| Hotline: 0983.970.780

Rạch Miễu: Tạm biệt những chuyến phà cuối cùng

Thứ Tư 14/01/2009 , 08:00 (GMT+7)

Cứ theo phương tiện thông tin đại chúng thì cầu Rạch Miễu sẽ khánh thành vào dịp Tết Nguyên đán này, đây là cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế...

Cầu Rạch Miễu - cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế

Gần một thế kỷ qua, kể từ khi những chiếc xáng và tàu Tây xuất hiện trên sông rạch  ĐBSCL cho đến khi Cty Vận tải đường sông Nam kỳ ra đời năm 1882, nhiều bến phà đã lần lượt ra đời. Trong đó, phà Rạch Miễu là cửa ngõ chính đi vào Bến Tre, hai cửa còn lại là phà Đình Khao nối liền với Vĩnh Long và phà Cổ Chiên nối liền với Trà Vinh.

Cứ theo loan báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì cầu Rạch Miễu sẽ khánh thành vào dịp Tết Nguyên đán này, đây là cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế. Tin vui vừa lan ra, nhiều bà con đã háo hức chờ ngày đặt chân lên chiếc cầu thế kỷ. Tuy nhiên, những người dân địa phương đã từng qua lại trên những chuyến phà Rạch Miễu, đặc biệt là công nhân bến phà thì buồn vui lẫn lộn vì họ sắp phải chia tay những chuyến phà miệt mài ngày đêm chở khách. Chỉ vài hôm nữa thôi, anh em công nhân sẽ giã từ bến đỗ, giã từ những chiếc phà thân thương mà họ từng coi như nhà mình.

Trong ký ức nhiều người, nhất là mỗi lần lễ tết, phà Rạch Miễu trở nên rộn ràng tất bật, máy chuyển rì rầm, từng đoàn xe lớn xe nhỏ và khách bộ hành chen chúc lên xuống. Vào những ngày cao điểm ước tính có từ 20-25 ngàn lượt xe qua phà khiến nhiều đoàn xe tải có lúc phải nằm chờ cả ngày mới có chuyến qua sông. Giờ thì đã qua rồi cái thời “đò giang cách trở”, bà con không còn sợ cảnh luỵ phà. Cách đây vài thập kỷ, việc bắc cầu qua sông Tiền với khoảng cách vài ba cây số chỉ như một ước mơ. Vậy mà bây giờ đã thành hiện thực! Bến phà với thuỷ trình vượt sông Tiền, vòng qua cồn Phụng và cồn Thới Sơn dài nhất ở ĐBSCL nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cả trăm năm đưa đón khách, và đang bàn giao vai trò đó cho cầu Rạch Miễu-cây cầu là công trình hiện đại nhất nhì ĐBSCL

+ Cầu Rạch Miếu khởi công ngày 30/4/2002, dài 8.246m trong đó phần cầu chính dài hơn 2.868m, tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, là cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế thi công, dài nhất ĐBSCL. Cầu Rạch Miếu cách TPHCM 80km, cách ngã ba Trung Lương (QL1) 3km, nằm trên sông Tiền nối đôi bờ sông nước từ tỉnh Tiền Giang sang Bến Tre.

Khi chưa có cầu Rạch Miếu mỗi ngày có khoảng từ 20-25 ngàn lượt xe qua phà, ngày lễ tết tăng lên 30-40 ngàn lượt, bình quân mỗi chuyến phà vượt sông khoảng 25-30 phút, dịp lễ tết nghẽn phà xảy ra thường xuyên. Không có cây cầu lưu thông, hàng hóa từ ốc đảo Bến Tre về các tỉnh miền Đông luôn ách tắc. Cầu Rạch Miễu trở thành huyền thoại, mơ ước ngàn đời của người dân xứ dừa Đồng Khởi nó giúp hòa nhập ốc đảo Bến Tre vào mạng lưới giao thông cả nước. Ông Từ Hồng Phong- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỏ Cày cho rằng, thành tựu lớn nhất sau 33 năm giải phóng của Bến Tre là cây cầu Rạch Miễu.

+ Nhịp cầu Rạch Miễu theo tháng năm càng gần tới ngày hợp long thì sức thu hút đầu tư vào tỉnh Bến Tre càng tăng đột biến. Năm 2004 vốn đầu tư vào Bến Tre chỉ đạt 5 triệu USD đến năm 2006 tăng lên 23 triệu USD, năm 2007 cao hơn nhiều, và năm 2008 vừa qua chỉ số cạnh tranh của Bến Tre đã đứng hàng thứ 14/64 tỉnh, thành toàn quốc.

Hiện Bến Tre đã có KCN Giao Long với diện tích quy hoạch ban đầu gần 90ha đã lấp kín. Khi cầu Rạch Miễu khai thông cũng là lúc Bến Tre dự kiến mở rộng KCN Giao Long lên gần 600ha và nâng cấp cụm công nghiệp An Hiệp lên khoảng 200 ha. Bến Tre như vùng đất hoang hoá nhưng màu mỡ giờ đây được các nhà đầu tư vượt sông Tiền qua cầu Rạch Miễu về khai phá.  

Nhiều bậc lão nông kể rằng trước kia muốn về thăm quê, người dân Bến Tre phải qua đò sang Mỹ Tho, sau đó đi xe đến phà Rạch Miễu rồi tiếp tục cuộc hành trình mà phần lớn là đường sông nước nên mất rất nhiều thời gian. Từ xa xưa, ba  cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hoà của Bến Tre đều nằm giữa bốn bề sông nước, điều kiện giao thông trắc trở. Bây giờ cầu đã bắc ngang, người ngồi xe máy chỉ mất 5 phút là đã qua sông. Cái cũ mất đi, cái mới ra đời bao giờ cũng tốt đẹp hơn, đó là qui luật của phát triển. Nhưng vật đổi sao dời, không biết mai này có còn ai nhớ những chiếc phà Rạch Miễu hay không? Đặc biệt là những chiếc phà đầu tiên với hình dáng đơn sơ, chỉ có một đầu với ponton rời gồm 2 phần: phần phao nổi cố định và phần di động cho xe lên xuống. Mỗi lần phà cập bến, từng chiếc xe đổ xuống ponton rồi các nhân viên mới dùng tay quay bàn cầu sao cho đúng vị trí bàn phà cho dễ lên xuống. Ở mũi lúc nào cũng có một hoặc hai phu phà lo việc cất hạ bàn phà, tháo lắp dây dõi, hoặc sắp xếp chỗ đậu xe và hướng dẫn khách.

Thời ấy, mỗi lần qua phà ai cũng có cảm giác nhẹ nhàng, thích nhìn sông nước miền Tây, không khí mát lạnh, dòng sông yên ả, ấn tượng nhất là những rặng bần xanh, những giề lục bình miên man bất tận và những chiếc ghe chài chở lúa khẳm lừ lờ đờ trôi theo dòng nước, xa xa là những chiếc xuồng nhấp nhô tạo nên một bức tranh quê mộc mạc. Trên phà lúc nào cũng sôi động, mọi người đều tất bật với công việc mưu sinh, nhớ nhất những tiếng rao buồn của các em bé bán đậu phộng rang, bán nước giải khát hoặc cà rem cây. Giờ đây, điều vui mừng lớn nhất đối với người dân địa phương và các tỉnh giáp Bến Tre là khi cầu Rạch Miễu hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ vựa nông sản miền Tây với thị trường TPHCM, đồng thời tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu: Cầu Rạch Miễu hoàn thành không chỉ có ý nghĩa phá thế “ ốc đảo” của tỉnh Bến Tre mà còn tạo “đường băng” cho Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL cất cánh.

Tạm biệt phà Rạch Miễu! Rồi đây, hình bóng những con phà sẽ đi vào ký ức người Nam bộ, nhưng trong tâm tưởng của nhiều người, nhất là dân Bến Tre vẫn có muôn vàn kỷ niệm để vấn vương những chuyến phà lỡ hẹn, những chuyến phà lặng lẽ và cần mẫn đưa tiễn khách sang sông gần suốt một thế kỷ, nhớ những tiếng rao chè sâu lắng trên những chuyến phà đêm và ngắm nhìn dòng sông mênh mang ngày ngày mang phù sa bồi đắp cho ba dãy cù lao.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm