| Hotline: 0983.970.780

Ra đồng hứng thóc

Thứ Tư 17/09/2014 , 08:13 (GMT+7)

Không còn thấy những khuôn mặt đầm đẫm mồ hôi, những tấm lưng còng gập trầy trầy giữa nắng gió, mưa sa. Việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết…

Từ ngàn đời nay làm nông vốn là công việc đọa đầy thân xác. Nào cày bừa, cấy hái, nào gặt, tuốt, phơi phóng, toàn những việc nặng nhọc. Thế nên nghe về một nơi mà nông dân làm ruộng như đi chơi, đến mùa vụ chỉ việc mang bao tải ra đồng mà hứng thóc, tôi không khỏi tò mò.

Mô hình ấy được gọi là mạ khay, cấy máy kết hợp cơ giới hóa đồng bộ. Ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), Hương Ngải là một trong những xã đầu tiên đã áp dụng cách làm đó với kinh nghiệm bốn vụ liên tiếp.

Ông Nguyễn Đỗ Ban, Chủ nhiệm HTXNN Hương Ngải thông tin với tôi rằng sau khi tham quan mô hình mạ khay ở Thanh Hóa, lãnh đạo địa phương quyết định làm khảo nghiệm vụ đầu 15 ha. Dù mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV cũng như máy móc nhưng vẫn không thoát khỏi quy luật “vạn sự khởi đầu nan”.

Nhìn cái máy cấy thưa, dảnh mạ nhỏ cây non tưởng chừng yếu ớt, bà con nông dân xót ruột không dám tin vào kết quả cuối cùng. Dù HTX đứng ra đảm nhiệm tất các công đoạn từ làm đất, ngâm ủ, cấy, bón phân đến phun thuốc BVTV nhưng nhiều hộ vẫn ngần ngừ.

 Vậy là ông chủ nhiệm phải thảo ra một văn bản cam kết bằng giấy trắng mực đen rằng nếu cấy bằng mạ khay năng suất giảm hơn so với cấy thông thường đơn vị sẽ xuất tiền bù 100%.

Cam kết mạnh bạo ấy vẫn không xua hết những hoài nghi, vẫn còn có những hộ cố tình gây khó dễ, không cho cấy nên lãnh đạo HTX lại cam kết sẽ đổi ruộng của nhà mình cho họ để thực hiện cho bằng được mô hình.

Ở vụ thứ hai, thời tiết khiến mạ dược mất mùa nhưng mạ khay lại thắng. Ở vụ thứ ba diện tích mạ khay còn được nâng lên nhiều hơn bởi phương pháp làm khá linh hoạt.

Ở những chân ruộng trũng không chủ động được tưới tiêu, cây mạ khay ngắn cấy xuống sẽ bị ngập quá ngọn nên hãy cứ thả cả khay mạ xuống ruộng đợi dăm bảy ngày, thân mạ cao hơn, cứng hơn sẽ đem ra cấy. Ở vụ thứ tư này thì không cần tuyên truyền nhiều, bà con đã mê tít mạ khay.

Hiện tại tất cả các xã trong huyện Thạch Thất đều có mô hình khảo nghiệm mạ khay, trong đó cấy máy đã được 4 xã áp dụng. Mạ khay, cấy máy được dự báo sẽ còn phát triển ngày một mạnh theo xu thế chung của xã hội.

Mỗi vụ HTXNN Hương Ngải xuất bán cho xã viên trong xã trên 10.000 khay mạ. Nhận thấy lợi ích của mạ khay nên nhiều bà con xã ngoài cũng tìm đến Hương Ngải để mua mạ khay về cấy. Mỗi vụ có khoảng trên 5.000 khay mạ được bán ra ngoài theo dạng này.

Chủ nhiệm Ban bảo với tôi rằng để khuyến khích cách làm mới, thời gian đầu thực hiện dịch vụ này HTX chỉ phấn đấu lo đủ chi phí quản lý đội ngũ cùng khấu hao máy móc.

Có hai hình thức dùng mạ khay, thứ nhất là vẫn cấy theo kiểu truyền thống, thứ hai là cấy máy. Dù cách nào, ưu điểm của mạ khay cũng thể hiện khá rõ nét. Ngoài chủ động được thời vụ, cơ cấu giống mạ khay còn giúp cho năng suất tăng lên so với mạ dược thông thường khoảng 10% (do mạ non nên khi cấy xuống bộ rễ phát triển tốt hơn mạ già, cây đẻ nhánh, quang hợp tốt hơn, bông chắc hơn).

Tuy nhiên do SX nông nghiệp chẳng khác gì một xí nghiệp đặt ngoài trời nên không thể tránh được những điều kiện tự nhiên bất khả kháng. Nếu rét đậm mạ non dễ chết hơn mạ già. Nếu mưa lớn mạ non dễ dập nát.

Nếu ở những chân ruộng không chủ động được tưới tiêu để ngập úng thì mạ non cũng dễ thiệt hại bởi thân cây rất ngắn, dễ bị ngập.

Hiện HTX Hương Ngải cung ứng tới 7 loại dịch vụ cho bà con xã viên. Từ lúc làm đất, gieo mạ đến khi gặt hái, ước tính sơ sơ người nông dân ở đây giảm được khoảng 40% chi phí.

Cụ thể, trước công cấy mất 250.000 đ/sào nay cả mạ lẫn cấy chỉ 200.000 đ, trước làm đất 150.000 đ/sào nay còn 110.000 đ/sào, trước gặt tay mất 200.000 đ/sào, tuốt máy 60.000 đ/sào, nay cả gặt lẫn tuốt chỉ 150.000 đ/sào. Đến mùa thu hoạch nông dân chỉ việc vác bao tải ra đồng mà hứng thóc về sân mà phơi.

Đó là chưa kể khoản tiết kiệm vô cùng lớn về thời gian cũng như sức khỏe. Những công việc nặng nhọc nhất của nghề nông được giải phóng đã giúp cho nông dân Hương Ngải có thời gian rảnh rỗi phát triển thêm nghề mộc, nghề làm nhà gỗ tăng thu nhập.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.