| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối chuyện định hướng cho con trai

Thứ Sáu 26/06/2020 , 09:13 (GMT+7)

Mới định cho con vào TP.HCM, ông bà nội đã hấm hứ, nói em chỉ muốn nhàn thân, đàn bà sao có loại đàn bà chỉ vui chơi tỉa tót! Chồng em cũng lắc đầu...

Chị kính mến!

Tính ra em nhỏ hơn chị 15 tuổi, là một thế hệ sau chị, đúng không chị? Chị cả em trang lứa với chị, em không lạ gì triết lý hy sinh và hy sinh của thế hệ ấy. Còn thế hệ của mẹ em thì khỏi nói luôn, nghĩa là không soi gương, không biết đến bản thân mình. Mà khi ấy chiến tranh, rồi bao cấp khốn khổ đã đủ ăn đủ mặc đâu mà diện, đi chơi và ngắm vuốt?

Em lấy chồng khá muộn, năm 31 tuổi mới sinh con. Sinh được con trai là em kế hoạch luôn, sinh cho chồng, cho nhà nội nó thôi. Năm nay con trai em 22 tuổi, năm cuối đại học. Từ khi con em vào mẫu giáo, rồi tiểu học, hàng chục năm em chiến đấu với chồng và nhà chồng về việc không sinh thêm.

Em vẫn thấy mình đúng. Mẹ thì quanh năm nói, có đứa con gái nữa sẽ có chỗ nhờ cậy, chị cả cũng không tha, vì chị ấy có tới ba đứa con mà toàn con trai, phá gia chi tử. Với mẹ, em im lặng không tranh cãi, với chị cả em, em một mực “chị thấy chưa, nếu sinh đứa nữa mà vẫn con trai thì sao?”

Vấn đề của vợ chồng em bây giờ là con trai đã đủ lông đủ cánh, mẹ nhàn quá, mẹ sẽ hư hỏng, chồng của em lý thuyết thế đó.

Còn một vấn đề nữa là cho con học lên ở đâu. Năm ngoái khi chưa có virus Corona, sẽ đi Úc, đi Canada, đi và đi. Bây giờ bản thân con trai cũng không háo hức nữa.

Vậy thì thành phố Hồ Chí Minh đi, vào đấy dễ chịu, khí hậu thuận lợi quanh năm. Mới thế mà ông bà nội đã hấm hứ, nói em chỉ muốn nhàn thân, đàn bà sao có loại đàn bà chỉ vui chơi tỉa tót! Chồng em cũng không mặn mà phương án ấy, sợ buồn, sợ xa con.

Sao lúc nào em cũng khác mọi người thế chị? Cuộc đời hữu hạn, mình phải được sống, phải mặc đẹp và hú hí chồng vợ, dọc dài đất nước đã sướng chứ đừng nói đi đâu xa.

Con cái như chim, bú và mớm, lớn lên, chúng phải có chân trời chứ, quanh quẩn nhau như truyền thống để rồi ao tù, hục hặc và buồn thảm như mẹ em, như chị cả của em sao? Đẩy con đi xa là có ích cho nó chứ, đúng không nào?

-------------------

Em thân mến!

Trường hợp của em hơi hiếm. Thế hệ của chị cả em và của chị, đã biết sinh đẻ có kế hoạch rồi. Và chị cả sinh 3 đứa (chị sinh 2 đứa). Em năm nay cũng đã ngũ tuần, muốn sinh nữa không thể, và giữ mức chỉ 1 đứa con thôi nghĩa là em đã nữ quyền mạnh lắm đó.

Dù là đàn bà năm mươi, hay phụ nữ bốn mươi, thậm chí phụ nữ ba mươi, dần dần đang gặp nhau ở chỗ không muốn sinh nhiều. Sinh hai con theo tha thiết của Nhà nước đã không dễ thuyết phục họ.

Vì sao từ phụ nữ ba mươi đến năm mươi tuổi, giờ đã gặp nhau ở quan niệm về số con cho chính mình, khoảng cách rộng ba thập kỷ cách nhau chứ ít đâu? Là vì người ta thấy nhân loại đông đúc quá, sinh đẻ đã mệt, nuôi con còn mệt hơn, nhất là khi nuôi nó nên người học hành đầy đủ và hữu ích thì sẽ là một đống công, một núi tiền.

Em đã trụ được trong áp lực đến lúc này. Bao nhiêu bạn bè vong niên của chị tầm tuổi em, họ đi ngao du, họ đi thể dục, họ học thêm ngoại ngữ, họ sống rất hiện đại và lành mạnh. Rồi họ làm từ thiện, vùng sâu vùng xa, rất đáng ngưỡng mộ. Khi ta đã biết nhàn là đúng và là sướng, ai có nói gì ta cũng không nghe.

Một đứa con trai duy nhất, em sắp được giải phóng triệt để rồi. Sau đại dịch, biết bao người băn khoăn vì đã cho con du học, vừa tổn phí, vừa xa xôi. Bây giờ học ở trong nước là lựa chọn không tồi, không ở đâu bằng nước nhà mình khi có biến cố.

Vì vậy, Sài Gòn là một lựa chọn khôn ngoan, môi trường và thời tiết dễ chịu. Bao nhiêu đại học có tiếng ở đây, chắc em đã biết, RMT, Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia TP HCM…

Nếu con trai đồng ý thì em có 2 phiếu, chồng thiểu số. Chồng ganh khi mình nhàn, kệ, mình không hư, mình có lương tâm sáng và rồi sẽ sáng, quay về khi vắng con để chăm chồng, chăm mình, chăm nhau, một thời kỳ trăng mật mới. Ông bà nội của con, đã là gián tiếp, cái lý là vậy, cái tình là vậy, kệ đi nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.