trung Quốc và sự hiện diện của Trung Quốc quá rõ rệt ở Myanmar”.

Ông nói thêm: “Người Trung Quốc đã hỗ trợ, đầu tư xây dựng khoảng 30 con đập thủy điện ở Myanmar, chủ yếu là SX điện cho tỉnh Vân Nam. Vấn đề của Trung Quốc khi đầu tư xây dựng con đập Myitsone là 90% điện sẽ quay về Trung Quốc, đó chính là vấn đề”.

Một người quản lý nhà hàng gốc Hoa tại Ruili, Myanmar giấu tên nói với The Atlantic là nhiều người Myanmar cảm thấy Trung Quốc chẳng quan tâm gì đến họ. Người đàn ông này cho rằng, việc đình chỉ xây dựng đập Myitsone chỉ là con bài xoa dịu truyền thông của chính phủ Myanmar.

Người quản lý tâm sự: “Trước đây, không một ai, thậm chí là chính phủ Myanmar có thể nghe được mong muốn của người dân. Nhưng giờ đây - sau thay đổi thể chế, tiếng nói của nhân dân đã được lắng nghe”.

Sau khi chuyển sang chế độ dân chủ, Myanmar tạo điều kiện cho người dân có thể phản đối công khai những điều họ cảm thấy không vừa ý. Theo BBC, một trong những "cái gai" đầu tiên bật ra trong đầu người dân Myanmar chính là các DN Trung Quốc.

Thậm chí, với nhiều người dân Myanmar, Trung Quốc là cái gì đó đáng phải đuổi khỏi đất nước. BBC đưa tin: “Tại một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, dân Myanmar giơ biểu ngữ “Đây là đất nước chúng tôi - Dracula Trung Quốc hãy biến đi”.

Kyaw Min Swe, biên tập viên tờ báo The Voice của Myanmar cho biết nhiều người dân nước này cay đắng, phẫn nộ với mối quan hệ khăng khít của chính quyền quân sự trước đây với Bắc Kinh và cho rằng "sự thống trị không thể thách thức của Trung Quốc trước đây cần phải chấm dứt".

Biên tập viên nói: “Chính phủ cũ coi mọi thứ họ cần từ Trung Quốc, từ tính pháp lý, vũ khí, hỗ trợ chính trị - như quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và người dân đã phải gánh chịu điều này trong hàng chục năm”.

Trung Quốc luôn có một nỗi lo thường trực khi Myanmar thay đổi thể chế, cải cách kinh tế bằng cách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Mỹ và phương Tây sẵn sàng bỏ tiền vào khu vực nhiều tiềm năng này, kèm theo đó là "ác cảm" có sẵn của người dân, Bắc Kinh có đủ cơ sở để nghĩ đến một ngày nào đó sẽ bị "hất cẳng" khỏi chiếc "sân sau" một thuở này.

Dù cho quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh sắp tới thế nào, Myanmar giờ đây cũng đã không còn là "sân sau" của Trung Quốc nữa. Việc Myanmar được xóa cấm vận, kéo theo sự đổ bộ ào ạt của nhiều Cty đa quốc gia khiến DN Trung Quốc bị tước hẳn ưu thế độc quyền.

Nỗi sợ hãi của Bắc Kinh

Việc Myanmar mở cửa ảnh hưởng rất nhiều đến Trung Quốc, khi mà họ đã từng ở vị trí độc tôn với thị trường Đông Nam Á này. Trung Quốc đã có những tuyên bố ca ngợi cải cách của Myanmar và bước tiến trong mối quan hệ Washington và Naypyidaw.

Nhưng The Atlantic cho rằng có một bí mật đang được Bắc Kinh che giấu về mối đe dọa của những dự án đầu tư phải đối mặt với sự khó chịu của người dân địa phương. Tạp chí của Mỹ cho rằng sự hiện diện của Washington ở Myanmar bây giờ cũng không làm dịu bớt những lo ngại này.

Đầu năm 2012, Cty khai khoáng Wanbao, Cty con của nhà sản xuất vũ khí Norinco, một trong những DN nhà nước lớn nhất Trung Quốc bắt đầu quá trình khai mỏ đồng ở Monywa cùng với Tập đoàn Holding Corp do quân đội Myanmar sở hữu.

nh-2-bi-2153333509
Mỏ đồng khổng lồ gần Monywa của Myanmar

Theo The Atlantic, Wanbao tuyên bố, dự án sẽ hỗ trợ "tăng cường dự trữ đồng chiến lược của Trung Quốc và tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh với Myanmar".

Ba tháng sau, mỏ đồng trở thành tâm điểm, thu hút sự phẫn nộ, bài bác Trung Quốc của người dân Myanmar. The Atlantics nói, những lý do dẫn đến điều này bao gồm cưỡng bức di dân, phá hủy một ngôi đền cổ, gây ô nhiễm nguồn nước quan trọng và sự "oán hận" với việc Trung Quốc thâu tóm các nguồn tài nguyên.

Bên cạnh đó, đường ống kép dẫn dầu thô và khí đốt từ biển Myanmar đến Côn Minh sẽ làm rút ngắn con đường các nguyên liệu này từ châu Phi, Ả Rập về Trung Quốc vì không phải đi qua eo biển Malacca. Theo tạp chí của Mỹ, sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở eo biển này sẽ là một "mối đe dọa cho sự đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc".

Do lệ thuộc tuyệt đối nguồn dầu nước ngoài với 80% dầu nhập được đưa về ngang Malacca, một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới mà nơi hẹp nhất chỉ rộng 2,7km, Trung Quốc rất lo sợ một khi xảy ra xung đột, Malacca có thể bị đóng cửa và nguồn cung ứng dầu bị ách tắc.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.