Phan Khôi - Công việc làm báo, viết văn

Ra tù, dạy học, làm công hãng tàu Bạch Thái Bưởi

. - Thứ Hai, 03/10/2022 , 14:14 (GMT+7)

Người cha, được tin Phan Khôi làm thư ký hãng Bạch Thái, cụ phàn nàn với con dâu: 'Làm gì thì làm chớ chi lại đến nỗi đi làm công cho Bạch Thái Bưởi!'.

LTS: Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887, ở làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con một của nhà Nho yêu nước Phan Trân, mẹ là con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu. Chữ Hán do cha truyền dạy từ nhỏ, còn sau này, vốn kiến thức, quốc ngữ hay tiếng Pháp phần lớn ông đều tự học. Ông là học giả uyên bác, đa tài, là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu lý luận phê bình, dịch giả. Tâm hồn ông đượm bản sắc văn hóa Việt, không bảo thủ, luôn nhạy bén với cái mới và luôn có “phẩm chất xứ Quảng”.

Chỉ trong ít kỳ báo mà muốn giới thiệu đầy đủ về một chí sĩ lớn như Phan Khôi là không tưởng. Bởi vậy, với sự cho phép của nhà văn Lại Nguyên Ân, chúng tôi chỉ mong gửi đến bạn đọc một phần nào đấy khắc họa con người và tư tưởng của ông. Kính mời bạn đọc.

NNVN

Chuyến biến thức thời

Một trong những nghề mà mỗi nhà nho thường làm rất sớm trong đời mình, là dạy học, có khi ngay từ lúc chính mình còn đang đi học.

Bài liên quan

Dạy học, đối với nhà Nho, thường không phải là dạy những nội dung tri thức bất kỳ nào khác, mà chính là dạy chữ Hán (kỹ năng viết thứ chữ Hán cổ và đọc chúng bằng âm Hán-Việt) và vốn tri thức, đúng ra là vốn liếng những phương châm đạo lý, rút từ các sách gốc của Nho giáo, gọi là “tứ thư ngũ kinh”.

Dạy học, đối với nhà Nho, vừa là nghề kiếm sống, lại vừa là công việc truyền bá đạo lý và tri thức Nho giáo.

Phan Khôi mở lớp dạy chữ Nho tại nhà lần đầu tiên là khi nào? Ngay sau khi từ trường Pellerin (Huế) trở về nhà (khoảng 1911 - 1912) hay sau khi cưới vợ (1914)? Hãy nghe lại điều ký giả Phan Thị Nga viết (sau khi nghe chính Phan Khôi kể - “Lối tự học của những bực đàn anh nước ta. Ông Phan Khôi học chữ Tây và làm quen với cô Luận Lý”, Hà Nội Báo, 11 Mars 1936):

“Mãn tù ra ông ra Huế xin học trường dòng [….]. Gặp đại tang ông thôi học về quê mở lớp dạy chữ Nho và quốc ngữ. Hai năm sau có nghị định bỏ thi, ông thôi dạy, bảo học trò: “Dạy các anh cho giỏi chữ Nho tôi vẫn dạy được, nhưng bây giờ các anh học giỏi ra chẳng làm được gì, hãy học chữ Tây đi”. Thôi dạy, ông lại cắp sách tới trường học với thầy Lê Hiển; ông cùng học với lớp học trò của ông.

Phan Khôi (bên phải). Ảnh: TL.

Hồi ức của người con gái lớn (Phan Thị Mỹ Khanh, “Nhớ cha tôi, Phan Khôi”, Nxb. Đà Nẵng, 2001) cho thấy rõ hơn về một cột mốc sự kiện trong nhà:

“Cưới vợ rồi, cha tôi mở lớp dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà, được học trò xa gần đến học rất đông, vì ông có cải tiến lối giảng dạy dễ hiểu hơn so với các thầy đồ xưa. Về cách thức tổ chức lớp học, ông theo kiểu các trường công ở Hội An, sắm bàn ghế đàng hoàng, học trò không còn ngồi lê la dưới nền nhà nữa. Năm 1916 có tin Triều đình Huế bãi bỏ chế độ khoa cử ở miền Bắc, ông giải tán lớp và khuyên học trò học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp”.

Vậy là có thể tin chắc chuyện mở lớp tại nhà dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ của Phan Khôi là vào những năm 1914 - 1916.

Cũng trong hồi ức, Phan Thị Mỹ Khanh còn giữ được bài vè “Khuyên học” do Phan Khôi viết lúc dạy học tại nhà. Đó là một sáng tác nằm trong văn mạch cổ động duy tân tự cường, nhắc người ta nhớ mình đang sống ở thời đại cạnh tranh “mạnh được yếu thua”, khuyên người đi học phải tập rèn cả “văn chương” lẫn “máy móc”, rèn cả những “y khoa cứu thế, công thương giúp đời”, “tập trồng dâu, tập xắt tằm, /học đi dưới nước, học cầm máy bay”; “Em ơi phải biết nghĩ xa /học rồi giúp nước giúp nhà mới nên / chí trai phải giữ cho bền”…

Trong những lời ca này vừa có việc khuyên nhủ các học trò tuổi trẻ, lại vừa có sự khuyên nhủ chính mình, vì chặng đường đời trước mắt còn dài.

Đối với Phan Khôi, làm công việc dạy học tại nhà, dẫu sao cũng là việc tạm thời, bất đắc dĩ, bởi ý nguyện của người trai trẻ này là vươn khỏi cổng làng chứ không phải là ngược lại. Trong khi đó, thâm ý của người cha lại là giữ chân con trai tại nhà lâu thêm để con dâu sinh thêm cháu. Ấy là chưa kể đến vị trí Phan Khôi là tù quốc sự (tù thực dân Pháp), tuy đã mãn hạn vẫn chịu sự quản thúc của giới chức địa phương.

“Ra tù từ năm 1911, cho đến năm 1917, chẳng có cơ hội nào cho mình vượt khỏi cổng làng. Điều ấy, tôi tự lấy làm uất ức đã đành, mà tiên quân tôi, người lại còn lo cho tôi hơn nữa. Muốn đi ra, cái chí của tôi ở chỗ khác; nhưng thầy tôi thì chỉ mong làm sao cho tôi có đường xoay xở hầu mau thoát cái lốt tù”.

(Phan Khôi: “Bạch Thái công ty thơ ký viên, Một của Phan Khôi tự truyện”, 1940)

Nửa năm “bập” vào hãng tàu

Việc làm cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi được chính Phan Khôi kể lại trong đoạn tự truyện đăng trên một tờ báo số Tết 1940.

Từ mùa thu năm 1919, Phan Khôi thấy buồn vì những bước vào đời nhiều vấp váp, lại cũng nản với cảnh sống quanh quẩn trong nhà. Nhưng hễ thưa với cha xin đi thì cụ Phan Trân lại không cho.

Tháng 3/1920, nhà ông chú là Phan Định có việc buồn khi được tin người con cả là Phan Hạnh chết ở Thanh Hóa. Được tin lúc nửa đêm, ông chú cùng Phan Khôi từ nhà vội đi Hội An, rồi ông chú ủy thác cho Phan Khôi ra Thanh Hóa để ông trở về Bảo An lo việc ở nhà. Đến Thanh thì người chết đã được mai táng. Các rương hòm, thấy chở bằng đường bộ không tiện, Phan Khôi chọn cách theo tàu hỏa đưa ra Hà Nội, xuống Hải Phòng, rồi theo đường biển mà gửi về Quảng.

Đến Hải Phòng, Phan Khôi gặp Dương Tự Nguyên (quê làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; là anh của Dương Quảng Hàm, 1898 - 1946). Dương Tự Nguyên từng du học Nhật Bản trong phong trào Đông du của Phan Bội Châu) đã kiếm được việc làm tại một nhà băng Anh quốc, Dương rủ Phan Khôi ở lại tìm việc làm ở Hải Phòng cùng nhau cho vui.

Có người mách Phan Khôi, chủ hãng tàu Bạch Thái là Bạch Thái Bưởi đang cầm tìm một thư ký thạo chữ Hán và chữ quốc ngữ. Phan Khôi bèn viết thư cho cụ Nguyễn Bá Học ở Nam Định nhờ cụ giới thiệu mình với Bạch Thái Bưởi. Sau đó một tuần, có người nhà Bạch Thái Bưởi đến nhà trọ tìm Phan Khôi đưa đến văn phòng gặp ông chủ. Sau đấy, Phan Khôi được nhận vào làm thư ký với mức lương 50 đồng/tháng, bắt đầu đi làm từ 1/5/1920.

Ông kể tại trong tự truyện công bố năm 1940: “Cái gì thì không sao, chỉ có cái thì giờ tôi làm việc ở hãng Bạch Thái bấy giờ thật là cổ quái, không biết hồi đó làm sao mà tôi chịu nổi. Lệ trong bảng làm mỗi ngày 10 giờ: sáng từ 7 đến 12, chiều từ 1 đến 7, chủ nhật được nghỉ nửa ngày. Nhưng riêng tôi lại khác: sáng từ 8 giờ đến 1, chiều từ 3 đến 8. Ông [Bạch Thái Bưởi] cho tôi biết rằng đó là sự vạn bất đắc dĩ, tôi dốc lòng làm thì phải chịu khó, bằng không thì thôi [….].

Cứ mỗi sáng, từ 8 đến 12 giờ, tôi phải làm những việc hôm qua còn lưu lại. Còn ông chủ, 9 giờ ông mới đến. Đến thì ông sai cắt công việc, đọc thơ tiếp khách cho đến 12 giờ. Lúc nầy ai nấy đã về cả, ông mới gọi tôi đến ngồi trước mặt ông. Đưa ra một mớ thơ mà ông đã đọc, rồi mỗi cái, ông bảo phải trả lời làm sao; tôi, mắt thì nhìn, tai thì nghe, tay thì ghi lấy. Có ngày thơ nhiều quá, một giờ rồi mà chưa xong thì cũng phải ngồi rán ít nữa.

Chiều đến phải viết những thơ ấy. Cái nào quan hệ mới giao cho người khác đánh máy. Rồi 4 giờ ông chủ lại. Làm việc của ông đến 7 giờ, ông lại gọi tôi vào làm việc như buổi mai. Vì mỗi ngày hai giờ ngồi cùng ông mà tôi phải ở trễ.

Trong tám tháng ở nhà trọ, bữa nào tôi cũng ăn sau, ăn một mình và ăn cơm nguội. Làm nhọc quá, không thể chịu dài ngày được, cho nên cuối năm tây tôi xin thôi. Tuy vậy, trong lúc còn làm, nhiều khi tôi cũng thấy vui thích lắm như là đi học ở một trường lớn”.

Để xin thôi việc, Phan Khôi viết đơn, gửi bằng đường thư bảo đảm tới văn phòng ông Bưởi, rồi buổi chiều 31/12/1920, sang bàn giấy gặp chào từ giã ông chủ. Ông Bưởi bảo thủ quỹ trả lương tháng ấy cùng 35 đồng ký quỹ hàng tháng cho Phan Khôi.

Hôm sau, Phan Khôi đi tàu hỏa từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trong thời gian làm cho hãng Bạch Thái, có lần viên tri phủ Điện Bàn bẩm lên quan đầu tỉnh đòi Phan Khôi phải về Quảng Nam, không cho ở Hải Phòng, lấy cớ ông là tù mãn hạn bị quản thúc; Phan Khôi tự lo đơn từ đối phó, Bạch Thái Bưởi biết, bảo Phan Khôi lấy thầy kiện “bao tháng” của hãng kiện lại viên tri phủ, nhưng Phan Khôi từ chối.

Về phía người cha, được tin Phan Khôi làm thư ký hãng Bạch Thái, cụ phàn nàn với con dâu: “Làm gì thì làm chớ chi lại đến nỗi đi làm công cho Bạch Thái Bưởi!”.

Lại Nguyên Ân

(Rút từ bản thảo "Tìm hiểu tác giả Phan Khôi", chuyên đề nghiên cứu, chưa in)

.
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.