| Hotline: 0983.970.780

Ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả

Thứ Hai 18/11/2019 , 09:15 (GMT+7)

Đây là Bệnh viện Cây ăn quả đầu tiên ở Việt Nam vừa được Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức Lễ ra mắt tại tỉnh Tiền Giang.

12-08-02_1
Cắt băng ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả.

Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của các các đơn vị Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp cùng hàng trăm nông dân đến từ các tỉnh ĐBSCL...

Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả bao gồm 1 Bệnh viện Trung tâm đặt tại Viện Cây ăn quả Miền Nam (xã Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang) và 11 Bệnh viện khu vực tại Miền Trung và Miền Nam, với nhiều dịch vụ khoa học công nghệ cao, trực tiếp hỗ trợ người làm vườn ứng dụng KHCN thâm canh hiệu quả vườn cây ăn trái.

Đội ngũ phụ trách gồm 57 bác sĩ cây trồng là chuyên gia SOFRI và lực lượng kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời. Lực lượng bác sĩ cây trồng đảm nhiệm, phụ trách sẽ thực hiện nhiều hoạt động chuyển giao KHKT từ nâng cao kiến thức canh tác và dinh dưỡng cho nông gia, tư vấn kịp thời khi phát sinh sâu bệnh trên cây ăn quả...

Khi tiếp nhận các mẫu trái do nông dân trực tiếp đem tới Bệnh viện, các bác sĩ sẽ “chẩn bệnh” và tiến hành xét nghiệm lâm sàng để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu, hướng dẫn chi tiết cho bà con nhà vườn xử lý, điều trị hiệu quả.

Viện SOFRI và Tập đoàn Lộc Trời ký kết phát triển Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả.

Đồng thời, Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả còn thiết lập nhiều kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin qua điện thoại, hay gặp gỡ trực tiếp nông dân và đặc biệt là ứng dụng trên điện thoại di động thông minh…

TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện SOFRI, kiêm Giám đốc Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả cho biết: “Việc thành lập Bệnh viện là sự hợp tác giữa SOFRI và Tập đoàn Lộc Trời có ý nghĩa  rất lớn trong phát huy tiềm năng cây ăn quả các tỉnh, thành phía Nam. Đặc biệt là tận dụng được thế mạnh của từng đơn vị và cộng đồng, trước mắt là nhà vườn sẽ hưởng lợi lớn”.

Theo TS.Hòa, Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả là trung tâm phối hợp, điều phối, tận dụng sự hỗ trợ của các đơn vị khác có thế mạnh về lĩnh vực cây ăn quả, có những sản phẩm liên quan đến hỗ trợ sức khỏe cây trồng, nhất là cây ăn quả. Trước mắt, Bệnh viện sẽ tập trung trên một số chủng loại nhất định tập trung ở ĐBSCL. Sau đó sẽ mở rộng ra các đối tượng khác và trên nhiều vùng sản xuất cây ăn quả ở phía Nam và Tây Nguyên.

Ngoài ra, Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả còn có ý nghĩa cùng thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững cũng như triển khai sâu rộng các giải pháp KHKT tiên tiến đang sở hữu để phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn.

Ngay tại buổi lễ ra mắt, nông dân được giới thiệu ngay ứng dụng mang tên “Bệnh viện cây ăn quả” chạy trên 2 nền tảng iOS và Android chuyển tải nhiều thông tin hữu ích về các giống cây ăn quả thông dụng, tư vấn chi tiết cho các câu hỏi của người làm vườn, thông tin về tất cả các bệnh viên trong hệ thống cùng nhiều tiện ích khác.

12-08-02_5
Nông dân nghe tư vấn về hoạt động chẩn bệnh trên cây trái tại Bệnh viện.

Ông Trần Văn Chính, nông dân tỉnh Đồng Tháp phấn khởi nói: “Chúng tôi thấy tâm đắc nhất khi bà con muốn hỏi về loại bệnh nào đó trên cây ăn quả, nếu không trực tiếp lên Bệnh viện thì chỉ cần chụp hình gửi thông tin qua ứng dụng “Bệnh viện cây ăn quả” thì sẽ được các bác sĩ giải đáp và tư vấn ngay giúp bà con trị bệnh hiệu quả thì đúng là công nghệ mới này rất hữu ích”.

Ngay trong buổi lễ ra mắt Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả, hàng trăm nông dân còn được tận mắt chứng kiến việc trình diễn phun thuốc BVTV trên cây ăn quả bằng thiết bị máy bay không người lái (drone). Sử dụng drone hỗ trợ phun thuốc bảo vệ cây ăn quả mang lại nhiều tiện ích.

12-08-02_3
Trình diễn phun thuốc BVTV trên cây ăn quả bằng thiết bị máy bay không người lái (drone).

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Với sự hỗ trợ của drone sẽ giúp phun thuốc đều và mịn, không lãng phí thuốc, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe nông dân”.

Theo ông Thòn, Hệ thống Bệnh viện ra mắt sẽ cung cấp các dịch vụ nông nghiệp tốt nhất và giúp tăng lợi nhuận sản xuất cho bà con nông dân đang canh tác cây ăn quả.

“Sự hợp tác giữa Viện SOFRI và Tập đoàn Lộc Trời để thành lập Bệnh viện cây ăn quả nhằm giúp cho bà con nông dân trồng cây ăn quả điều trị bệnh trên cây trồng hiệu quả hơn. Đồng thời còn giúp quản lý dịch hại trên cây ăn quả và nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục BVTV nhấn mạnh.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.