| Hotline: 0983.970.780

Quýt nhiễm bệnh vàng lá thối rễ

Thứ Năm 14/08/2014 , 08:16 (GMT+7)

Về huyện Long Mỹ (Hậu Giang), thủ phủ cây quýt đường, thấy nhiều vườn quýt sắp cho thu hoạch phải đốn bỏ vì nhiễm bệnh vàng lá thối rễ, nông dân lâm cảnh nợ nần.

Ông Trần Văn Gọn ở ấp 8, xã Long Trị  cho biết, ông vay ngân hàng 50 triệu đồng để bỏ vườn tạp, lên liếp trồng 3 công quýt.  Sau 2 năm trồng, cây quýt chậm phát triển, nhiễm bệnh với triệu chứng vàng lá, trái vàng đầu, rụng trái.

 “Vườn quýt của một số hộ xung quanh thu hoạch được 1 - 2 vụ rồi mới nhiễm bệnh còn vườn tôi trồng chưa thu trái đợt nào đã tàn lụi. Bao nhiêu chi phí bỏ ra giờ không lấy lại được đồng nào”, ông Gọn than thở.

Còn ông Nguyễn Văn Bảnh ở cùng ấp có 4 công quýt vừa đốn hơn phân nửa, cho biết: “Lúc đầu, chỉ xuất hiện bệnh trên một vài cây sau đó lan ra cả vườn. Tôi phun nhiều loại thuốc BVTV cũng không hiệu quả nên đành đốn bỏ và trồng lại cây mới. Mặc dù tôi có kinh nghiệm trồng quýt 20 năm nhưng cũng đành bó tay”.

Dẫn chúng tôi ra xem 150 cây quýt còn sót lại cạnh vườn quýt 250 cây vừa đốn, ông Bảnh nói: “Quýt còn hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch mà trái rụng ngày càng nhiều. Nếu cứ đà này thì coi như mất trắng. Vườn cây bị bệnh nặng phải đốn bỏ để trồng lại cây mới, mong kiếm được 50 triệu đồng trả nợ ngân hàng. Vừa đốn một vườn đã lỗ lại càng lỗ”.

Ông Trần Văn Cảnh ở sát nhà ông Bảnh dù có 25 năm kinh nghiệm trồng quýt cũng đành ngậm ngùi nhìn vườn của mình vàng úa. “Cách nay 3 năm, tôi trồng được 4 công quýt song bị bệnh phải đốn bỏ và mới trồng lại được hơn 1 năm rưỡi. Vườn đang xanh tốt bỗng vàng hoe, lá héo… chắc lại phải đốn thôi”, ông Cảnh buồn bã.

Những năm gần đây, quýt đường là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập cho hàng trăm nhà vườn ở tuyến Vòng Voi thuộc ấp 8 và các khu vực lân cận. Nhưng hiện tại là nỗi lo lắng cho nhà vườn.

Ông Bảnh bộc bạch: “Cách nay hơn 10 năm, dịch bệnh vàng lá gân xanh ở vùng này bùng phát gây thiệt hại nặng, hầu hết người dân phải đốn bỏ và cách ly mấy năm mới trồng lại. Giờ đây dịch bệnh lại tái diễn. Mặc dù nhà vườn rất có kinh nghiệm trồng quýt nhưng đành lực bất tòng tâm”.

Không chỉ quýt bị nhiễm bệnh ở các xã Long Trị, Long Trị A mà xã Long Bình cũng bị thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp 1, xã Long Bình cho biết: “Để đầu tư cho 1 công quýt nhà vườn phải ra chi phí từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Nếu thuận lợi thì mỗi công cho sản lượng từ 2,5 - 4 tấn (tùy độ tuổi) cho thu nhập vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nhưng sau 1 năm trồng, vườn quýt xuất hiện bệnh sau đó lan ra cả vườn, chỉ còn cách đốn bỏ”.

Ông Lê Hoàng Việt, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ cho biết, diện tích cây có múi toàn huyện là 1.511 ha, trong đó 450,3 ha quýt đường. Hiện xã Long Trị có diện tích quýt nhiễm bệnh vàng lá thối rễ nặng nhất (105/199 ha).

Để tránh bệnh lây lan cần cải tạo đất ít nhất từ 2 - 3 tháng kết hợp với sử dụng phân hữu cơ, trồng cây giống sạch bệnh. Thời gian tới, huyện sẽ giới thiệu các trung tâm giống có uy tín, chất lượng cho nhà vườn; ngăn chặn việc buôn bán cây giống trôi nổi...

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.