| Hotline: 0983.970.780

"Rác" văn hóa

Thứ Năm 18/08/2011 , 11:18 (GMT+7)

Đời sống tinh thần èo uột, làng quê đang bị những thứ "rác" văn hóa liên tục tấn công...

"Loa loa loa, đoàn nghệ thuật ngôi sao Sài Gòn với sự hội tụ của các ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng. Ngôi sao ca nhạc Nhật Kim An. Ngôi sao ca nhạc Dương Thiệu Phúc. Ngôi sao ca nhạc Quách Danh Đông. Nhóm nhảy bước chân thần tiên. Hội tụ trong một đêm diễn duy nhất tại sân vận động huyện nhà. Kính mời bà con cô bác, thanh niên nam nữ mua vé đi xem".

>> Trạm xá nhà quê& bệnh nhân chờ chết
>> Teo tóp những bữa ăn
>> Nông thôn, phía bên kia bờ sông lở

Những buổi chiếu bóng phục vụ bà con cực hiếm

Ăn thịt... lừa

Âm thanh phát ra rả từ cái loa to buộc trên nóc chiếc ô tô cũ mèm cứ thốc tháo vào tai người dân phố huyện. Những tờ rơi quảng bá chương trình rải trắng đường như nhà có đám tang rắc vàng mã, tiền giấy lót đường cho người cõi âm khỏi nạn ma mới, ma cũ. Để câu khách, dụ dỗ người nông thôn, các bầu sô thường treo băng rôn, dán áp phích lộng lẫy các ngôi sao ca nhạc đang nổi tiếng làm bả. Ánh đèn màu khua khoắng cả một vùng trời đêm. Tiếng nhạc rộn ràng như níu chân khách mua vé.

Buổi diễn bắt đầu. Người ta ngong ngóng những ca sĩ ngôi sao nhưng lại chợt hụt hẫng khi nhận ra những ngôi sao rởm khác hẳn trên áp phích thật. Một đêm ca nhạc tạp pí lù chỉ có hai ba ca sĩ hát còn lại toàn “ngôi sao” ngực độn, mông phụ gia, giọng eo éo, mặc váy mà yết hầu lồ lộ, múa may, quay cuồng, gào thét.

Dăm ba năm gần đây những đêm ca múa nhạc tạp pí lù với những danh xưng mỹ miều như “Sao mai điểm gặp”, “Đêm ngàn sao”, “Đêm danh ca”…xuất hiện ngày một nhiều ở vùng nông thôn. Dân quê gọi một cách nôm na là xâu pê - đê bởi  nhiều “ca sĩ” trong đó là những người đồng tính luyến ái. Từ đồng bằng đến miền núi, mới thấy họ bắc rạp, căng phông ở sân vận động huyện này hôm sau đã nghe tiếng loa eo éo ở một trung tâm thị trấn lân cận. Ở thành thị có các vàng người nghe cũng chẳng đi xem những sô diễn như vậy nhưng ở nông thôn họ vẫn còn đất diễn vì tuy thiếu nghệ thuật nhưng thừa độ “máu lửa”.

Những ca sĩ ăn mặc rất quái đản. Váy ngắn, hở nội y, tóc dăm bảy màu phối trộn hết lăn lê, bò toài lại vặn người, ưỡn ngực, đánh hông khiến cho khán giả được một phen đầm đìa mồ hôi. Các nàng pê - đê thi nhau hát nhạc chế đại loại như: “Gà mà không gáy là con gà gay/ Gà mà hay gáy là con gà điên/ Đi lang thang trong sân, bắt con gà bỏ vô nồi. Mua hai lon Tiger, nhắm chân gà, nhắm chân gà/ Đi lang thang trong sân, bắt con gà ướp tiêu hành/ Ăn xong lăn quay ra, chết tui rùi, cúm gia cầm”.

Hay “Sung sướng thuộc về đàn bà, đau khổ cứ dồn về đàn ông/ Xấu xí thuộc về đàn ông, xinh đẹp không qua được đàn bà/ Đàn ông không dịu dàng như đàn bà và đàn ông cộc cằn hơn đàn bà, phải không? Đàn ông sao quá nhiều khổ đau sống làm sao đây hỡi trời, có đàn ông mới có đàn bà. Mà đàn bà thì đẻ ra đàn ông, điều đó cũng như không…”.

Những lời ca nhảm nhí nhưng rất lạ là món ăn quá lôi cuốn so với những đêm văn nghệ của huyện, của xã hết huyện ca, tỉnh ca khô như ngói. Không chỉ các chương trình ca nhạc pê - đê mà các hội chợ tấu hài, các đoàn xiếc lang thang cũng lấy quê làm đích ngắm. Hội chợ bày ra dăm bảy chục gian hàng, mỗi gian hàng đều sắp xếp một hai “cò gỗ” dụ dỗ người mua. Phần đa hàng ở các hội chợ này đều là hàng gia công. Bột giặt ít bọt, vò mỏi tay vẫn nguyên vết bẩn. Quần áo dạng đánh đống, chỉ dùng vài hôm đã bục chỉ, màu phai. Xoong, chảo inox, cặp lồng, nồi cơm điện, quạt điện cơ... sử dụng một thời gian gỉ sét hoen bám.

Phần thưởng trong các trò chơi, nhiều người háo hức xách về cả túi quà nặng nhưng giở ra, ôi thôi bánh sữa, bia lon đã hết hạn sử dụng, đồ điện máy chạy một lúc đã khét mù...

Chị Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) thống kê một năm trung bình địa phương miền núi vùng sâu của chị đón 6-7 đoàn xiếc, 2-3 đoàn ca nhạc, vài đoàn hội chợ đến hành nghề. “Trình độ ca hát có khi kém cả văn công huyện nhưng chỉ hơn về trang phục, sân khấu, âm thanh. Lắm khi họ "treo đầu dê bán thịt chó". Không có ngôi sao nhưng quảng cáo phóng lên ngôi sao này, ca sĩ nọ đến đêm diễn mới bảo vắng mặt đột xuất. Ca múa nhạc gì nhiều khi hở hang đùi, ngực khiến tôi vội kéo đứa con nhỏ đi chỗ khác.

Các đoàn xiếc thì quảng cáo rầm rầm nào gà chín cựa, ngựa chín hồng mao hay những dị thú, dị cầm nhưng đến buổi trơ khấc ra chỉ có vài ba con ngựa, con khỉ, con chó. Nói chung những buổi biểu diễn ca nhạc, xiếc dạng này không đáp ứng được nhu cầu văn hóa lành mạnh của đồng bào tuy nhiên được cái đoàn nào đến cũng có giấy phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên chúng tôi cũng chấp nhận cho họ vào".

Văn hóa giật lùi

Khảo sát của chúng tôi tại xã Ngô Xá, Tiên Lương - những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) một năm có hai lần đoàn chiếu bóng huyện xuống phục vụ xã miền núi. Mỗi buổi lèo tèo 50-70 người đi xem vì toàn chiếu các phim cũ như: Anh hùng Núp, Hoa ban trắng, Cánh đồng hoang... mà ít có phim mới.

Văn hóa ở làng quê chẳng đài, báo, chỉ còn cái tivi nhưng lao động nặng nhọc, ăn cơm xong có khi qua thời sự từ lâu, mà có xem bà con cũng chỉ thích xem phim Hàn, phim Trung Quốc nhiều tập, toàn cảnh máu trắng với ung thư sướt mướt. Hệ thống phát thanh nội dung khô khan, đường dây hỏng nhiều cộng thêm cái khó của địa bàn rộng, các khu dân cư xa nhau. Khu gần loa ném đá cho hỏng, lấy gậy chọc loa chổng ngược lên trời để khỏi nghe lải nhải, khu xa loa lại ao ước không ngừng. Các xã không có đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, lúc có đợt thi đấu giao hữu mới nháo nhào thành lập. 50-70% học sinh ở đây bỏ học khi hết cấp 2.

Bưu điện văn hóa vắng teo

Làng quê bây giờ vẫn có những người già bạc đầu rồi mà chưa biết đến cái đệm ô tô nó êm ái ra sao, chưa ra khỏi cổng làng đi du lịch ở đâu, nếu có đi chỉ đi chữa bệnh.

Những năm trước đây người dân quê đến bưu điện gọi điện thoại, đọc sách giờ không đến nữa. Như Ngô Xá, mỗi ngày có chừng chục người đến bưu điện để nhận bưu phẩm, dăm bảy người đọc báo (xã có 6.400 dân). Bưu điện xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) cỏ mọc ngập sân, bùn lầy giăng kín lối. Trong trụ sở ngổn ngang vài bao thóc, bao xi măng cùng cái thùng kem hỏng.

Chị Ma Thị Dẫn, cán bộ Bưu điện văn hóa xã, bảo có trên 200 quyển sách, trước mỗi tối đến chừng 10-15 người, ngồi chật ghế đọc sách, giờ chỉ được 4-5 người đã là may: “Có điện thoại di động, ít người đi chơi, ít người đọc sách lắm”.

Ở những xã thuộc Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), tình trạng văn hóa còn tồi tệ hơn. Vì là xã vùng sâu, được ưu tiên nhiều nhưng các loại báo, tạp chí, sách hướng dẫn khoa học kỹ thuật đem đến bản Mông nếu có cảnh đẹp, hình con gái xinh, trưởng bản cắt dán lên tường còn không cứ xếp thành từng bó, từng xấp cất lên gác bếp như thịt hun khói. Một thời gian sau, bồ hóng bám đen kịt, giấy trắng biến thành giấy than, cái chữ cũng chẳng luận nổi nữa.

Hơn chục ông trưởng bản ở Khâu Vai một chữ bẻ đôi cũng không biết, ký tên cũng điểm chỉ, cầm tờ báo nếu không có hình cũng cầm ngược, treo lịch trên tường cũng không luận nổi thứ, ngày, tháng. Nhiều trưởng bản ở nhiều xã khác thuộc Đồng Văn, Mèo Vạc cũng không thể đọc nổi chữ, không biết nói tiếng phổ thông. Điểm tựa tinh thần của cả thôn, cả bản còn vậy chứ không nói dân thường. (Hết)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất