| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối chuyện tài sản với nhà chồng

Thứ Hai 11/05/2020 , 08:47 (GMT+7)

Tôi ăn ở với mọi người và các chị dâu nhà mình không ai chê vào đâu được. Chỉ riêng có nhà chồng thì tôi phải “chịu đầu hàng” đấy chị ạ.

Chị Dạ Hương thân mến!

Tôi năm nay đã bước sang tuổi ngũ tuần, có con cháu đuề huề, lẽ ra ở tuổi nghỉ hưu phải được hưởng an nhàn khi về già.

Nhưng cuộc đời thật lắm nghịch lí chị ạ. Chẳng là chồng tôi là con trai độc nhất trong gia đình, nhưng tôi lại không thể sinh cho gia đình nhà anh một thằng con trai để “nối dõi tông đường” như mong muốn của mẹ anh, từ ngày về nhà anh, tôi đã phải nín nhịn, chịu bao ấm ức trước thói đành hành của các bà cô như người ta gọi là “giặc bên Ngô” đó.

Tôi cũng kể sơ qua cho chị hiểu, tôi là công chức nhà nước, còn chồng tôi không công ăn việc làm, sống chung với bố mẹ chồng. Tôi vốn đảm đang, tháo vát nên một mình chu toàn mọi việc 2 bên, chồng tôi tính nhu mì, không quyết đoán. Tôi ăn ở với mọi người và các chị dâu nhà mình không ai chê vào đâu được. Chỉ riêng có nhà chồng thì tôi phải “chịu đầu hàng” đấy chị ạ.

Trước đây về làm dâu, căn nhà chồng như sắp đổ, vậy mà một tay tôi gây dựng lên, xây nhà dựng cửa, kiếm một công việc buôn bán cho chồng. Nhưng chồng tôi vốn tính chậm làm, lại chắc chắn, chặt chẽ, tính toán quá nên chẳng đâu vào đâu, chỉ được ưu điểm là hiền lành và có khoa nói khoa trương là giỏi thôi.

Trước khi bố chồng tôi mất, ngôi nhà đã sang tên cho vợ chồng tôi, nhưng đến nay, mẹ chồng tôi và các em chồng nhao vào đòi chia tài sản với lí do tôi không có con trai. Nếu không chia thì phải trả số tiền cho mẹ tôi hơn 1 tỉ để bà chia cho các con gái bà.

Nhà tôi rộng rãi, gian nhà ngoài cũng không ở đến, có người vào hỏi thuê gian ngoài để kinh doanh mặt hàng giải khát của giới trẻ. Tôi suy tính thì thấy không ổn, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi già của bà không chịu được tiếng nhạc xập xình và ồn ào đến đêm khuya.

Tôi đã phân tích hết lẽ với chồng nhưng xem ra mẹ chồng, chồng, và các em chồng tôi thì thích cho thuê ra mặt. Bảo như thế sẽ kiếm được khoản tiền đưa cho mẹ chồng tôi. Theo chị, tôi nên làm gì lúc này bây giờ?

--------------------

Bạn thân mến!

Tôi cũng là dâu của gia tộc Bắc miền Trung, tôi sống ở Bắc lâu, tôi có biết tình cảnh của người không sinh được con trai cho nhà chồng. Giờ, nhà chồng, những cô em chồng mà người đời gọi là “giặc bên Ngô” ấy cũng đã biết tại vì đàn ông chứ không do đàn bà. Vậy mà vẫn ấm ức. Do trọng nam khinh nữ cố hữu, do trực hệ, nói dõi, kéo dài tộc họ…

Rồi cũng đã quen “sống chung với lũ”, đúng không? Bạn đã có cuộc hôn nhân bù trừ, tức là chồng chậm chạp, hiền lành thì bạn tháo vát, giỏi giang. Không ai được cả. Và chồng bạn dù không là viên chức, cũng chịu một bề, không vùng vằng.

Có người không sinh được con trai, biết thừa là do mình mà vẫn tinh tướng đi kiếm thêm, đi “cải thiện”, gây buồn khổ cho vợ con (các con gái). Bạn không nói rõ bạn có con gái không, nhưng hình như chồng bạn không có khả năng có con, đúng không?

Không đôi vợ chồng già nào thắm thiết cả bạn ạ. Bởi sống với nhau lâu, nhàm, chán, nhiều việc phát sinh, tính khí người lớn tuổi đều khó chịu. Khi không có con cháu để gắn bó nữa, thì rất bời rời.

Bạn cũng có nhu cầu con và cháu, nhưng bạn đã quên bản thân mình, bạn dẹp nhu cầu mẫu tử ấy sang bên để phụng sự nhà chồng. Chắc chắn họ đã bị bạn “khuất phục”. Chắc chắn. Bằng chứng là mẹ chồng còn sống mà vẫn sang tên ngôi nhà cho vợ chồng bạn, sâu xa bà tin tưởng và yêu quý bạn.

Việc bán để chia, nếu vợ chồng bạn không muốn, thì không ai làm gì được cả. Vì về thừa kế, mẹ chồng đã quyết, xong rồi, cho con trai và vợ nó, nữa ai muốn kiện cũng không thể.

Và nên lựa lời để các cô em hiểu rằng: con trai một, không ai nối dõi thì vẫn phải ôm bàn thờ bố mẹ, riêng bố mẹ thôi đã. Sau đó bàn thờ ai ôm tính sau, khi chồng bạn theo ông bà. Vậy nên, chuyện ấy miễn bàn. Có nghĩa là nhà và đất ấy giữ nguyên, để chăm mẹ, để hương khói.

Về việc cho thuê, nhà đang rộng, nên cho thuê. Nếu không thích bán quán thì cho thuê làm việc khác. Cho dù có bán quán mà mẹ chồng bạn thích thì cũng nên chiều bà, tiền ấy cho bà giữ để bà tiêu pha và cho cháu ngoại, lo việc nọ việc kia. Đã đến lúc bà trở tính, bà góa rồi bà đang cô đơn và rất nghe các con gái.

Mình cứ nguyên tắc: nhà kỷ niệm của bố mẹ mình phải giữ, mẹ thích cho thuê để có tiền, ừ thì chiều mẹ. Ấy là khôn ngoan, dĩ hòa vi quý, tiếp tục “chiến đấu” với mình già, chồng già, các cô em chồng cũng già, khó khăn hơn nhưng trời đã định, mình chị dâu trưởng, cứ thế cầm trịch nhé.

Tôi là dâu trưởng đây, em chồng có người trên tám mươi đây, tôi gánh vác hết, công sá tiền nong, gánh hết và chu toàn, để vui.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất