| Hotline: 0983.970.780

Ra Tết là hết gạo

Thứ Sáu 19/03/2010 , 10:13 (GMT+7)

Về xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan, Ninh Bình) – một vùng quê chiêm trũng điển hình ở ĐBSH hỏi về cái đói ngày giáp hạt, Phó Chủ tịch UBND xã khoát tay: “Nhà hết gạo thì nhiều lắm...”.

Về xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan, Ninh Bình) – một vùng quê chiêm trũng điển hình ở ĐBSH hỏi về cái đói ngày giáp hạt, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã khoát tay: “Nói không có gạo ăn thì không đúng nhưng nhà hết gạo thì nhiều lắm”. 

>> Công dân thị xã cũng chạy ăn từng bữa
>> Lời khẩn cầu từ Pắc Cạm
>> Leo 20 km đường núi lấy một can nước
>> Đói thấu mùa giáp hạt

Trưởng thôn cũng ăn gạo nợ 

Tháng 3 về Nho Quan, tôi được ông Chánh văn phòng UBND huyện thông tin: Cả tỉnh Ninh Bình có 27 xã nghèo thì Nho Quan “giật giải” với 9 xã.

Gần tối tôi lần về Thượng Hòa khi đợt gió mùa đông bắc tràn về. Thượng Hòa hiện lên với những thôn xóm đen đúa nằm lọt thỏm giữa những đồng chiêm trông như những hòn đảo. Trời đã tối, rét căm căm nhưng dọc bờ sông Hoàng Long vẫn loáng thoáng bóng phụ nữ lầm lũi lội bùn. Hỏi ra mới biết ngoài làm ruộng, nghề kiếm đồng ra đồng vào duy nhất ở Thượng Hòa chỉ có mò cua bắt ốc.

Tới đầu làng Vân Trình gặp lão nông tên Chiểu đang lọ mọ cuốc bộ ra bờ đê. Hỏi sao đi bộ, ông Chiểu nhìn chiếc xe máy cà tàng của tôi cười gượng: “Nói thật anh, nhà tôi cũng có xe máy đẹp hơn xe của anh đấy, nhưng hết xăng rồi. Lít xăng về đây họ bán 19 nghìn đồng. Nhà thì đang thiếu gạo phải đi đong nợ, mua lít xăng xót lắm nên đành đi bộ cho lành, chứ mua chịu xăng mãi cũng đến muối mặt”.

- Ruộng ở đây có vẻ nhiều, sao phải đi đong gạo?

- Cũng nhiều thật, mỗi khẩu hai sào mười. Như nhà tôi cũng gần mẫu đất. Nhưng vụ mười năm ngoái lúa trổ đòng thì ngập, thu tất chỉ có 3 tạ thóc. Lại còn phải bán đi lo đủ thứ nên phải đong gạo từ trong Tết. Mà chả kể năm mất mùa, không riêng gì nhà tôi đâu mà nhà nào chẳng phải đong gạo. Tôi cá với anh, vào thôn Vân Trình này lật bồ nhà nào lên xem còn vài tạ thóc tôi chết! Ra Tết là đong gạo tất, mà toàn đong nợ. Nói thế thôn Vân Trình này con đỡ, tôi chỉ anh sang thôn Bè Mật, anh khắc biết.  

Lâu lâu mới được vài con cá kho "cải thiện"

Nghe lời ông Chiểu, tôi lần sang thôn Bè Mật. Người ta bảo sở dĩ thôn có tên Bè Mật bởi trước đây thôn chỉ toàn đồng trũng không có chỗ dựng nhà nên cụ tổ của làng là ông Cai Mật phải sống quanh năm trên chiếc bè đánh lưới sống qua ngày. Bây giờ dân Bè Mật đã chen chúc nhau chuyển hết lên doi đất giữa đồng chiêm, nhưng nghề đơm đó thì vẫn là cứu cánh chính y như thời cụ Cai Mật.

Gia đình không đủ miếng ăn khiến trẻ con thôn Bè Mật phải lăn ra đồng mò cua bắt ốc phụ gia đình, kéo theo tình trạng học sinh bỏ học tới mức báo động. Hầu hết các em chỉ học cao nhất tới lớp 9 là bỏ học. Năm 2009, có tới hơn 20 học sinh trong thôn học tới lớp 8-9 thì bỏ học.

Cả thôn chỉ có mỗi con gái trưởng thôn Nguyễn Văn Kiên học cao nhất (lớp 11). Ông Nguyễn Văn Thứ cũng có 2 con học lớp 8 bỏ học năm 2009 bực bội: “Bỏ học xong chỉ biết chơi dài. Ra Tết vừa rồi cuỗm của tôi mấy trăm ngàn ra Hà Tây (cũ) bảo đi vác gỗ, nhưng được dăm hôm đã thấy mò về, đầu tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ”.

Tới nhà trưởng thôn Nguyễn Văn Kiên vào đúng bữa ăn trưa thấy chỉ độc nồi cơm to tướng với độc một đĩa cá rô đồng kho. Tôi hỏi sao nhà có 4 người mà nấu nồi cơm to tướng vậy? Anh Kiên bảo dân đây lâu lâu đánh trúng bữa cá đem bán mới có tiền mua chút thịt mỡ về “cải thiện”. Nhưng dạo này ao đầm người ta cho thầu hết, ra Giêng nước đồng cạn kiếm cá càng khó. Thành ra bữa ăn chỉ có cơm là chính nên mỗi người người ăn 3 lạng gạo mỗi bữa là thường, trẻ con cũng ăn cơm nhiều như người lớn vậy.

Hỏi thăm nhà còn gạo không, trưởng thôn Kiên ấp úng nhẩm tính cả nhà ăn hết 3kg, chắc chỉ trụ được nửa tháng nữa là phải đong gạo. Anh Kiên vừa dứt lời thì chị Tiêu, vợ anh cắt ngang: “Nói thật với chú tôi chả cần giấu, nhà tôi đong gạo từ trong Tết rồi. Toàn đong nợ chỗ bà Quyền, ông Năm cả. Từ nay đến giữa tháng 4 mới lại có lúa gặt, mà nghề đơm đó giờ chỉ đủ cá ăn hàng ngày và mua rau cỏ vì đây không có đất trồng rau. Tôi lo lắm! Nói thế nhà tôi còn may vì có tiền phụ cấp của bố nó mỗi tháng hơn 3 trăm ngàn, vừa lo học cho 2 đứa con, còn đâu cũng trích ra được chút trả tiền đong gạo, chứ anh cứ đi cùng cái xóm này mà xem, đong gạo nợ lâu lắm rồi”.

Giấu chẳng được, trưởng thôn Kiên đành phải mở lòng: “Thôn này 45 hộ chắc chỉ còn dăm ba hộ còn lúa, còn đâu đong lâu rồi”. 

Vừa thoát nghèo đã hết gạo  

Tôi hỏi ông Thứ sao nhà phải đong gạo nợ mà mà vẫn có tiền mua xe máy cáu cạnh dựng góc nhà? Ông giải thích: Xe “lướt” (xe cũ) ấy mà. Mua từ năm 2008 chỉ hơn 4 triệu nhưng chưa trả hết nợ đâu. Trên thị trấn Nho Quan họ cho mua chịu, lúc nào có thì trả. Tết vừa rồi chủ đại lý đòi, nhà tôi chỉ trả được 150 ngàn. Làng hơn chục cái xe máy, ai chẳng thế”.

Trưởng thôn Kiên dẫn tôi sang nhà ông Nguyễn Văn Thứ cùng thôn khoe rằng hộ ông Thứ là một trong những hộ vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm 2009. Vừa nghe tôi hỏi chuyện gạo, bà Hòa, vợ ông Thứ dẫn ngay tôi vào chiếc hòm tôn trong buồng mở ra, quả thật nhà ông không còn một hạt thóc. Bà Hòa thật thà cho biết đã nhà đã đi đong gạo ngay từ ra Tết. Tôi thắc mắc: “Nhà mình chỉ 4 miệng ăn mà những 7 sào ruộng, một năm những hơn 2 tấn thóc sao phải đi mua gạo sớm vậy?”. Ông Thứ bảo đâu phải làm ra để ăn cả đâu? Còn bán trả tiền cày, tiền phân lân, rồi thì trả tiền nợ đọng của vụ trước...

-  Vậy tiền đong gạo từ nay đến tháng 4 âm thì lấy đâu?

-  Thì ra Tết lại sang cánh bà Quyền, anh Năm hàng xáo mua chịu. Họ cho nợ tới mùa có lúa lại trả.  

Nhà có hơn 7 sào ruộng, nhưng chiếc thùng tôn nhà bà Hòa, ông Thứ đã trống hoác từ ra Tết Nguyên đán

Nghe chuyện đong gạo chịu, chị Nguyễn Thị Lứa, hàng xóm nhà ông Thứ cùng vừa mới “thoát nghèo” năm 2009 chạy sang góp chuyện: Cái nghiệp đong gạo nợ tôi rành lắm. Nhà tôi cũng đong nợ cả tháng rồi. Năm nào chả thế, họ (hàng xáo) quy ra ngang lãi suất ngân hàng 2% cả đấy. Ví dụ bây giờ gạo 9 nghìn một cân, tới mùa họ lấy mười nghìn chẳng hạn. Đoạn bà Lứa chậc lưỡi tiếp: “Họ bán chịu vậy là biết ơn lắm rồi nên tới mùa có lúa còn phải biếu họ vài ba chục nghìn, để vụ sau họ còn cho đong nợ. Trước đây, người ta còn trông mặt mới cho mua đấy. Mà không phải lãi 2% đâu, 7 bò gạo lúc giáp hạt tới mùa họ lấy 1 thùng lúa (1 yến) cơ đấy!”

Rời thôn Bè Mật, tôi tạt vào gia đình anh Nguyễn Văn Mỹ. Chị Huyền, vợ anh Mỹ cầm bát cơm trắng chan thứ nước nhờ nhờ chẳng ra nước kho mớm cho đứa con gái tên Linh mới lên 2 tuổi ăn. Mấy đứa trẻ hàng xóm dường như thèm cơm quá, cũng chạy về nhà bốc từng cục cơm trắng nhai ngấu nghiến.  

Bé Linh, con chị Huyền, anh Mỹ mới 2 tuổi nhưng đã... thèm cơm trắng!

Được một lúc, anh Mỹ cùng đứa cháu tên Hùng đánh xe máy về tới nhà bộ dạng say lướt khướt. Giọng lè nhè, Mỹ chửi thề: “Từ mai đ... đi phụ hồ nữa, chúng nó đ...có tiền, mãi mùa lúa mới trả tiền công thì đi làm đ... gì”. Nhìn chú cháu Mỹ dặt dẹo, trưởng thôn Kiên lắc đầu giải thích thêm, dân Bè Mật nghèo thế nhưng từ nay tới mùa gặt nếu không đi đánh đơm đó thì chỉ ngồi nhà chơi thôi chứ chẳng biết làm nghề ngỗng gì để có tiền mua gạo. Ngay như nghề đi thợ xây, cả thôn cũng chẳng ai biết, mà chỉ biết đi phụ hồ cả đời thôi...

Tôi ngẫm mãi, chẳng biết nên đáng buồn hay đáng trách những nông dân ở đây nữa. (còn nữa)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất